Ngày 6/8, Tỉnh Đoàn Đồng Nai phối hợp với Khoa Cơ điện – điện tử - Trường Đại học Lạc Hồng - cho ra mắt, chạy thử nghiệm robot làm nhiệm vụ phun khử khuẩn, vận chuyển nhu yếu phẩm vào các khu cách ly. Sau khi hoàn tất thử nghiệm, Tỉnh Đoàn Đồng Nai sẽ sớm đưa robot vào hoạt động ở các khu cách ly để hỗ trợ các tình nguyện viên vận chuyển hàng hoá.
Robot khử khuẩn giao hàng sử dụng 2 động cơ ở bánh sau, có bộ điều khiển với khoảng cách là 200m, có kết nối micro trực tiếp qua wifi hoặc 3G. Với kích thước lần lượt là R x D x C là 890 x 1250 x 790mm, thời gian sạc pin là 4 tiếng, để vận hành liên tục từ 3 đến 4 giờ đồng hồ. Robot vận chuyển được khối lượng hàng hoá lên đến 100kg, trên địa hình bằng phẳng.
ThS. Nguyễn Hoàng Anh - Phó Trưởng Khoa cơ điện - điện tử - Trường Đại học Lạc Hồng - cho biết: "Sứ mệnh của con robot này là hỗ trợ đội ngũ tình nguyện viên của Tỉnh Đoàn trong hoạt động phân phối, phát nhu yếu phẩm cho các khu vực cách ly và bệnh viện điều trị Covid-19".
Thầy Anh cho biết thêm, hiện dịch bệnh vẫn đang rất phức tạp, số ca bệnh tăng lên, đồng nghĩa với việc các tình nguyện viên phải làm việc nhiều hơn. Do đó, tần suất tiếp xúc với các F0 cũng tăng lên, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 là rất lớn.
Ban lãnh đạo của Tỉnh đoàn Đồng Nai nhận thấy, nếu cứ sử dụng sức người thì thật sự rất vất vả và nguy cơ lây nhiễm rất cao, nên đã đề xuất cùng Trường Đại học Lạc Hồng chế tạo ra con robot này. Nó sẽ thay thế con người mang nhu yếu phẩm vào các khu cách ly cho các bệnh nhân, người cách ly,… tránh tiếp xúc, lây lan dịch bệnh.
"Robot được tích hợp camera nhận đường, có loa thông báo và truyền tải thông tin, do đó, người điều khiển có thể nhắc nhở cũng như thông báo để các bệnh nhân biết lúc nào thì xe phát nhu yếu phẩm tới và nhận đúng phần của mình.
Ngoài ra, robot này cũng có thể làm thay công việc phun thuốc khử trùng, sát khuẩn ở các khu vục có ca lây nhiễm. Do đó, nó có thể gánh vác những công việc đó thay con người, góp phần đảm bảo sự an toàn cho các tình nguyện viên trong mùa dịch" , thầy Anh nhấn mạnh.
Sinh viên Phan Nguyễn Xuân Khương (sinh viên năm thứ 3 - Khoa Cơ điện – điện tử) chia sẻ, khó khăn lớn nhất trong quá trình tạo nên con robot là tìm kiếm thiết bị. Vì dịch bệnh, đa số các cửa hàng đóng cửa. Các thành viên phải gọi điện thoại, năn nỉ các cửa hàng, giải thích về ý nghĩa của robot mới mua được thiết bị, linh kiện.
"Sau 7 ngày, nhóm đã hoàn thành con robot để hỗ trợ nơi tuyến đầu, thay thế cho con người trong một số công việc. Mong muốn lớn nhất của các sinh viên, khi tham gia dự án là được góp một chút sức của bản thân vào công tác chống dịch của địa phương. Trong khi các nhà hảo tâm góp tiền bạc và của cải vật chất khác cho công tác chống dịch, thì sinh viên chúng em cũng muốn làm được điều gì đó để góp phần đẩy lùi dịch bệnh", Xuân Khương nói.
Triển khai nhân rộng việc sử dụng robot giao hàng thiết yếu trong khu cách ly
Về vấn đề này bà Hồ Hồng Nguyên - Bí thư Tỉnh đoàn Đồng Nai - cho biết: Robot mang ý nghĩa giảm thiểu rủi ro cho những tình nguyện viên phục vụ trong các khu cách ly phong toả. Sau khi thử nghiệm, sắp tới Tỉnh đoàn cũng hi vọng sẽ phối hợp cùng Sở Y tế cùng các đơn vị khác đưa vào sử dụng rộng rãi trong khu cách ly, các điểm bán hàng thông qua việc chuyển giao công nghệ để sản xuất hàng loạt con robot này.