Phần 2 "Hương vị tình thân" lên sóng với nhiều diễn biến mới. Bên cạnh tình tiết kịch tính, drama, phim đan xen những khoảnh khắc cảm động về tình thân thực sự trong gia đình, khiến khán giả đồng cảm.
Ở tập 5 và tập 6, Thiên Nga - người yêu của Long lộ mặt thật khi thường xuyên cho bà Dần (NSND Như Quỳnh) uống thuốc ngủ và bị gia đình Long phát hiện. Sự việc xảy đến với bà như chất xúc tác, đánh thức "hương vị tình thân" từ Long (Mạnh Trường) và ông Khang (NSƯT Trịnh Mai Nguyên).
Bà Dần sợ con cháu phải chịu khổ vì căn bệnh đãng trí của mình nên đề nghị được vào viện dưỡng lão. Bà cũng không truy đến cùng hành vi Thiên Nga đã làm, mà tỏ ra rất thông cảm, mong muốn Long nhanh cưới Nga để 2 đứa có hạnh phúc riêng.
Cả cuộc đời chịu vất vả, luôn lo lắng cho hạnh phúc của con, của cháu, bà Dần khuyên Long: "Cháu đừng cố tìm người hợp với gia đình mình nữa, rồi phải lấy lòng bà. Giờ cháu chỉ cần lo đến hạnh phúc cá nhân thôi, bà có sống cũng chỉ là muốn nhìn thấy các cháu hạnh phúc".
Long là người con hiếu thảo, không muốn bà phải suy nghĩ nhiều, ảnh hưởng sức khỏe. "Cháu chỉ có một bà nội thôi, không ai thay thế bà được" - lời yêu thương Long dành cho bà vô cùng cảm động.
Nhiều ý kiến đánh giá, dù Long hay bà Dần trong phân cảnh này không rơi một giọt nước mắt nhưng ánh mắt rưng rưng, đau đáu, kìm nén cảm xúc mà Mạnh Trường và NSND Như Quỳnh thể hiện đã chạm đến tim người xem.
Ông Khang trong sự việc này cũng thể hiện rõ là một người con hiếu thảo. Ngay khi bà Dần về nhà, sợ mẹ sức khỏe yếu, đêm ngủ xảy ra chuyện, ông Khang qua phòng, tình nguyện nằm đất trông chừng mẹ. Bà Dần xót con nên kêu con trai về phòng với vợ.
Ông Khang nói một câu khiến bao trái tim đồng cảm: "Ngủ với vợ cả đời, mấy khi được ngủ với mẹ". Giọng nói trầm ấm, đầy "tình thân", lại có chút xót xa. Đối với ông Khang, mẹ là quan trọng nhất.
"Mẹ ở đây, bọn con còn có mẹ, không gì có thể thay thế được. Trong những lúc khó khăn khất, mẹ đã không bỏ con với chị Quyên. Mẹ vì con mà vất vả cả một đời. Mẹ phải để cho con chăm sóc mẹ chứ.
Không phải chỉ vì mẹ, không hẳn vì sự thanh thản của con. Mà có mẹ ở đây, trong căn nhà này, mẹ là sợi dây kết nối, là chỗ dựa tinh thần cho tất cả mọi người", ông Khang trút hết nỗi lòng.
Người đàn ông trải qua bao sương gió, cuối cùng vẫn khóc trong vòng tay mẹ như một đứa trẻ. Cảnh phim khiến khán giả rơi nước mắt.
Bà Dần - bố Khang - Hoàng Long là 3 mảnh ghép tạo nên một tam giác tình thân 3 thế hệ trong một mái ấm gia đình. Diễn xuất của NSND Như Quỳnh, NSƯT Trịnh Mai Nguyên và Mạnh Trường ở những cảnh phim này rất chân thành, khiến khán giả xem phim như đang bắt gặp chính mình trong đó.
Trong tập 8 "Hương vị tình thân", dù chưa biết ông Sinh (NSƯT Võ Hoài Nam) là bố mình nhưng Nam vẫn tìm đến tận nhà ở vùng núi xa xôi vì lời đề nghị của ông. Lúc Nam tới cũng là khi chị gái kết nghĩa của ông Sinh gắng gượng nói lời cuối rồi qua đời.
Chứng kiến người thân ra đi, ông Sinh ôm mặt khóc, mếu máo, cố kìm nén để tiếng nấc không bật ra trước mặt người quá cố và con gái chưa kịp nhận.
Diễn xuất của Võ Hoài Nam quá chân thực, cảm xúc, thể hiện nỗi đau tột cùng của người đàn ông phong trần nhưng mang trong mình quá nhiều tâm tư, dằn vặt.
Phương Oanh cũng một lần nữa lấy nước mắt người xem. Sau khi nghe lời trăn trối, có lẽ Nam đã nhận ra ông Sinh là bố đẻ mình. Trong khoảnh khắc nghẹn ngào của sinh ly tử biệt, 3 con người nắm chặt lấy tay nhau, ông Sinh khóc nghẹn, trong khi nước mắt Nam cứ thế lăn dài trên gò má.
Đôi môi lắp bắp như thể muốn gọi bố nhưng không thể thoát ra thành lời, Nam cúi xuống, gục đầu vào cổ ông Sinh, ôm lấy ông và khóc. Nam đang đau nỗi đau của một đứa con mất đi chính người thân ruột thịt.
Cảnh phim mà Phương Oanh và Võ Hoài Nam đều không có lời thoại, song từng ánh mắt, từng cái nấc nghẹn và cái ôm đã truyền tải tất cả thông điệp về tình thân thực sự.
Có thể thấy, phần 2 "Hương vị tình thân" đã thành công trong việc đan xen câu chuyện cảm động, truyền tải thông điệp chính của phim bên cạnh yếu tố kịch tính vẫn được duy trì. Và một lần nữa, diễn xuất xuất thần của dàn diễn viên được đánh giá cao.