Theo đó, UBND TP.HCM cho rằng tại Điểm 1, Mục VI của Quyết định 2666/QĐ-BYT quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh "Chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm việc cài đặt, sử dụng ứng dụng khai bao y tế và phát hiện tiếp xúc gần, xử phạt các trường hợp có điện thoại thông minh nhưng không thực hiện cài đặt, sử dụng ứng dụng theo quy định trên cơ sở tình hình dịch Covid-19 và điều kiện thực tế tại địa phương".
Tuy nhiên, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế không quy định xử phạt đối với trường hợp có điện thoại thông minh nhưng không thực hiện cài đặt, sử dụng ứng dụng. Theo UBND TP.HCM căn cứ Điều 4 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), Chính phủ là cơ quan có thẩm quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính và chế độ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.
Qua rà soát, phân tích quy định mâu thuẫn, chồng chéo thiếu đồng nhất, thiếu đồng bộ, không phù hợp thực tiễn, UBND TP HCM kiến nghị Bộ Y tế bỏ nội dung quy định xử phạt nói trên.
Trước đó, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 2666/QĐ-BYT hướng dẫn sử dụng ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.
Trong đó, Bộ Y tế yêu cầu người dân có điện thoại thông minh cần cài đặt, sử dụng các ứng dụng khai báo y tế để thực hiện khai báo y tế điện tử và sinh mã QR. Khi đến nơi công cộng, tập trung đông người, người dân phải cài đặt ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần (Bluezone) và bật chế độ Bluetooth.
Ngoài ra, người thuộc diện cách ly y tế, hoặc giám sát y tế sau cách ly có điện thoại thông minh phải cài đặt ứng dụng khai báo y tế và ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần. Đồng thời, sử dụng mã QR được in ra, hoặc đã lưu trong điện thoại để thực hiện khai báo y tế và chịu trách nhiệm về các thông tin khai báo y tế của mình. Khi đến các địa điểm cần khai báo y tế, người dân đưa mã QR cho nhân viên kiểm soát thực hiện quét, hoặc dùng điện thoại để tự quét mã QR tại điểm đó.