Dân Việt

Chuyển đổi số và "cỗ máy kiếm tiền" cho người nông dân

PV 02/08/2021 11:12 GMT+7
"Bước đà chuyển đổi số có thể thực sự trở thành một "cỗ máy kiếm tiền cho nông dân" trong tương lai gần, biến những điều tốt đẹp trong hiện tại trở thành động lực để đưa nông sản phát triển một cách bền vững", chuyên gia kiêm ông chủ nông trại Hải Linh chia sẻ.

Người nông dân và sàn thương mại điện tử

Sự xuất hiện của các nền tảng thương mại điện tử kết nối trực tiếp các hộ nông dân, tổ chức lại chuỗi cung ứng hiệu quả từ nhà cung cấp, đơn vị trung gian đến người tiêu dùng đang là xu hướng khi dịch Covid-19 vẫn còn rất khó lường và phức tạp.

Thực tế, có nhiều điều chúng ta cần cẩn bị hơn để bước đà "chuyển đổi số" này có thể thực sự trở thành một "cỗ máy kiếm tiền cho nông dân" trong tương lai gần, biến những điều tốt đẹp trong hiện tại trở thành động lực để đưa nông sản phát triển một cách bền vững. 

Chuyển đổi số và "cỗ máy kiếm tiền" cho người nông dân - Ảnh 1.

Dịch chuyển từ cửa hàng truyền thống sang các cửa hàng "ảo" đưa sản phẩm lên nền tảng thuơng mại điện tử.

Trong thời điểm hiện tại tôi thấy dự án ShopeeFarm khởi xướng hồi tháng 4/2021 đang là một trong những dự án nổi bật nhất và có khả năng đi được lâu dài nhất với người nông dân khi mục đích & hành động của họ khá thực tế với mục tiêu cụ thể là thúc đẩy số hoá cho các mô hình kinh doanh nông sản truyền thống, đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, các hộ nông dân.

Shopee nắm bắt đúng thời điểm & làm tốt vai trò là đơn vị "trung gian" để kết nối người mua và người bán nông sản. Nhưng rõ ràng, họ đang can thiệp khá sâu vào việc thiết kế hình ảnh sản phẩm (Media) cho người dân, điều mà các hộ nông dân không thể làm được một cách hiệu quả ngay lúc này. Điều đó làm tôi liên tưởng đến Foodmap.asia, một nền tảng khác hoạt động khá nổi bật tại khu vực phía Nam cũng đang nỗ lực kết nối người nông dân, nhà sản xuất với người tiêu dùng bằng cách cung cấp các dịch vụ về thông tin, hình ảnh sản phẩm, địa phương nơi sản xuất.

Tôi nhận thấy, đó là sự phân tách chuyên môn khá rõ ràng, các nền tảng thương mại điện tử đã chủ động tiếp cận người nông dân ngay khi nhận thấy "nông sản cần một đầu ra mới" để thuyết phục họ chuyển đổi số, dịch chuyển từ cửa hàng truyền thống sang các cửa hàng "ảo" đưa sản phẩm lên nền tảng. Họ nhận về phần mình vai trò "tiếp thị số", một bước vô cùng quan trọng nếu muốn đưa được sản phẩm lên internet để tiếp cận với người mua trên toàn quốc. 

Chuyển đổi số và "cỗ máy kiếm tiền" cho người nông dân - Ảnh 2.

Các nền tảng thương mại điện tử đã chủ động tiếp cận người nông dân ngay khi nhận thấy "nông sản cần một đầu ra mới" để thuyết phục họ chuyển đổi số.

Vai trò của Media rất quan trọng và ai cũng hiểu được điều đó. Sản phẩm tốt nhưng hình ảnh quảng cáo phải đẹp thì mới thu hút được sự quan tâm của người mua. Nhưng với người nông dân, chi phí để có những thứ này quả thực hơi xa vời, với mức giá trung bình hiện tại khoảng 500.000 VNĐ cho một tấm ảnh chụp sản phẩm có ý tưởng, hay 100.000 VNĐ cho một hình ảnh sản phẩm thì đó là một mức giá khá cao. Thêm nữa khi những bức ảnh đã không còn quá hiệu lực thì chi phí cho những video clip giới thiệu sản phẩm ở mức 5.000.000 - 10.000.000 VNĐ lại càng trở nên không thực tế.

Vì thế, theo tôi để đi đường dài, sự hỗ trợ này cần phải bền vững, và các doanh nghiệp thương mại điện tử nên có một chiến thuật tiếp cận dài hơi hơn. Những sự hỗ trợ ban đầu sẽ là nền tảng và phương án hỗ trợ, chuyển giao cho nhóm những nông dân trẻ, hợp tác xã công nghệ sản xuất hình ảnh sẽ là một chiến lược đúng đắn. Tư duy công nghệ không quá phức tạp với những phần mềm như canva, điện thoại thông minh giá rẻ chỉ cần sau vài lần hướng dẫn họ có thể chủ động thực hiện ở một mức độ hiệu quả nhất định.

Một vấn đề khác mà tôi nghĩ đến nữa, đó là "traffic" (giao thông) mạch máu lưu chuyển của các nền tảng thương mại điện tử. Không phải lúc nào sự hỗ trợ để tiêu thụ nông sản cũng ở mức độ "sẵn sàng" như lúc này vì vậy chúng ta cũng cần tính đến một chặng đường dài hơn khi các gian hàng nông sản cạnh tranh sòng phẳng với các loại hàng hoá khác trên các nền tảng thương mại điện tử trong tương lai.

Chuyển đổi số ngay hôm nay

Một người bạn của tôi nhắn tin qua Zalo và nhờ tôi tư vấn cho người nhà của anh ấy để làm sao tiêu thụ được nhãn vườn vì năm nay được mùa. Anh ấy đọc báo thấy người ta bán hàng qua mạng rất nhiều nên cũng muốn thử xem sao.

Tôi có hỏi sơ qua, sản phẩm quả thực rất tốt và quyết định thử tư vấn cho anh ấy những điều đơn giản nhất và tôi nghĩ rằng những điều này cũng hữu ích cho rất nhiều nông dân khác, nhưng lên mạng đọc thông tin một hồi thì bỏ cuộc vì phức tạp quá hay đọc không hiểu gì hết, hoang mang và chẳng biết bắt đầu từ đâu. 

Người nông dân và sàn thương mại điện tử - Ảnh 3.

Nông dân cũng cần có "nhân hiệu".

Câu chuyện đầu tiên tôi muốn nói đến là anh bạn này vô danh như hầu hết những người nông dân khác thì bạn cũng đang trở thành một trong 80% những người đang tìm kiếm một cơ hội khác để tiêu thụ hàng hoá, và 20% còn lại họ đang tìm cách định vị mình để khách hàng có thể nhận diện ra họ và đặt niềm tin vào sản phầm, nói cách khác thì chi tiền để mua sản phẩm mà họ biết và tin tưởng.

Ví dụ: Không thể nói mãi rằng đây là nhãn Hưng Yên, mà đương nhiên nhãn Hưng Yên nổi tiếng rồi, nhưng quan trọng nhãn này được trồng ở nhà ai? Chữ "Ai" ở đây tôi muốn nhấn mạnh khi mà hàng hoá đã có nhãn hiệu, nhãn hàng, thương hiệu … thì nông dân cũng có "nhân hiệu".

Hãy thử bước chuyển đổi số đầu tiên bằng việc lập một tài khoản trên mạng xã hội Facebook bằng tên thật của bạn. Đừng mất công nghĩ đến những cái tên phức tạp khác, hãy sử dụng đúng tên thật của bạn sau đó kết nối với bạn bè, người thân và chia sẻ về "tình hình sản xuất" nông nghiệp của bạn, thì tôi tin rằng bạn sẽ có những đơn hàng đầu tiên ngay lập tức, điều đó rất đơn giản. 

Với mạng lưới người thân của bạn, những sản phẩm đó sẽ ngay lập tức được chia sẻ, kêu gọi và thậm chí những người thân đó sẽ chủ động tham gia chuỗi cung ứng hàng hoá của bạn với tư cách cộng tác viên bán hàng vì họ tin tưởng ở bạn đến mức sẵn sàng giới thiệu cho người khác. 

Đây là khái niệm "Influencer Marketing", một hình thức tiếp thị dựa trên sức ảnh hưởng. Nghe có vẻ khó hiểu nhưng khi áp dụng lại vô cùng thực tế chính những người thân đó lại là những Nano-Influencers, nhóm đối tượng có sức ảnh hưởng tương đối nhỏ, họ nhỏ nhưng bù lại họ là một nhóm có số lượng lớn và là người tiêu dùng trực tiếp của bạn.

Bạn quyết định sẽ trích một số tiền hoặc tặng vài cân nhãn để cảm ơn những người bạn, người thân này vì họ đã giới thiệu bạn bè của họ mua nhãn của bạn chẳng hạn, vậy thì bạn đã thực hiện rất thành công "Affiliate Marketing",  một khái niệm Marketing về tiếp thị liên kết khi biến những người bạn biết trở thành đại sứ cho "nhân hiệu của bạn".

Ngoài facebook, Zalo cũng phát huy vai trò tương tự như vậy nhưng sẽ giới hạn trong những người mà bạn biết qua số điện thoại.

Và đương nhiên, những kỳ tích "livestream" bán hàng gần đây đã trở thành động lực để bạn quyết định trở thành một nông dân số, bán hàng do chính mình sản xuất trên mạng điều này thì rất dễ đối với những người hoạt ngôn, có tài ăn nói và rất quan trọng là phải có nhiều bạn bè trên mạng xã hội. 

Người nông dân và sàn thương mại điện tử - Ảnh 4.

Những kỳ tích "livestream" bán hàng gần đây đã trở thành động lực để bạn quyết định trở thành một nông dân số.

Nhưng bạn mới bắt đầu và chẳng biết phải nói gì, không lẽ chỉ loanh quanh mấy thứ "nhãn ngon lắm" hay "cây nhãn này được chăm sóc cẩn thận lắm" thì chắc câu chuyện của bạn không thể kéo dài quá 10 phút, livestream sẽ kết thúc ngay khi nó mới chỉ bắt đầu, và tất nhiên không ai kịp xem vì thế chẳng có hiệu quả nào được đem lại cả.

Bây giờ, tư duy khác đi một chút, vẫn vườn nhãn đó – bạn nhờ một người thân cầm điện thoại và ghi hình cảnh bạn tỉa cảnh, bắt sâu, tưới cây … thỉnh thoảng có thêm một bữa trưa dân dã ngay tại vườn, rồi bắt đầu nói về bao giờ thu hoạch, năm nay dự kiến được bao nhiêu tấn, tôi tin rằng những video này sẽ có hiệu quả nhất định. 

Người nông dân và sàn thương mại điện tử - Ảnh 5.

Livestream tại chính nông trại sẽ giúp người nông dân tiếp thị sản phẩm tốt nhất.

Bạn cũng nên nhớ rằng những livestream bán hàng chỉ 5 phút cho 10 tấn trái cây kia được thực hiện trong trường quay, bởi những người nổi tiếng – họ được chúng tôi những người làm marketing gọi là KOL, những người có sức ảnh hưởng lớn đến công chúng vì thế không thể so sánh khập khiễng được, họ chỉ làm như vậy một vài lần thôi còn bạn thì sẽ ở vườn nhãn của mình lâu đấy, vì thế nên hãy làm những điều thực tế.

Hãy dành thời gian lên youtube để xem những video về cuộc sống làng quê, cái này không phải để cho vui mà cần biết được xu hướng những người ở thành phố, khách hàng của bạn họ muốn xem gì và bạn nên làm theo như thế. Đừng nghĩ đến chuyện sao chép, hãy cứ làm đúng như không gian bạn sống, việc bạn đang làm được vì như thế chính là cách đơn giản nhất để tạo niềm tin cho người xem video rằng họ biết bạn và biết sản phẩm nông sản mà bạn làm ra.

Ngẫm từ sầu riêng rụng đầy gốc, giá rớt thảm chưa từng thấy

Ngày hôm nay, tôi vô tình đọc được bài báo này trên báo mạng và thực tế xảy ra là do vắng bóng thương lái, những người bạn lâu năm của nông dân vì tình hình dịch bệnh Covid-19 và tôi nghĩ ngay đến việc làm thế nào để cứu những nông sản kia.

Như năm trước, thanh long được giải cứu và biến thành bánh mỳ đã tạo ra cơn sốt trên mạng và tôi quyết định Google thử xem sầu riêng làm được món gì và không dưới 25 món ăn cực ngon như xôi sầu riêng, chè sầu riêng, kem sầu riêng hay thậm chí là Pizaa sầu riêng… xuất hiện. Ai cũng nghĩ ăn tươi mới ngon nhưng trong tình huống này kịp thời đưa sầu riêng về thành phố và chế biến thì có lẽ giá trị gia tăng sẽ rất cao.

Người nông dân và sàn thương mại điện tử - Ảnh 6.

Các sản phẩm cần được linh hoạt đưa đến tay người tiêu dùng.

Đây quả thực là mỏ vàng cho những ứng dụng giao đồ ăn cực kỳ phổ thông hoạt động hết mức có thể. Tôi từng nói đến việc đưa nông sản lên các nền tảng thương mại điện tử nhưng bán hàng trên các ứng dụng giao đồ ăn thì khác, lúc này cần có một đối tác chuyên môn về ẩm thực để bạn có thể đưa nông sản của mình tiếp cận người tiêu dùng. 

Nếu tôi là Grapfood, Now thì tôi chắc chắn sẽ không bỏ qua cơ hội này để thuyết phục hàng triệu đối tác bán hàng của mình chung tay hỗ trợ người nông dân giải phóng nông sản. Chỉ cần 5% trong số đó đồng ý hợp tác và 1% là các cửa hàng Pizza lớn thì tôi tin rằng cán cân sẽ đổi rất nhanh chóng, vì lúc này người nông dân cũng chẳng còn sầu riêng để giải phóng mà thay vào đó họ dành thời gian để mở rộng canh tác cho năm sau.

Ứng dụng giao đồ ăn đôi khi còn lợi hai hơn các nền tảng thương mại điện tử khi mà họ đang "lo lắng" cho hàng triệu bữa ăn mỗi ngày ở các thành phố lớn, ngày nào họ cũng nhắc khách hàng "đừng bỏ bữa" hay "quận nào cũng ship" Vì thế nếu họ sẵn sang bắt tay với nông dân, đó sẽ là một bước tiến mới cho chuyển đổi số khiến cho cuộc hành trình của người nông dân trên mạng cũng trở nên dễ dàng hơn.

Nhưng họ cũng không có được lợi thế "về tận nơi – làm tại chỗ" như các nền tảng thương mại điện tử vì thế họ cần những trợ lực tốt. Về mảng này, Shopee & Now sẽ làm tốt vì thế có thể lúc tôi nghĩ đến việc này họ đã âm thầm chuẩn bị xong kế hoạch triển khai. Grapmart cũng đã có một khởi đầu tốt đẹp với Big C trong chiến dịch hỗ trợ nông sản Bắc Giang, nhưng đó mới là ứng dụng đi chợ, hiểu đơn giản vải Bắc Giang đã được bán tại các cửa hàng Big C trên nền tảng GrabMart với giá đặc biệt nhưng với tư cách một siêu ứng dụng, Grapmart & Grapfood sẽ chuyển mình rất nhanh chóng nếu bắt tay với nhau để tạo ra đột biến.

Đấy mới chỉ là những cái tên phổ biến và bạn thử tưởng tượng Gojek với 80.000 đối tác nhà hàng qua Gofood hay Beamin công ty được "chống lưng" bởi kỳ lân Hàn Quốc Woowa Brothers cũng nhẩy vào tham chiến thì chắc chắn người nông dân sẽ được lợi vô cùng vì có thêm một sự lựa chọn rất sáng giá.