Nghệ sĩ Giang Còi đã từ giã cuộc đời để đi vào cõi mênh mông. Nơi đó, anh sẽ tiếp tục mang tiếng cười lên sân khấu và tiếp tục cuộc sống của một nghệ sĩ thích làm nông dân. Dẫu vậy, những gì anh để lại cho cuộc đời, cho nhiều thế hệ khán giả thì vẫn sẽ vẹn nguyên. Bởi có thể sẽ không bao giờ hoặc lâu lắm lắm mới có được một người có nét duyên diễn hài riêng có như anh.
Nghệ sĩ Giang Còi theo học lớp diễn viên khóa 3 ở trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội cùng lứa với nghệ sĩ Chiều Xuân, Tú Oanh, Bùi Thạc Chuyên… Ngay từ những ngày còn ngồi trên ghế giảng đường, Giang Còi đã nổi tiếng trong lớp về độ ăn nói duyên dáng và nhiều tài lẻ.
Những năm tháng cả lớp rong ruổi khắp miền Trung, miền Nam để biểu diễn thực tập, nghệ sĩ Giang Còi đã sớm bộc lộ chất hài hước trong nét diễn. Anh thường vào những vai nông dân sợ vợ, vai lão nông nghiện rượu… Nét diễn của anh tự nhiên và mộc mạc như thể bê nguyên con người thật của anh lên sân khấu.
Tuy nhiên, “chất hài nông dân” ở Giang Còi chính thức phát tác và tạo nên thương hiệu khi anh kết đôi với người bạn diễn Quang Tèo trên sân khấu “Gặp nhau cuối tuần”. Trên sân khấu này, anh đã biết cách biến những bất lợi về ngoại hình (thân hình gầy gò, chiều cao khiêm tốn) thành những thế mạnh của mình khi hóa thân thành những anh nông dân mang nhiều thói tật vừa buồn cười, vừa đáng trách, vừa đáng yêu.
NSND Khải Hưng – cha đẻ của chương trình “Gặp nhau cuối tuần” chia sẻ với Dân Việt rằng, nghệ sĩ Giang Còi chỉ cần mặc một bộ đồ cũ, đầu đội một chiếc mũ nan, tay cầm một cái sào, ngọn sào buộc một miếng vải lùa vịt… là ra ngay một hình ảnh nông dân thứ thiệt, không cần phải hóa trang cầu kỳ hoặc đắp lên người những thứ đạo cụ rườm rà.
Nhờ hình ảnh này mà Giang Còi cùng với Quang Tèo và cố nghệ sĩ Văn Hiệp đã tạo nên một chùm tiểu phẩm “Trưởng thôn Văn Hiệp” nổi đình nổi đám một thời trong “Gặp nhau cuối tuần”. Ở đó, cả 3 ông “nông dân” này đều mang lại những tiếng cười lạc quan mà đầy tính giáo dục. Đó là sự đả kích, châm biếm nhẹ nhàng những thói tật của người nông dân nhưng đồng thời khắc họa một phần cuộc sống lam lũ cũng như khát vọng đổi đời của họ.
Một Văn Hiệp trưởng thôn hóm hỉnh, tinh quái; một Giang Còi chăn vịt bắng nhắng, lắm trò, hay tị nạnh, thích gây gổ; một Quang Tèo chăn lợn cục mịch, luôn sẵn sàng ăn miếng trả miếng đối phương… vẫn in sâu trong ký ức của nhiều người. Cho đến bây giờ, thế hệ khán giả 7x, 8x… vẫn xem họ là “tiếng cười của ký ức tuổi thơ”. Những năm tháng khốn khó, các tiểu phẩm hài của họ chính là “đặc sản tinh thần” đầy chất dinh dưỡng bồi bổ cho bao nhiêu con người.
Nhiều lần bị chuốc rượu vì diễn nông dân quá thật
Nhắc đến vai diễn nổi bật của nghệ sĩ Giang Còi chắc hẳn không thể thiếu được tiểu phẩm hài “Về quê” của cố đạo diễn Phạm Đông Hồng, được ra mắt vào năm 2013. Trong đó, nam nghệ sĩ hóa thân thành một người nông dân nghèo, chất phác, hiền lành và bị một tên thầy bói giả lừa gạt. Nhiều khán giả nhận xét rằng, vai diễn này như “đo ni đóng giày” cho nghệ sĩ Giang Còi. Anh tạo nên sự kết hợp ăn ý cùng những “cây” hài có tiếng của làng hài phía Bắc thời bấy giờ như: Phạm Bằng, Quang Tèo, Vượng Râu...
Đến mãi sau này, khi “Gặp nhau cuối tuần” không còn tồn tại, Giang Còi vẫn luôn đau đáu với các tiểu phẩm hài. Anh nỗ lực tạo ra cái hài dung dị mà thâm thuý, đả kích nhẹ nhàng mà sâu cay… để được khán giả đón nhận như thời đầu của “Gặp nhau cuối tuần”. Và anh với Quang Tèo vẫn là một cặp bài trùng, xuất hiện trên hàng trăm sân khấu lớn nhỏ. Đi đến đâu, họ cũng được khán giả chào đón nồng nhiệt, nhất là ở các vùng nông thôn.
Chỉ cần Giang Còi quần ống thấp ống cao, tay cầm gậy chăn vịt, tay cầm chai rượu nếp, dáng khật khưỡng bước đi ra sân khấu, chưa cần diễn gì thì ở dưới sân khấu đã vang tiếng cười. Rồi những màn tranh cãi, chơi xỏ nhau bằng lối tung hứng ăn ý, kết hợp tự nhiên, nét diễn dung dị của Giang Còi – Quang Tèo đã khiến cho “nam, phụ, lão, ấu” đều phải cười lăn, cười bò.
Có một kỷ niệm vui mà lúc sinh thời, nghệ sĩ Giang Còi thường kể, đó là vì thấy anh luôn bước lên sân khấu với chai rượu nếp nên nhiều người nghĩ anh thích uống rượu. Bởi thế, mỗi lần về vùng quê diễn, khán giả nào cũng muốn mời anh về nhà uống rượu, tính anh lại cả nể nên đôi khi say mèm.
“Cái mặt mình quen quá rồi nên xuất hiện ở đâu người ta lại mời đôi ba chén. Người quê nó ngấm vào máu rồi, không “chảnh chọe” từ chối được. Nhưng ngồi với họ rồi, tôi lại khai thác thêm được nhiều thứ để khi vào vai lại có cái mới mà lôi ra diễn, mà tạo tiếng cười”, nghệ sĩ Giang Còi từng tâm sự.
Nghệ sĩ Trà My bộc bạch, có một thời, bộ ba Trà My - Quang Tèo - Giang Còi lưu diễn xuyên Việt từ Bắc vào Nam. Có những đợt cả ba “ăn dầm, ở dề” ở Tây Nguyên, Quảng Ninh, Tây Bắc để diễn hàng trăm suất diễn. Những chuyến đi đó, Trà My được phong làm Trưởng đoàn, Quang Tèo và Giang Còi được phong làm Phó đoàn. Mỗi khi cãi nhau chuyện gì, Giang Còi lại cứ đòi họp đoàn bằng được dù cả đoàn chỉ có 3 người.
“Giữa 3 chúng tôi, kỷ niệm nào cũng cười chảy nước mắt. Chẳng hạn, đi diễn với anh Giang Còi mà được khán giả mời ăn uống là tôi toàn đóng vai vợ. Ngồi vào bàn ăn mà khán giả mang rượu đến chúc anh Giang Còi nhiều quá, tôi lại trợn mắt quát tháo như vợ thật để mọi người sợ không dám chúc nữa. Nhiều lần như thế mọi người lại cứ nghĩ tôi là vợ anh Giang thật nên khi chúng tôi đi với nhau, kiểu gì anh Giang cũng không bị chuốc rượu nhiều”, nghệ sĩ Trà My kể với Dân Việt.
Theo nghệ sĩ Trà My, chị luôn trân trọng nghệ sĩ Giang Còi bởi rất nhiều đức tính: thật thà, hiền lành, chất phác. Sự hồn hậu của anh thể hiện qua rất nhiều vai diễn, dù vai diễn lớn hay vai diễn nhỏ, anh cũng luôn thể hiện thật nhất, đời nhất, hồn nhiên nhất và mang đến cho khán giả những nụ cười vui tươi nhất.
Ở nghệ sĩ Giang Còi còn một nét riêng nữa mà khó ai có thể theo được đó là lối sống mộc mạc, giản dị, chân phương. Là một nghệ sĩ nổi tiếng nhưng anh không màu mè, luôn tự nhận mình là một “lão nông” chính hiệu. Anh bỏ phố về quê, vui thú điền viên và tuyệt đối không bao giờ nhận lời đóng quảng cáo.
Trước khi qua đời 4 ngày, trên trang cá nhân của nam nghệ sĩ chia sẻ hình ảnh đàn bồ câu nhà nuôi, băn khoăn bao giờ hết dịch và đó là những hình ảnh cuối cùng về một “lão nông” Giang Còi. Anh đã sống một cuộc đời trọn vẹn, sống giữa hào quang nghệ thuật và trong tình yêu thương của muôn triệu khán giả.