Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam cho biết ngoài việc tập trung cứu chữa cho các bệnh nhân ở tầng 5 (điều trị bệnh nhân Covid-19 nguy kịch), thành phố cũng tập trung triển khai đội vận chuyển các ca bệnh ở các tầng điều trị khác, từ tầng 1 - tầng 4. Trong đó, thành phố cố gắng vận chuyển nhanh các ca F0 không triệu chứng được cách ly tại nhà, hoặc các F1 đang điều trị tại tầng 1 là các quận, huyện nhưng trở nặng lên trên.
Ông Nam cho biết cách đây một ngày, một doanh nghiệp đã trao cho thành phố 400 bình oxy trang bị trên các xe taxi để tạo điều kiện cho bệnh nhân được thở oxy trong quá trình chuyển đến bệnh viện. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã hỗ trợ, đưa vào TP.HCM nhiều bác sĩ hồi sức cấp cứu điều trị cho bệnh nhân diễn biến nặng.
Phó Bí thư Thành ủy Phan Văn Mãi thẳng thắn điều trị bệnh nhân nặng và F0 tử vong đang là vấn đề của thành phố. Khi thành phố chuyển chiến lược sang điều trị đã rất khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị thuốc men, chia 5 tầng điều trị. Các bệnh viện quận đã tiến hành tách đôi, một số bệnh viện tăng năng lực tiếp nhận, cấp cứu lên 100%.
"Mặc dù được sự tăng cường nhân lực, trang thiết bị, chỉ đạo chuyên môn của Bộ Y tế, nhưng phải nói đến thời điểm này, thành phố vẫn đang quá tải, vẫn thiếu. Thành phố đang tiếp tục điều chỉnh bổ sung nhân lực, hạn chế tối đa việc bệnh nhân không được tiếp nhận, hoặc nhận trễ dẫn đến bệnh nặng hơn, hoặc tử vong", ông Mãi nói.
Tuy nhiên, ông Mãi cho biết ở những thời điểm nhất định, những địa bàn, bệnh viện vẫn còn tình trạng chưa đáp ứng kịp thời tiếp nhận bệnh nhân. Thành phố đang theo dõi số liệu, phân tích xem số ca F0 tử vong tập trung ở khâu nào để có hướng xử lý.
Mặc dù chưa có thống kê đầy đủ, nhưng bước đầu, có thể xác định khâu tiếp nhận xử lý ở tầng 3 (bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng, bệnh nền) gặp nhiều khó khăn do hạn chế về cơ sở vật chất, đội ngũ, thiết bị. Thành phố đã đề nghị tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế quan tâm hỗ trợ để kết nối liên thông tầng 3, 4, 5, kịp thời có những chỉ định và biện pháp điều trị để giảm số bệnh nhân chuyển nặng, cũng như tử vong.
"Thành phố xác định khi chuyển sang chiến lược điều trị, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, việc đếm số ca dương tính không còn ý nghĩa lớn, mà đếm số ca tiếp nhận điều trị trong số đó có bao nhiêu ca đã được điều trị khỏi, bao nhiêu ca chuyển nặng, đặc biệt là số ca tử vong để từ đó có biện pháp mạnh hơn nhằm ngăn chặn chuyển nặng và tử vong", ông Mãi nhấn mạnh.
Tổ Điều phối nguồn nhân lực tham gia phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM vừa báo cáo phân bổ, bổ sung nguồn nhân lực hỗ trợ các cơ quan, đơn vị, địa phương phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Đến nay, TP.HCM đã tiếp nhận 4.253 nhân sự của 44 bệnh viện trực thuộc bộ ngành Trung ương, các tỉnh thành và đã phân bổ đến các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19.
Hiện nay, có 5.049 người đăng ký tình nguyện viên, 471 người đã được phân công. Thành đoàn TP.HCM đã huy động 20.000 người tình nguyện tham gia. Lực lượng Thanh niên xung phong đã điều động 293 người và hiện đã vận động được 200 người có thể làm việc theo chế độ 24/7.
UBND TP.Thủ Đức và các quận huyện đã huy động nguồn nhân lực cho địa phương với tổng số 9.687 người hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm; hỗ trợ điều tra, truy vết; hỗ trợ tiêm chủng; khu cách ly F0 không triệu chứng, F1 và trực chốt; cấp cứu ngoại viện.
Tại các cơ sở cách ly tập trung F0 trên địa bàn TP.Thủ Đức và các quận, huyện, tính đến ngày 30/7, Tổ Điều phối nguồn nhân lực đã phân bổ, bổ sung số lượng nhân sự phục vụ chăm sóc y tế tại các cơ sở cách ly tập trung F0 với tổng số là 559 người. Nhu cầu nhân sự y tế cần bổ sung cho TP.HCM trong giai đoạn hiện nay là 12.118 người.