Tận mục kho báu vô giá chùa Phật Tích độc nhất Việt Nam
Nằm ở xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, chùa Phật Tích có lịch sử hình thành từ thời Lý, được các nhà nghiên cứu coi là "kho di sản vô giá" của dân tộc. Ngày nay chùa còn gìn giữ được nhiều hiện vật quý giá có từ lúc khởi lập.
1. Chính điện của chùa Phật Tích là nơi tôn trí pho tượng Phật A Di Đà bằng đá lớn nhất và nguyên vẹn nhất của thời Lý. Đây là một trong những hiện vật đầu tiên được công nhận là Bảo vật quốc gia của Việt Nam (đợt 1, năm 2012). Ảnh: Trí thức và cuộc sống
Theo văn bia Vạn Phúc thiền tự bi thì năm 1057 vua nhà Lý cho xây chùa và dựng một ngọn tháp cao trên núi Lạn Kha, bên trong tôn trí pho tượng Phật cao 6 thước, chính là pho tượng A Di Đà chùa Phật Tích. Đây là pho tượng Phật xưa nhất được văn bia ghi lại của Việt Nam. Ảnh: Trí thức và cuộc sống
Theo đo đạc, tượng cao 1,86 mét, tính cả phần bệ là 2,69 mét, được tạc với thế ngồi thiền. Vào thập niên 1940, quân Pháp đã đem tượng A Di Đà dùng làm bia để tập bắn khiến tượng bị hủy hoại nặng nề. Sau năm 1954 tượng được phục chế, nhưng không còn nguyên vẹn như trước. Ảnh: Trí thức và cuộc sống
Tượng được đặt tòa sen trang và chân bệ được chạm khắc cầu kỳ. Các nhà nghiên cứu đánh giá, bức tượng cùng các hoa văn trang trí trên bệ phản ánh sự đặc sắc của nghệ thuật Việt, tiêu biểu cho sự mở đầu của nghệ thuật Phật giáo nói riêng và nghệ thuật độc lập tự chủ Đại Việt nói chung. Ảnh: Trí thức và cuộc sống
2. Bên cạnh tượng Phật A Di Đà, chùa Phật Tích còn một Bảo vật quốc gia khác, đó là bộ tượng 10 linh thú có từ thời Lý. 10 bức tượng này gồm 5 cặp ngựa, tê giác, trâu, voi, sư tử, được xếp đối xứng nhau phía trước hành lang tòa Tam Bảo. Ảnh: Trí thức và cuộc sống
Theo văn bia “Vạn Phúc đại thiền tự bi” dựng năm 1686 nói về việc xây chùa Phật Tích thì các bức tượng này được tạc cùng thời điểm xây dựng chùa (1057). Trên bia có đoạn khắc: “Điện ấy đã rộng, lại to, sáng sủa và lớn. Trên bậc thềm đằng trước có bày 10 con thú, phía sau có ao rồng…”. Ảnh: Trí thức và cuộc sống
Đây là những hiện vật gốc, độc bản, không tìm thấy tác phẩm tương tự ở bất cứ đâu. 9 trong 10 được tạo tác bằng đá sa thạch nguyên khối, trừ một tượng trâu được ghép từ hai khối đá. Mỗi linh thú được tạo hình trong tư thế phủ phục với những nét đặc sắc riêng. Ảnh: Trí thức và cuộc sống
Theo các nhà nghiên cứu, việc đặt tượng các con vật này ở chùa Phật Tích thể hiện nét đặc trưng của tư tưởng triết học Phật giáo thời cổ, đó là phổ độ chúng sinh, giác ngộ muôn loài. Các linh thú ở chùa Phật tích đều có trong điển tích nhà Phật, mang ý nghĩa bảo vệ và quy y Phật pháp. Ảnh: Trí thức và cuộc sống
3. Cuối năm 2008, trong quá trình đào móng xây dựng lại tòa Tam bảo trong Dự án trùng tu, tôn tạo chùa Phật Tích (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh), các nhà khảo cổ đã phát hiện ra nền móng của một tòa bảo tháp kỳ vĩ được xây dựng từ thời Lý. Ảnh: Trí thức và cuộc sống
Di tích này đã được bảo tồn bằng một phương pháp táo bạo, đó xây dựng một khu vực bảo tồn và trưng bày trong lòng đất ngay bên dưới tòa chính điện. Theo đo đạc, kích thước chân tháp là 9,1 x 9,1 mét, tường tháp dày trung bình 2,4 đến 2,43 mét, lòng tháp rộng 4,18 đến 4,20 mét. Ảnh: Trí thức và cuộc sống
Trên mỗi viên gạch xây tháp có đề: “Lý gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo” (Vua thứ ba đời Lý, năm Long Thụy Thái Bình thứ 4 xây dựng) hoặc “Chương Thánh Gia Khánh”. Theo sử sách, Long Thụy Thái Bình là niên hiệu của vua Lý Thánh Tông từ năm 1054 – 1058. Ảnh: Trí thức và cuộc sống
Theo Ðại Việt sử ký toàn thư, năm 1057 vua Lý Thánh Tông cho xây một ngọn tháp cao hơn 10 trượng ở chùa Phật Tích. Đó chính là tòa tháp để lại nền móng trong lòng đất ngày nay. Từ kích thước chân tháp, có thể ước tính tháp có chiều cao khoảng 40 mét, tương đương một tòa nhà 10 tầng. Ảnh: Trí thức và cuộc sống