Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất ham đọc và coi trọng sách, báo. Người luôn đánh giá cao vai trò của sách, báo trong việc khai mở tri thức, giác ngộ tư tưởng. Người đã có công xây dựng nên phong trào đọc sách trong nhân dân, đặc biệt là ở lứa tuổi thanh thiếu niên.
Có một câu chuyện được nhiều tài liệu ghi chép lại đó là nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của Người, thanh thiếu niên xã Ngọc Thụy (Gia Lâm, Hà Nội) đã gửi lụa tặng Người và Người đã đáp lại tấm lòng của các bạn trẻ bằng một tủ sách với hơn 200 cuốn được mua bằng tiền nhuận bút viết báo của Người.
Ngày nay, học tập tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào đọc sách đã được nâng tầm lên thành "văn hóa đọc" trên toàn quốc nói chung và ở Hà Nội nói riêng. Riêng ở Hà Nội, văn hóa đọc không chỉ gói gọn trong việc cổ vũ thói quen đọc sách, báo ở tầng lớp thanh thiếu niên mà đã nhân rộng ra thành văn hóa ứng xử với biểu hiện rõ nét nhất chính là hệ thống thư viện tư nhân – tủ sách dòng họ ở các làng quê.
Có thể nói, hệ thống thư viện tư nhân ở Hà Nội chính là điểm hẹn văn hóa của nhiều tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Đây cũng chính là nền tảng để nhiều gia đình, nhiều dòng họ, nhiều làng xã… phát huy truyền thống hiếu học, tinh thần đoàn kết và giáo dục nếp sống – nhân cách sống cho lớp trẻ.
Những thành tựu nhìn thấy rõ mà hệ thống thư viện làng xã và tủ sách dòng họ ở Hà Nội mang lại chính là nâng cao đáng kể trình độ nhận thức của nhiều tầng lớp nhân dân, thay đổi văn hóa ứng xử của nhiều bộ phận công chúng… Từ đây, nhiều nhân tài đã được bồi dưỡng, nhiều ước mơ đã được bồi đắp, những giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và những giá trị văn hóa mới cũng được tiếp biến. Bộ mặt nông thôn khởi sắc với những nền tảng tri thức mang tính bền vững.
Theo số liệu thống kê từ Thư viện Hà Nội, tính đến tháng 6/2021, trên địa bàn TP. Hà Nội hiện có 11 thư viện tư nhân – tủ sách dòng họ được đặt rải rác ở các quận nội thành lẫn huyện ngoại thành để phục vụ cộng đồng miễn phí.
Đa số các thư viện tư nhân được đặt tại không gian của gia đình hoặc nhà thờ họ như: Thư viện Nguyễn Văn Hưởng (Long Biên), Thư viện Bảo tàng chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đầy (huyện Phú Xuyên), Tủ sách dòng họ Nguyễn Bá (Cổ Đô, Ba Vì), Tủ sách dòng họ Phùng Quang (Thạch Đà, Mê Linh), Thư viện gia đình Hưng Phúc (Đồng Mai, Hà Đông), Thư viện Thế Uẩn Thư Trai (Cầu Giấy), Thư viện Bình Vọng (Văn Bình, Thường Tín), Thư viện Dương Liễu (Hoài Đức)…
Ông Trần Văn Hà – Giám đốc Thư viện Hà Nội cho biết, chủ nhân của các thư viện tư nhân – tủ sách dòng họ này phần đa là những người rất quý sách, báo và có tấm lòng hảo tâm, muốn xây dựng thư viện để đem ánh sáng tri thức đến với cộng đồng. Phần lớn trong số họ đều tự bỏ tiền túi ra để xây dựng thư viện. Có những người tự góp nhặt những đồng lương hưu ít ỏi của mình hoặc đi khắp nơi kêu gọi các nguồn xã hội hoá để sưu tập, mua sắm sách, báo, bàn ghế, tủ sách, máy tính… cho thư viện hoạt động.
Thư viện Bình Vọng do ông Dương Văn Phi và Lương Văn Tăng – hai sĩ quan quân đội về hưu lập nên từ năm 1999 với số sách ít ỏi ban đầu là 200 cuốn. Đại tá Lương Văn Tăng vốn là Trưởng phòng Tuyên huấn Binh chủng Thông tin nên rất trân trọng giá trị của sách, báo đối với việc trau dồi sự hiểu biết, nhân cách và tâm hồn của con người.
Chính ông Tăng cùng ông Phi đã tích cực vận động mọi người cùng chung tay góp sách. Thậm chí, những ngày mới xây dựng thư viện, hàng tháng, hai ông còn trích một phần lương hưu của mình để mua sách cho thư viện. Tính đến nay, Thư viện thôn Bình Vọng đã hoạt động được 22 năm. Từ số đầu sách ban đầu chưa đến 200 quyển, nay thư viện đã có "gia tài" khá đồ sộ với hơn 5.000 cuốn sách và khoảng 2.000 tờ báo, tạp chí các loại.
Thư viện Dương Liễu cũng được ra đời xuất phát từ tình yêu sách của cử nhân ngành Báo chí – Phùng Bá Hưng. Năm 2013, thấu hiểu những thiệt thòi của trẻ em thôn quê khi thiếu một không gian vui chơi - giải trí lành mạnh, Hưng liền nghĩ tới việc thành lập một thư viện sách miễn phí trên quê hương mình.
Những ngày đầu thành lập, thư viện chỉ vỏn vẹn mấy chục đầu sách do Hưng cùng các anh chị chung tay nhau mua. Tuy nhiên, chỉ sau một năm, số lượng đầu sách của thư viện nhỏ này đã chạm mốc gần 2.000 cuốn. Các thể loại sách cũng đa dạng hơn, từ truyện tranh cho trẻ em, tác phẩm văn học cho tới các sách dạy kỹ năng sống, sách gia đình thường thức.
Đặc biệt, trong số các thư viện tư nhân và tủ sách dòng họ ở Hà Nội, duy nhất Thư viện Dương Liễu, bên cạnh việc phục vụ nhu cầu đọc sách, báo hằng ngày… còn tổ chức các buổi sinh hoạt tập thể theo những chủ đề khác nhau dành cho các em thiếu nhi trên địa bàn. Đây là những hoạt động đầy ý nghĩa, kích thích tính sáng tạo, kích thích sự ham học hỏi và khả năng giao tiếp của trẻ. Bởi ngoài sách, truyện được mượn đọc, các em còn được giao lưu với nhiều bạn mới, được thuyết trình những cuốn sách yêu thích...
Ở nhiều vùng quê, người dân gọi những người sáng lập thư viện làng là những "đốm lửa tri thức", "người gieo ánh sáng", "đại sứ văn hóa đọc", "bác sĩ tâm hồn"… Vì họ không chỉ đóng vai trò mang ánh sáng tri thức đến với người dân mà còn là cầu nối để kết nối các thành viên trong làng xã và dòng họ. Chính họ đã góp phần không nhỏ vào việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần hiếu học ở lớp trẻ.
Đến thư viện làng Bình Vọng vào một ngày nắng đẹp, khi mà dịch Covid-19 đã tạm lắng. Nhìn bà con hào hứng đến thư viện đọc sách, giao lưu, trò chuyện… thấy không khí ở đây rộn ràng như "nhà có hội". Những kệ sách được sắp xếp sạch sẽ, khoa học, ngăn nắp và được ghi chú cẩn thận theo từng lĩnh vực, tạo sự dễ dàng cho người tìm kiếm.
Bà Dương Thị Lộ - Phó Chủ nhiệm thư viện thôn Bình Vọng cho biết, trước khi chưa có thư viện làng, người dân có nhu cầu đọc sách không biết đến đâu vì lên thư viện huyện, tỉnh thì xa. Từ khi thư viện làng được thành lập, người dân trong làng chịu khó đọc sách, báo hơn. Trung bình mỗi năm thư viện đón trên 1.000 lượt người đến đọc và mượn sách. Có những "bạn đọc" thân thiết với thư viện tới hàng chục năm dù tuổi đã cao, mắt đã mờ, chân đã chậm như bà Nguyễn Thị Nhật. Và chính những bạn đọc cao tuổi này đã góp phần thắp lên tình yêu đọc sách trong giới trẻ của làng.
"Từ ngày có thư viện làng, bộ mặt của quê hương thay đổi rất nhiều. Nhờ đọc sách mà người dân có nhiều kiến kiến thức về khoa học, kỹ thuật, nông nghiệp… nên phương thức sản xuất cũng thay đổi đáng kể. Đáng kể hơn là trình độ dân trí được nâng cao nên bà con cư xử với nhau văn minh và đoàn kết hơn. Đặc biệt, số lượng các cháu trúng tuyển vào các trường đại học tăng lên hàng năm, thuộc top cao nhất của huyện Thường Tín. Như năm rồi, có 26 cháu trúng tuyển, nối tiếp truyền thống khoa bảng của làng, làm rạng danh tiếng thơm của làng", bà Dương Thị Lộ nói.
Ở Hà Nội, có hai tủ sách dòng họ đó là tủ sách dòng họ Nguyễn Bá ở thôn Cổ Đô, xã Cổ Đô (huyện Ba Vì) và tủ sách dòng họ Phùng Quang ở xã Thạch Đà (huyện Mê Linh). Tủ sách dòng họ Nguyễn Bá được hình thành năm 2007 cùng với quỹ khuyến học của dòng họ. Xuất phát ban đầu là để phục vụ nhu cầu đọc sách của con cháu trong dòng họ, thúc đẩy truyền thống hiếu học... Nhưng sau này, tủ sách dòng họ Nguyễn Bá trở thành thư viện của làng khi rộng cửa đón những ai có nhu cầu đọc sách.
Ông Nguyễn Đình Chiến - người trông coi tủ sách dòng họ Nguyễn Bá cho biết, hiện tủ sách có hơn 1.500 cuốn sách, báo các loại. Tủ sách được đặt ngay tại nhà thờ họ nên không gian khá rộng rãi, phù hợp cho việc giáo dục truyền thống hiếu học của dòng họ nói riêng và cho lớp trẻ trong làng nói chung.
"Bây giờ, tủ sách của dòng họ chúng tôi trở thành điểm hẹn của lớp trẻ trong làng. Nhiều gia đình ra sức động viên con cháu đến đây học tập, đọc sách để trau dồi kiến thức và nêu cao tinh thần hiếu học. Các cháu trẻ sau khi tiếp cận với sách, báo hàng ngày cũng đã nâng cao rất nhiều về trình độ nhận thức lẫn quan điểm sống tích cực. Điều quan trọng hơn là chính các bạn đọc này lại trở thành nhân tố tích cực trong việc lan toả văn hóa đọc", ông Nguyễn Đình Chiến nói.
Tủ sách làng Võng Ngoại ở Phúc Thọ nhiều năm qua cũng là một địa chỉ đỏ về mô hình "làng đọc sách". Nhờ có tủ sách của làng mà thói quen đọc sách, báo để cập nhật thông tin, nâng cao trình độ của dân làng đã được cải thiện. Cứ vào thứ Bảy hàng tuần, người dân lại gác công việc đến đình làng đọc sách. Tủ sách của làng trở thành điểm hẹn văn hóa của nhiều dân làng.
Chị Lê Thị Hiền – người làng Võng Ngoại chia sẻ, mặc dù sách ở tủ sách làng Võng Ngoại không đồ sộ nhưng rất đa dạng, đáp ứng được nhu cầu đọc của nhiều độ tuổi, thành phần khác nhau. Đặc biệt, vì đây là làng thuần nông nên bà con rất thích các sách về khoa học kỹ thuật nông nghiệp, từ đó áp dụng vào phương thức sản xuất để nâng cao năng suất.
"Tủ sách đặt ở đình làng thực sự đã tạo ra một địa chỉ đỏ về văn hóa đọc. Bà con đến đây không chỉ đọc sách mà còn trao đổi, giao lưu và giúp nhau các phương thức sản xuất, thâm canh. Tình người làng với nhau bỗng thắt chặt và gần gũi hơn nhờ có phong trào đọc sách. Từ tủ sách này, nhiều tấm gương về người tốt – việc tốt, thành đạt cũng đã mang đến cho bà con những suy nghĩ mới. Mỗi người có thêm động lực để vươn lên, góp sức, chung tay… cùng chính quyền xây dựng làng Võng Ngoại trở thành điểm sáng của xã Võng Xuyên trong phong trào xây dựng nông thôn mới", chị Nguyễn Thị Thảo, thủ thư tại đình làng Võng Ngoại bộc bạch.
Mặc dù đạt được nhiều thành quả đáng mừng, thay đổi đáng kể diện mạo làng quê thời hội nhập… nhưng nhiều thư viện tư nhân – tủ sách dòng họ vẫn canh cánh nỗi lo. Nỗi lo lớn nhất là việc bổ sung nguồn sách vẫn phụ thuộc vào sự đóng góp, ủng hộ… của con em trong làng. Vì thế, nội dung sách chưa đáp ứng được nhu cầu của số đông bạn đọc là thanh, thiếu niên.
Thêm vào đó, do dịch bệnh kéo dài, nên việc duy trì lượng bạn đọc thường xuyên rất khó. Ngoài ra, do đa phần các thủ thư là những người không chuyên, không có nghiệp vụ thư viện nên việc tạo ra các buổi sinh hoạt chuyên đề hoặc sự kiện để lan toả văn hóa đọc vẫn chưa có. Nhiều thủ thư vẫn mong mỏi, Nhà nước có các chính sách để hỗ trợ các thư viện tư nhân – tủ sách dòng họ, sao cho phát huy một cách hiệu quả nhất.
Bài 2: Nông dân lan toả văn hoá đọc: Thư viện Dương Liễu - Chắp cánh yêu thương trên từng cuốn sách