Dân Việt

Bộ trưởng Bộ Y tế: Yêu cầu đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin Covid-19

Diệu Linh 02/08/2021 19:11 GMT+7
Tính đến nay, Việt Nam đã nhận về hơn 16 triệu liều vắc xin Covid-19, tuy nhiên mới tiêm được 6,4 triệu liều. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, tốc độ tiêm chủng của một số địa phương quá chậm.

Nhận định về tình hình tiêm vắc xin Covid-19 tại cuộc họp trực tuyến phòng chống dịch Covid-19 sáng 2/8, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng các địa phương phải tăng tốc độ tiêm vắc xin: "Có tỉnh để vắc xin tại kho trung ương, không đến lấy, không tiêm. Có nơi thì tiêm quá thận trọng, chỉ tiêm ở bệnh viện thì sao tiêm hết được”.

Bộ trưởng Long chia sẻ, Bộ Y tế đã có nhiều buổi tập huấn tiêm chủng, lo cho toàn bộ kim tiêm, bơm tiêm pha trộn... các địa phương chỉ cần tổ chức tiêm chủng cho người dân. Tốc độ tiêm chủng đến nay quá chậm, nhiều địa phương tiêm vẫn còn dè dặt.

Cần đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin Covid-19 hơn nữa

Để các địa phương tăng tốc tiêm chủng, Bộ Y tế đã nhiều lần có công văn "giục giã". Mới đây nhất là văn bản yêu cầu các địa phương tăng tốc độ tiêm chủng, không giới hạn điểm tiêm, số lượng tiêm mỗi buổi, căng phông bạt để nới rộng điểm tiêm... Thời gian chờ đợi sau tiêm cũng do địa phương quyết định, không cứng nhắc. Tuy nhiên, các tỉnh vẫn chậm.

Bộ trưởng Bộ Y tế sốt ruột vì tốc độ tiêm vắc xin Covid-19 của một số địa phương quá chậm - Ảnh 1.

Tiêm vắc xin Covid-19 tại Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

“Giờ phải tiêm nhanh nhất có thể. Tháng 8-9 vắc xin về còn ít nhưng từ tháng 10 đến tháng 12, riêng Pfizer chúng ta có thêm 47-50 triệu liều, chưa kể lượng lớn vắc xin khác. Đây là điều chúng tôi thực sự lo lắng”, Bộ trưởng Y tế nói.

Hiện cả nước đã tiêm được hơn 6,4 triệu liều vắc xin trên tổng số gần 16 triệu liều vắc xin từ các hãng AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sinopharm và Sputnik V.

Trong đó TP.HCM có độ phủ vắc xin lớn nhất nước với 22,15% dân số đã được tiêm mũi 1, Hà Nội xếp thứ 2 với trên 19%, kế đó là Quảng Ninh, Bắc Ninh hơn 18%. Thấp nhất là Thanh Hóa mới tiêm được hơn 3,7%, Nghệ An 4,58%.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương, người dân có vắc xin gì thì tiêm vắc xin đó, không chờ đợi. Bộ trưởng cũng yêu cầu các địa phương ra soát hệ thống kho lạnh để bảo quản vắc xin.

“Không nên lựa chọn vắc xin, có vắc xin nào thì tiêm vắc xin đó. Tất cả vắc xin Bộ Y tế cấp phép sử dụng đều đã được Tổ chức Y tế thế giới WHO cấp phép và các nước khác cũng sử dụng, không phải vắc xin này tiêm cho nhóm này, vắc xin kia tiêm cho nhóm kia”, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh.

Hiện Bộ Y tế đã có hướng dẫn người tiêm mũi 1 AstraZeneca có thể tiêm mũi 2 Pfizer và ngược lại.

Còn đối với các vắc xin còn lại như Moderna, cơ quan cung ứng không đồng ý trộn 2 mũi vắc xin khác nhau. Với vắc xin Sinopharm, Sputnik V cũng chưa có hướng dẫn.

6 loại vắc xin Covid-19 đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng tại Việt Nam

1. Vắc xin Covid-19 Vaccine AstraZeneca

Vắc xin Covid-19 do Tập đoàn AstraZeneca sản xuất đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại 181 quốc gia, vùng lãnh thổ và được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Đến nay, vắc xin này đã được sử dụng tại 119 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng số vắc xin đã sử dụng khoảng 980 triệu liều.

Việt Nam đã tiếp nhận tổng cộng 8.716.290 liều sau 15 đợt giao vắc xin. Vắc xin AstraZeneca được triển khai tiêm chủng tại Việt Nam từ tháng 3/2021, hiện đang là vắc xin có số lượng sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam.

2. Vắc xin Covid-19 Gam-Covid-Vac (tên khác là Sputnik V)

Vắc xin Covid-19 Gam-Covid-Vac do Viện Nghiên cứu Gamaleya, Nga sản xuất đã được cấp phép sử dụng tại 70 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đến nay, vắc xin này đã được sử dụng tại 49 quốc gia với tổng số vắc xin đã sử dụng khoảng 85 triệu liều.

Giữa tháng 3/2021, Việt Nam tiếp nhận 2.000 liều vắc xin Sputnik V do Chính phủ Liên bang Nga viện trợ và sử dụng cho gần 900 người. Ngày 1/8, Việt Nam nhận thêm 10.000 liều vắc xin Sputnik V do Chính phủ Liên bang Nga tặng.

Bộ trưởng Bộ Y tế sốt ruột vì tốc độ tiêm vắc xin Covid-19 của một số địa phương quá chậm - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, các loại vắc xin Covid-19 Bộ Y tế cấp phép sử dụng đều đã được Tổ chức Y tế thế giới WHO cấp phép và các nước khác cũng sử dụng, người dân không nên lựa chọn. Ảnh tiêm vắc xin tại Hà Nội: Gia Khiêm

3. Vắc xin Covid-19 Vero Cell của Sinopharm

Vắc xin Vero Cell do Sinopharm phát triển và Beijing Institute of Biological Products Co., Ltd.,- Trung Quốc sản xuất, đã được cấp phép sử dụng tại 64 quốc gia, vùng lãnh thổ, được Tổ chức Y tế thế giới đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Đến nay, vắc xin này đang sử dụng tại 59 quốc gia với khoảng 800 triệu liều được sử dụng.

Việt Nam đã tiếp nhận 500.000 liều vắc xin Sinopharm do Chính phủ Trung Quốc viện trợ và đang triển khai tiêm chủng từ tháng 7/2021. Quảng Ninh là địa phương đầu tiên triển khai tiêm xong 88.100 liều mũi 1 và sẽ tiến hành tiêm mũi 2 từ ngày 4/8. Riêng Bình Liêu, Quảng Ninh đã đạt độ bao phủ tiêm vắc xin đối với 50% dân số toàn huyện.

Vắc xin của TP.Hồ Chí Minh nhận cũng là loại vắc xin này.

4. Vắc xin Comirnaty của Pfizer/BioNTech

Vắc xin của Pfizer/BioNTech đã được cấp phép sử dụng tại 111 quốc gia và vùng lãnh thổ và được Tổ chức Y tế thế giới đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Đến nay, vắc xin này đã được sử dụng tại 97 quốc gia với khoảng 850 triệu liều đã được sử dụng.

Việt Nam đã tiếp nhận tổng cộng 746.460 liều vắc xin Pfizer và đang triển khai tiêm chủng.

Bộ trưởng Bộ Y tế sốt ruột vì tốc độ tiêm vắc xin Covid-19 của một số địa phương quá chậm - Ảnh 4.

Một lô vắc xin Covid-19 vừa về Việt Nam sáng 2.8. Ảnh: UNICEF

5. Vắc xin Spikevax (Tên khác là: Covid-19 Vaccine Moderna)

Vắc xin Spikevax do Moderna sản xuất đã được cấp phép sử dụng tại 64 quốc gia, vùng lãnh thổ và được Tổ chức Y tế thế giới đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Đến nay, vắc xin này đã được sử dụng tại 63 quốc gia với khoảng 340 triệu liều.

Việt Nam đã tiếp nhận tổng cộng 5.000.100 liều vắc xin Moderna do Chính phủ Mỹ viện trợ thông qua COVAX Facility và đang triển khai tiêm chủng.

6. Vắc xin Janssen

Vắc xin Janssen do Janssen Pharmaceutica NV (Bỉ) và Janssen Biologics B.V (Hà Lan) sản xuất được cấp phép sử dụng tại 56 quốc gia, vùng lãnh thổ và được Tổ chức Y tế thế giới đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Đến nay, vắc xin này được sử dụng tại 34 quốc gia với khoảng 60 triệu liều đã sử dụng.

Vắc xin do Janssen sản xuất được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19. Hiện nay, Việt Nam chưa tiếp nhận vắc xin này.