Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam cho biết, để giảm áp lực điều trị cho các bệnh viện, đơn vị điều trị Covid-19 trong hệ thống tháp 5 tầng của TP.HCM, những trường hợp bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được chăm sóc, điều trị bệnh tại nhà dưới sự hỗ trợ của y tế địa phương, các bệnh viện liên quan.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều F0 điều trị tại nhà ở các quận, huyện và TP.Thủ Đức phản ánh khi bệnh chuyển biến nặng (như mệt mỏi, khó thở, nồng độ oxy máu hạ thấp), chính bệnh nhân và người nhà đã liên hệ với số điện thoại được cung cấp cũng như các bệnh viện, đường dây nóng Trung tâm cấp cứu 115 nhưng đa số không liên hệ được, không nhận được hỗ trợ từ nhân viên y tế.
Ông Nam thừa nhận, trên thực tế có trường hợp các đường dây nóng quá tải nên chưa kịp thời tiếp nhận được thông tin. Hiện tại, ngành y tế đang nỗ lực hết mình để khắc phục như nâng số đường truyền của Trung tâm cấp cứu 115 lên từ 40-50 line.
"Thành phố tiếp thu ý kiến phản ánh của người dân về tình trạng hỗ trợ F0 tại nhà, Sở Y tế TP.HCM sẽ chấn chỉnh, rà soát lại, không để bệnh nhân F0 đang được chăm sóc điều trị tại nhà đơn độc", Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam cho biết.
Ở các bệnh viện, đơn vị điều trị Covid-19 cũng đang cố gắng nâng số giường để đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh nhân F0 diễn tiến nặng. Nhiều quận huyện đã thành lập bệnh viện dã chiến để điều trị bệnh nhân F0 khi chưa kịp chuyển lên tuyến trên như bệnh viện dã chiến tại quận Bình Thạnh, quận 8… Cùng với đó, Bộ Y tế đang phối hợp với thành phố thiết lập 3 trung tâm hồi sức Covid-19 để tiếp nhận các bệnh nhân nặng, nguy kịch.
Theo công văn số 5426/SYT-NVY của Sở Y tế TP.HCM về hướng dẫn chăm sóc người mắc Covid-19 cách ly tại nhà; Sở Y tế yêu cầu thủ trưởng các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn TP.Thủ Đức, quận, huyện, các tổ phản ứng nhanh phường, xã, thị trấn, quận, huyện dự trù và cung ứng các thuốc thiết yếu như: thuốc hạ sốt, thuốc nâng cao thể trạng (vitamin, chất dinh dưỡng vi lượng, các thuốc y học cổ truyền).
Ngoài ra, có thể bổ sung các thuốc kháng viêm corticoid và kháng đông dạng uống trong một số tình huống có chỉ định.
Chỉ định sử dụng thuốc kháng viêm corticoid và kháng đông dạng uống: người bệnh có triệu chứng sớm của suy hô hấp (cảm giác khó thở và/hoặc nhịp thở > 20 lần/phút và/hoặc SpO2 < 95%, nếu có) và chưa liên hệ được nhân viên y tế để được hướng dẫn, hỗ trợ.
Thuốc kháng viêm corticoid có thể sử dụng: Dexamethasone: Người lớn: 6mg/lần/ngày. Trẻ em: 0,15mg/kg/ngày (tối đa 6mg/ngày), uống sau khi ăn (tốt nhất vào buổi sáng).
Nếu không có sẵn Dexamethasone, có thể sử dụng một trong các thuốc thay thế sau:
- Prednisolone: Người lớn: 40mg/lần/ngày. Trẻ em: 1mg/kg/ngày (tối đa 40mg/ngày), uống sau khi ăn (tốt nhất vào buổi sáng).
- Methylprednisolone: Người lớn: 16mg/lần, uống 2 lần/ngày cách 12 giờ. Trẻ em: 0,8mg/kg/lần, 2 lần/ngày cách 12 giờ (tối đa 32mg/ngày), uống sau khi ăn (buổi sáng và buổi tối).
Thuốc kháng đông dạng uống: Rivaroxaban. Liều lượng: 10mg/lần/ngày, uống sau khi ăn, thời gian sử dụng tối đa 7 ngày.
Trường hợp sử dụng các loại thuốc này, bệnh nhân cần theo dõi một số triệu chứng: Theo dõi các dấu hiệu xuất huyết (như xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, xuất huyết tiêu hóa...). Thận trọng ở người trên 80 tuổi.
Chống chỉ định: Phụ nữ có thai và cho con bú, người suy gan, suy thận, có tiền căn xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết tiết niệu, có các bệnh lý dễ chảy máu.
Liên hệ nhân viên y tế khi có dấu hiệu bất thường.