Nhờ biết cách tận dụng nguồn cỏ dồi dào sẵn có tại địa phương, cùng với nguồn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân 11,6 tỷ đồng nhiều năm qua hội viên nông dân thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã tập trung xây dựng các mô hình chăn nuôi bò nhốt chuồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trước đây, thấy nuôi bò nhốt chuồng vỗ béo có đời sống khá giả, ông Phạm Tắc (thôn Bến Đền Đông, xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân, thuê đất biền bãi ven sông Thu Bồn làm trang trại để nuôi bò vỗ béo.
Đến nay, anh có đàn bò hơn chục con trong thời kỳ vỗ béo, chuẩn bị xuất chuồng. Nhờ lượng cỏ trồng khá dồi dào, áp dụng kỹ thuật chăn nuôi đúng quy trình nên đàn bò của ông Tắc phát triển tốt. Bằng cách nuôi gối đàn và nhốt chuồng vỗ béo, bình quân mỗi tháng một con bò nuôi vỗ béo đem lại thu nhập khoảng 1 đến 1,5 triệu đồng, nuôi khoảng 10 tháng anh xuất bán một lứa. Chăn nuôi tập trung thuận tiện đó là môi trường đảm bảo, lại thông thoáng nên không xảy ra dịch bệnh, bò lớn nhanh.
"Nhờ nguồn vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, tôi đầu tư xây dựng chuồng trại và mua con giống để chăn nuôi. Việc chăn nuôi tập trung rất hay, so với nuôi nhốt chuồng tại gia đình bình quân nuôi từ 11 đến 12 tháng, thì việc nuôi tập trung khoảng 10 tháng là xuất bán, do không khí tốt, môi trường đảm bảo nên bò phát triển nhanh. Nông dân ở đây xem mô hình này đã mở ra hướng đi mới giúp chúng tôi vươn lên làm giàu…" ông Phạm Tắc chia sẻ.
Tận dụng nguồn cỏ, bắp dồi dào được trồng trên vùng đất giàu phù sa ven sông Thu Bồn nên hiệu quả kinh tế mang lại từ đàn bò khá cao. Xã Điện Quang đã hình thành vùng chăn nuôi bò tập trung với số lượng lên đến hàng ngàn con. Qua đó, không chỉ góp phần xóa đói, giảm nghèo hiệu quả mà còn giúp nhiều hộ dân trở nên khá giả. Bà con nông dân ở địa phương đang đẩy mạnh phát triển mô hình chăn nuôi này và mong muốn tiếp cận thêm những nguồn vốn vay để nhân rộng, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
Ông Phan Hữu Nguyên, Chủ nhiều dự án chăn nuôi bò xã Điện Quang cho biết: "Trong những năm qua, nhờ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân đã giúp nhiều hộ nông dân phát triển chăn nuôi bò đạt hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên hiện nay nhu cầu về vốn để mở rộng chăn nuôi theo hình thức tập trung trong hội viên nông dân của xã Điện Quang là rất lớn, rất mong Hội Nông dân tỉnh, thị xã quan tâm đầu tư thêm nguồn vốn để nông dân Điện Quang phát triển chăn nuôi bò theo hướng tập trung".
Ông Đặng Hữu Tú - Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Điện Bàn cho biết: So với sản xuất nông nghiệp thì chăn nuôi bò vỗ béo mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Vì thế, các cấp Hội Nông dân thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tập trung vào việc khai thác có hiệu quả đất biền bãi, đất gò đồi để trồng cỏ, chăn nuôi. Đây là mô hình chăn nuôi an toàn vì vừa quản lý được vật nuôi, phòng dịch bệnh tốt, quá trình chăm sóc đảm bảo. Ngoài ra, còn tận dụng nguồn phân bò thải ra hàng ngày để làm phân bón trồng cỏ ngay tại khu chăn nuôi.
"Chủ trương của địa phương là đưa đàn bò ra xa khu dân cư, nuôi tập trung, được nông dân hưởng ứng nhiệt tình. Xây dựng vùng nguyên liệu trồng cỏ gần với khu chăn nuôi tập trung, tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí nhân công lao động.
Hội Nông dân thị xã Điện Bàn đã tập trung xây dựng nhiều mô hình chăn nuôi bò, hỗ trợ những hội viên tâm huyết với chăn nuôi bò nhưng thiếu vốn, thiếu kỹ thuật để họ có điều kiện vay vốn từ nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân để đầu tư chăn nuôi, góp phần phát huy được thế mạnh nghề chăn nuôi bò tại địa phương", ông Tú nói.
Cũng theo ông Đặng Hữu Tú - Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Điện Bàn, hằng năm tổng giá trị ngành nông nghiệp của xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn đạt bình quân 120 tỷ đồng, trong số này giá trị của mô hình chăn nuôi bò đã chiếm hơn một nửa.
"Đây là mô hình chăn nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của một xã thuần nông, vừa tránh được những rủi ro cho người nông dân, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Việc thực hiện mô hình thành công đã mở ra hướng đi mới giúp người nông dân vươn lên trở thành hộ khá, giàu tại địa phương…", ông Tú chia sẻ.