Những ngày này, Hà Nội đang trải qua quãng thời gian giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19. Tất cả người dân hạn chế ra đường. Không khí làng gốm Bát Tràng, huyện Gia Lâm cũng vắng vẻ hơn rất nhiều so với trước đây.
Nằm ẩn sâu trong làng gốm cổ là căn biệt thự thời Pháp hơn 120 năm tuổi của vợ chồng ông Lê Hồng Đức (81 tuổi) và bà Nguyễn Thị Lâm (76 tuổi). Dịch bệnh, bà Lâm rảnh rỗi ngồi đan áo cho con cháu. Ở tuổi thất thập nhưng bà Lâm vô cùng linh hoạt, tinh anh.
Bà Lâm có tiếng ở làng gốm Bát Tràng bởi bà là nghệ nhân ẩm thực. Những nguyên liệu dân dã hay cầu kỳ, qua bàn tay bà đều trở thành những món ăn sắc sảo, đẹp mắt và vô cùng hấp dẫn. Những ngày trước, hầu như bà kín lịch nhận làm giúp cỗ bàn cho làng, chế biến những mâm cỗ đậm vị xưa tại nhà. Thế nhưng vì dịch bệnh, bà đành chờ mọi thứ trở lại bình thường.
Trong câu chuyện với PV Dân Việt, bà Lâm say sưa kể, sinh ra thời chiến nhưng từ nhỏ bà đã sống trong gia đình giàu có, nề nếp ở phố cổ Hàng Than, Hà Nội. Cậu mợ (bố mẹ) bà là chủ gara ô tô Mỹ Hào, sở hữu 14 chiếc ô tô và 5 căn nhà mặt phố nức tiếng một thời.
Lớn lên bà Lâm thừa hưởng nét dịu dàng, đậm chất thiếu nữ phố cổ Hà Nội thanh lịch. Bà có niềm đam mê vô tận khi tự tay nấu các món ăn.
"Tôi sống trong gia đình giàu có, cậu mợ tôi có bà dì 19 tuổi đã góa chồng. Mọi việc bếp núc trong gia đình đều do bà tự tay làm hết. Hồi đó tôi hay xem dì nấu nướng nên từ lúc hơn 20 tuổi đã thích làm cỗ. Tôi tỉ mẩn bỏ hàng tiếng đồng hồ, thậm chí cả ngày để làm món ăn", bà Lâm kể lại.
Rời bỏ cuộc sống của cô gái thị thành, bà Lâm về làm dâu gia đình mang đậm dấu ấn phong kiến. Ông Đức gắn bó với công việc làm giáo viên còn bà làm việc ở Xí nghiệp ô tô số 6 Lò Đúc. Sau bà quyết định về làm việc tại xí nghiệp gốm Bát Tràng và gắn bó với nghề nấu các món ăn cổ truyền đến nay đã hơn 40 năm.
Bao năm qua bà Lâm vẫn luôn dành thời gian chăm chút cho gia đình, con cháu. Bà cũng thường xuyên nấu những món ăn cổ xưa mang đậm nét tinh túy ở Hà Nội.
Mỗi khi có khách đặt ăn, bà lại dậy sớm, đi chợ quê, tự tay lựa chọn nguyên liệu tươi ngon nhất để chế biến khiến người thưởng thức nhớ mãi.
"Các món ăn như đứa con tinh thần của mình nên tôi rất chăm chút và cầu kỳ trong từng công đoạn. Các món cổ xưa Hà Nội làm rất kỳ công, cẩn thận. Bất kỳ cỗ bàn nào ở Bát Tràng sẽ đều có 2 món măng mực và su hào xào mực. Với món măng mực, phải có bí quyết riêng mới ngon, ai ăn một lần sẽ nhớ mãi", bà Lâm cười nói.
Bà Lâm kể, món ăn đậm nét cổ xưa từng được dâng vua chúa này rất kỳ công, phải chọn loại mực ngon ở Thanh Hoá, măng phải là loại hảo hạng. Mực khô ngon bà rửa sạch bằng nước sôi ấm sau đó bọc sạch màng, tẩy gừng khử mùi tanh rồi mang nướng, xé nhỏ, măng cũng được xé mỏng tang.
"Đặc biệt măng phải được luộc bằng nước mưa, điều này giúp bát măng mực trong. Để nấu được món này, cần phải có bí quyết riêng mới thực sự hấp dẫn", bà Lâm nói.
Một món canh nữa được bà Lâm chế biến khéo léo là món canh bóng.
"Món canh bóng có 12 nguyên liệu chính như bóng (bì lợn), nấm hương, cà rốt tỉa hoa, súp lơ xanh, trắng, thịt thăn xé thành thớ dài… bát canh bóng ngon nhất có nước dùng. Tôi dùng nước luộc gà lần thứ 2 và nước luộc tôm đun lên lọc lấy nước thơm. Cùng với đó bóng phải có bí quyết làm để giòn, ngon, thơm. Đặc biệt, nấu món này dùng nước mưa sẽ giúp bát canh bóng sáng quắc, có thể soi nhìn thấy rõ, không có gợn mỡ nào, giúp nước ngon vô cùng", bà Lâm vui vẻ chia sẻ.
Món ăn khác của bà Lâm khiến người khác "khó cưỡng" đó là món xôi vò. Có vị khách thưởng thức phải thốt lên: "Ăn xôi vò của của bà Lâm cứ ngỡ như lạc vào vườn hoa bưởi". Đó là một trong nhiều lời khen khiến bà càng đam mê với công việc bếp núc này.
Cứ thế, nhiều người truyền tai nhau hễ trong làng có công việc hiếu hỉ, giỗ làng… thì lại gọi tên bà Lâm. Nhiều bạn bè, con cái và cả du khách nước ngoài trước đây khi chưa có dịch thường xuyên ghé tới thưởng thức những món ăn cổ đích thân bà nấu.
Sợ rằng những món ăn cổ ngày mai một, bà Lâm đã chỉ dạy thêm cho người con dâu. Bà mong muốn ngoài những lúc công việc bận rộn thì còn gì tuyệt vời hơn những ngày giỗ, chạp cả gia đình mọi người quây quần bên mâm cơm đậm nét Hà Nội xưa. Có như vậy những nét đẹp ẩm thực Hà Nội mới không bị lãng quên theo thời gian và các thế hệ mai sau sẽ tiếp bước…