Kia Morning được xem là cái tên "lão làng" đặt nền móng cho phân khúc xe hạng A tại Việt Nam khi được Thaco lắp ráp và mở bán từ năm 2008. Tiếp đến là sự góp mặt của Chevrolet Spark vào năm 2011 và Hyundai Grand i10 (trước đó có tên Hyundai i10) vào năm 2013.
Phải chờ đến năm 2018, phân khúc xe hạng A tại nước ta mới đón nhận thêm các bộ 3 thành viên đến từ Nhật Bản gồm: Toyota Wigo, Honda Brio và Suzuki Celerio. Cuối cùng là VinFast Fadil - người đến sau vào năm 2019 nhưng đã đảo lộn tất cả như thế nào?
Theo số liệu từ VAMA, từ năm 2010-2016, Kia Morning thống trị tuyệt đối phân khúc xe hạng A. Hơn nữa, Morning và Cerato là 2 đại diện không thể thiếu của Kia trong Top 10 xe ăn khách toàn thị trường. Đáng chú ý năm 2011, Kia Morning bất ngờ vượt qua bộ 4 xe Toyota để chẫm chệ ở vị trí số 1 trong Top 10.
Đối thủ Chevrolet Spark gia nhập cuộc chơi muộn hơn vào năm 2011 và chỉ tỏa sáng một lần duy nhất trong Top 10 năm 2012 với 2345 xe bán ra. Dẫu vậy, mẫu sedan hạng A đến từ Mỹ chưa một lần qua mặt Kia Morning và doanh số cũng rất lẹt đẹt.
Năm 2016 đánh dấu mốc doanh số trên 10.000 xe đầu tiên của xe hạng A, cụ thể là 14.872 xe (trung bình trên 1.200 xe/tháng)
Hyundai Grand i10 đến với thị trường Việt vào năm 2013 dưới dạng nhập khẩu nguyên chiếc từ Ấn Độ và đến năm 2017, TC Motor (trước đó còn gọi là Hyundai Thành Công) mới quyết định chuyển hướng nội địa hóa, đồng thời công bố doanh số bán hàng của mẫu xe này.
Chính con số mở màn 18.200 xe bán ra năm 2017 đã giúp Grand i10 khẳng định vị thế của mình trên thị trường khi chỉ đứng sau “ông vua doanh số” Toyota Vios (22260 xe). Điều này khiến Kia Morning ngậm ngùi lép vế trước người đồng hương.
Năm 2018, phân khúc duy nhất trên thị trường không có dấu chân của xe Nhật đã dồn dập đón nhận thêm thành viên mới gồm: Toyota Wigo, Honda Brio và Suzuki Celerio. Tuy miếng bánh thị phần bị chia nhỏ hơn nhưng Brio và Celerio luôn âm thầm, lặng lẽ ở top dưới, trong khi Wigo chỉ đôi lần tạo nên sự bứt phá.
Nguyên nhân đến từ việc các đối thủ Nhật định giá tương đối cao so với mặt bằng chung, thiết kế và công nghệ, trang bị không thực sự nổi bật nên chiến thắng chung cuộc vẫn dành cho xe Hàn. Đặc biệt, 2018 cũng là năm đánh dấu mức doanh số kỷ lục của mẫu xe hạng A bán chạy nhất - Hyundai Grand i10 - với 22068 xe bán ra (trung bình trên 1.800 xe/tháng).
Năm 2019 không có biến động lớn về thứ hạng phân khúc. Tuy nhiên, việc VinFast Fadil - mẫu xe thương mại đầu tiên của thương hiệu xe Việt đầu tiên - chính thức lăn bánh khỏi dây chuyền sản xuất và đến tay khách hàng đã tạo tiền đề cho cuộc cách mạng mới diễn ra sau này.
VinFast Fadil trình làng vào cuối năm 2018 và bắt đầu nhận đặt hàng. Chưa đầy một năm sau đó, thương hiệu xe Việt bắt đầu giao xe và ngay lập tức tạo trở thành ngôi sao mới nổi trên thị trường.
Đế chế xe Hàn trong phân khúc hạng A tại Việt Nam sau hơn một thập kỷ gây dựng đã bị lật đổ vào năm 2020 bởi một tân binh đến từ thương hiệu còn rất non trẻ. Doanh số của Fadil năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 đạt tương ứng 18016 xe - 10127 xe, trung bình đều trên 1.500 xe/tháng. Đây quả thực là một con số mơ ước của rất nhiều mẫu xe mới bán tại thị trường Việt.
Lợi thế của Fadil vẫn là giá bán hấp dẫn, ưu đãi lớn, vận hành mạnh mẽ và công nghệ an toàn vượt trội. Cụ thể, Fadil là mẫu xe đầu tiên trong phân khúc được trang bị hệ thống kiểm soát lực kéo TCS, hỗ trợ khởi hành ngang dốc HSA và tính năng chống lật.
Còn Hyundai Grand i10 vừa ra mắt thế hệ mới đi kèm ưu điểm về thiết kế, trang bị, tính năng nhưng giá bán cao hơn sẽ là rào cản khiến khách hàng suy nghĩ, cân nhắc thêm.
Thị phần phân khúc bị chia nhỏ hơn trước. Tuy nhiên, phần lớn vẫn nằm trong tay của VinFast Fadil và Hyundai Grand i10, trong khi các đối thủ khác chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Có lẽ, việc “cướp” ngôi của Fadil hiện giờ là điều bất khả thi đối với tất cả các đối thủ bởi khoảng cách doanh số quá lớn và bởi “bệ đỡ” VinFast luôn biết cách chơi lớn, biết cách lấy lòng và chiều lòng khách Việt.