Công ty TNHH Chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức (Tiền Giang) vừa có đơn kêu cứu gửi Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan xin được tiếp tục sản xuất đối với doanh nghiệp thực hành sản xuất tốt "3 tại chỗ".
Trong đơn gửi Bộ trưởng Bộ NNPTNT, Công ty TNHH Chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức cho biết, công ty đang xuất khẩu và cung cấp cho thị trường nội địa các sản phẩm cá tra fillet, cắt khúc, cá tra tẩm gia vị, cá tra nướng, chả cá viên,... cho các chuỗi siêu thị, nhà hàng, bếp ăn công nghiệp.
Công ty cũng đang cung cấp thực phẩm, cơm hộp, mì xào cho các bác sĩ ở các bệnh viện tuyến đầu. "Sản phẩm của chúng tôi nằm trong danh mục hàng hóa thiết yếu" - Công ty TNHH Vạn Đức khẳng định.
Thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ kêu gọi doanh nghiệp thực hành "3 tại chỗ", Công ty Vạn Đức đã có nhiều chính sách đãi ngộ để kêu gọi công nhân duy trì sản xuất "3 tại chỗ".
Công ty tổ chức phân luồng, ăn - ở sản xuất theo từng dây chuyền sản xuất để tránh nhiễm chéo, ngày 27/7/2021, qua xét nghiệm PCR, 100% lao động của công ty có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, ngày 29/7, Công ty Vạn Đức nhận được Công văn 4093/UBND-KT của UBND tỉnh Tiền Giang về việc tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh với các doanh nghiệp đang áp dụng "3 tại chỗ" trong khu, cụm công nghiệp kể từ ngày 5/8 cho đến khi có thông báo mới.
Theo Công ty Vạn Đức, đây là "cú sốc lớn" khi doanh nghiệp đã chi hàng chục tỷ đồng để bố trí "3 tại chỗ".
Nghiêm trọng hơn, theo Công ty Vạn Đức, việc này còn làm đứt gãy chuỗi cung ứng, cá tra nuôi bị quá lứa, trong khi việc sản xuất "3 tại chỗ" mới chỉ đạt 50% công suất, nếu dừng hẳn sẽ gây thiệt hại kép đến toàn chuỗi cung ứng; cá tra nuôi quá lứa không bán được, doanh nghiệp phải đền hợp đồng.
Trong khi đó, việc làm này còn làm mất niềm tin của công nhân, tạo mối nguy về kiểm soát dịch bệnh, người lao động cũng không thể về quê, sẽ gây gánh nặng tâm lý cho rằng,
Từ thực tế đó, Công ty Vạn Đức kiến nghị Bộ trưởng Bộ NNPTNT có ý kiến đến Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh Tiền Giang để công ty được tiếp tục sản xuất để thực hiện mục tiêu kép và không làm đứt gãy chuỗi cung ứng.
Công ty Vạn Đức cho rằng, doanh nghiệp nào làm sai thì nên xử lý doanh nghiệp đó, không thể khiến những doanh nghiệp khác phải tạm dừng sản xuất khi họ đã tốn kém nhiều chi phí cho sản xuất "3 tại chỗ".
Không chỉ Công ty Vạn Đức, Công ty TNHH MNS Feed Tiền Giang (một thành viên của Tập đoàn Masan) cũng vừa có đơn gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương, UBND tỉnh Tiền Giang kiến nghị tạo điều kiện để doanh nghiệp được tiếp tục hoạt động "3 tại chỗ".
Theo đại diện MNS Feed Tiền Giang, để thực hiện sản xuất "3 tại chỗ" từ ngày 15/7, công ty đã áp dụng nhiều giải pháp nghiêm ngặt để phòng chống dịch như thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, bố trí đầy đủ phương tiện chống dịch, tổ chức quản lý chặt chẽ người lao động. Đến nay, chưa phát hiện ca lây nhiễm nào trong khu vực nhà máy.
MNS Feed Tiền Giang cho rằng, việc tạm dừng sản xuất nhà máy thức ăn chăn nuôi không chỉ ảnh hưởng đến người lao động mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung thức ăn chăn nuôi của nông hộ, trang trại, những người đang duy trì sản xuất trong điều kiện khó khăn để cung ứng thực phẩm cho xã hội.
Trong khi đó, theo quy định của Bộ Công Thương, nhóm hàng thức ăn chăn nuôi được xếp vào nhóm hàng thiết yếu, được phép hoạt động, lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Trước đó, ngày 29/7/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh đã ký công văn số 4093/UBND-KT quyết định cho tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh với các doanh nghiệp đang áp dụng "3 tại chỗ" trong khu, cụm công nghiệp kể từ ngày 5/8 cho đến khi có thông báo mới.
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu trong thời gian từ ngày 29/9 - 4/8, các doanh nghiệp trong các cụm, khu công nghiệp khẩn trương sắp xếp hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với yêu cầu hoạt động của doanh nghiệp.
Có trách nhiệm tổ chức xét nghiệm tầm soát bằng phương pháp PCR cho toàn thể công nhân và người quản lý trước khi dừng hoạt động.
Tỉnh Tiền Giang hiện có 71 doanh nghiệp đang áp dụng "3 tại chỗ", chiếm 38,17% tổng số doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp đã thực hiện phương án này.
Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cũng giao Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, các đơn vị liên quan tập trung nhân lực, cơ sở vật chất để thực hiện hoàn thành việc xét nghiệm PCR cho tất cả công nhân tại doanh nghiệp chậm nhất ngày 4/8.
Đối với Ban quản lý các khu công nghiệp, tỉnh Tiền Giang yêu cầu chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan để tuyên truyền, giải thích cho doanh nghiệp, người lao động về chủ trương của tỉnh trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Chịu trách nhiệm và thường xuyên kiểm tra, theo dõi các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp thực hiện dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Đồng thời lập danh sách cụ thể công nhân, lao động (sau khi có kết quả âm tính), thông báo về địa phương trong và ngoài tỉnh để theo dõi, quản lý công nhân khi trở về.
Ngoài ra, UBND tỉnh giao UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi, quản lý và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 đối với công nhân tại các khu, cụm công nghiệp khi trở về địa phương theo quy định.