Trong khi các chợ đầu mối, một số chợ truyền thống Hà Nội phải tạm ngưng hoạt động nhằm phòng chống dịch (vì có một số ca F0), vào các siêu thị, cửa hàng tiện ích phải chen chúc, chờ đợi, không ít người chọn dịch vụ đi chợ hộ, mua thực phẩm và hàng hóa cần thiết theo hình thức trực tuyến (mua hàng online).
Hiện nay Hà Nội có hàng nghìn điểm bán hàng trực tuyến, nguồn hàng đã được các siêu thị, cửa hàng phân bổ cho mảng online tăng cường gấp 2 - 5 lần so với trước.
Các hệ thống bán lẻ nỗ lực đa dạng hóa hình thức mua sắm gián tiếp cho khách hàng nhằm hạn chế tiếp xúc đông người mà khách hàng vẫn mua sắm với hàng hóa chất lượng bảo đảm.
Thông qua một loạt ứng dụng của các áp như: Lazada, Shopee, Tiki, AEON…, người tiêu dùng tại Hà Nội có thể dễ dàng "đi chợ", chọn thực phẩm, hàng thiết yếu và chờ giao tới tận nhà. Ngoài ra, cũng có thể mua hàng trên các trang thông tin điện tử (website), trang mạng xã hội, đường dây nóng chăm sóc khách hàng, điện thoại của mỗi siêu thị hoặc sử dụng dịch vụ đi chợ hộ… hoặc mua hàng online tại các group trên facebook, zalo...
Cách thức mua sắm tiện lợi, nhanh chóng này được đón nhận, tuy nhiên có thời điểm khách mua hàng online quá nhiều khiến lượng đơn hàng tăng vọt gây áp lực cho việc giao hàng.
Để việc mua bán hàng hóa, đạt hiệu quả, đảm bảo chất lượng và an toàn người dân cần lưu ý một số điểm sau:
Người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương. Các website phải cung cấp đầy đủ các thông tin như: Thông tin về chủ sở hữu website (Tên đơn vị bán hàng, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế …); Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, Hồ sơ tự công bố/hồ sơ đăng ký công bố sản phẩm, Thông tin về điều kiện giao dịch chung, các chính như đổi trả hàng và hoàn tiền, chính sách giao nhận, vận chuyển, thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân người tiêu dùng.
Nếu mua hàng qua các mạng xã hội, fanpage... thì cần mua nơi có uy tín, cửa hàng quen. Bên cạnh đó, cần có yêu cầu thực hiện giao hàng không tiếp xúc để phòng ngừa dịch bệnh.
Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số khuyến cáo
Lựa chọn thực phẩm có thương hiệu, nhãn mác, hạn sử dụng
Mua hàng online khá tiện lợi nhưng cũng có 2 mặt. Bên cạnh những cơ sở bán hàng có uy tín, cũng có không ít cơ sở kinh doanh các mặt hàng không hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đăng ký chất lượng an toàn thực phẩm, thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm giả... người tiêu dùng cần lựa chọn thật kỹ.
Sử dụng loại thực phẩm ăn sẵn đã nấu chín
Mặc dù virus không lây trực tiếp qua đường tiêu hóa thì chúng ta vẫn nên lựa chọn những thực phẩm đã được nấu chín và đun sôi cẩn thận. Điều này sẽ giúp tránh nguy cơ lây bệnh do virus sẽ bị tiêu diệt trong quá trình nấu chín ở nhiệt độ cao.
Rửa tay thật sạch trước và sau khi ăn để tránh lây lan virus hay vi trùng khi mua đồ ăn online nhất là dùng những thực phẩm nắm bằng tay như bánh mì, sandwich… Nếu tay bị nhiễm virus sống trên các bề mặt đồ vật đựng thực phẩm hoặc do chạm vào thức ăn có nhiễm virus rồi đưa tay lên mặt thì cũng dễ bị lây bệnh. Tốt nhất nên tránh dùng tay chạm mặt khi tay chưa được làm sạch cẩn thận...
Xử lý bao bì thực phẩm khi mua hàng online
Để tránh bị lây bệnh khi mua đồ ăn online, nên cẩn thận chuyển thức ăn vào một cái đĩa, tô hoặc chén sạch rồi bỏ bao bì vào thùng rác. Sau đó, rửa tay kỹ trong 20 giây trước khi dùng bữa ăn của bạn.
Người mắc các bệnh lý nền, người lớn tuổi và phụ nữ mang thai có thể sử dụng găng tay y tế để gỡ bao bì rồi bỏ găng tay đi sau một lần sử dụng. Sau đó rửa tay lại bằng xà phòng và nước cẩn thận.
Nếu không muốn loại bỏ hoàn toàn các hộp đựng thực phẩm thì có thể lau sạch chúng bằng chất khử trùng có chứa ít nhất 70 độ cồn để tránh bị lây bệnh khi mua đồ ăn online.
Chọn giải pháp mua hàng online bằng cách giao hàng không tiếp xúc
Chúng ta nên giao hàng hoặc nhận hàng nhưng không tiếp xúc trực tiếp người với người để tránh các giọt bắn khi nói chuyện văng ra xa người đối diện làm tăng nguy cơ lây bệnh khi mua đồ ăn online.
Trên thực tế, nhiều dịch vụ giao hàng online đã áp dụng và đưa ra các thực tiễn tốt nhất cho việc giao hàng như để bưu kiện bên ngoài cửa nhà thay vì giao trực tiếp cho khách hàng. Họ cũng khuyến khích khách hàng thanh toán trả trước bằng thẻ (không trả tiền mặt) để tránh virus từ người bệnh lưu lại trên tờ tiền làm dễ lây lan virus gây bệnh.
Một điều lưu ý nữa trong việc đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19 là người đi giao hàng phải có các trang thiết bị bảo hộ an toàn, đeo khẩu trang, găng tay và giữ khoảng cách ít nhất 2 mét khi tiếp xúc với khách hàng.