Ngày 11/8/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị trực tuyến phổ biến, hướng dẫn triển khai kế hoạch đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.
Chương trình Chuyển đổi số quốc gia được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2020 đã xác định nông nghiệp là một trong 8 lĩnh vực ưu tiên thực hiện để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, ngày 21/7/2021 Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định 1034/QĐ-BTTTT phê duyệt Kế hoạch Hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.
Kế hoạch này hướng tới mục tiêu đưa các hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm kênh phân phối mới, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế; hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên sàn thương mại điện tử; thúc đẩy tiêu thụ nhanh, tránh ùn ứ nông sản.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn cho biết, Bộ xác định rõ hai nhiệm vụ khi triển khai kế hoạch đó là: Tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính, đặc biệt là Vietnam Post và Viettel Post để đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, tập trung phát huy tối đa tiêu thụ trong nước; tập trung thông tin tuyên truyền giới thiệu nông sản Việt Nam trên các kênh truyền thông.
Nhận định việc đưa các hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử là bước đột phá đầu tiên trong phát triển kinh tế số nông nghiệp, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn chỉ đạo các Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh tham mưu cho tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, hai doanh nghiệp bưu chính để xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết cho tỉnh ngay trong tháng 8.
Vietnam Post và Viettel Post lập kế hoạch tham gia chi tiết dựa trên phương án khung của Bộ đảm bảo triển khai hiệu quả nguồn lực để nhanh chóng đưa hộ nông dân lên sàn theo một chuẩn chung. Các đơn vị công nghệ của Bộ hỗ trợ cùng hai doanh nghiệp bưu chính để cung cấp nền tảng số hướng dẫn hỗ trợ hộ nông nghiệp sản xuất lên sàn.
"Quan trọng nhất là các địa phương phải cùng với 2 doanh nghiệp xây dựng phương án. Coi đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị để làm sao cho bà con có hình thức kinh doanh mới, làm giàu trên chính sản phẩm và đôi tay của mình" - Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn nói, đồng thời nhấn mạnh, cố gắng hết năm 2021, đưa 5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử và từng bước triển khai trong năm 2022 và các năm tiếp theo.
Theo các chuyên gia, sản lượng hàng nông sản tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử hiện còn khiêm tốn. Theo số liệu của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến nay có 7.987 hộ nông dân và 14.594 sản phẩm nông sản đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử.
Nếu so với mức tiêu thụ trực tiếp và mô hình kinh doanh truyền thống thì vẫn cần bước tiến lâu dài. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, các sàn thương mại điện tử đã hỗ trợ rất tốt cho các hộ nông dân trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Lấy dẫn chứng cho thấy lợi ích của thương mại điện tử, ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ câu chuyện tiêu thụ vải cho Bắc Giang hồi tháng 5/2021 - thời điểm dịch Covid-19 bùng phát tại Bắc Giang.
Tuy nhiên, đã có hơn 8.000 tấn đã được tiêu thụ ở 63 tỉnh, thành phố qua 2 sàn Postmart và Voso và lần đầu tiên người dân ở một số tỉnh được ăn vải tươi Bắc Giang bởi cam kết của các sàn 48 tiếng đến tay người tiêu dùng từ khi đặt hàng... Kết quả này là sự vào cuộc của các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao và các tỉnh, thành phố.
Ông Nguyễn Trọng Đường cho rằng, chuyển đổi số cho hộ sản xuất nông nghiệp là bước phát triển đột phá được nêu ra trong Kế hoạch "Hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn", bởi đây là lực lượng chính để triển khai kinh tế số nông nghiệp. Bằng cách đưa bà con lên sàn thương mại điện tử để họ thấy rõ lợi ích trong việc bán hàng và mua hàng trên sàn thương mại điện tử.
"Nếu không có sự tham gia của bà con, của các HTX sản xuất thì chương trình kinh tế số nông nghiệp rất khó thực hiện. Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông chọn bước đột phá vào các hộ sản xuất, tức là đột phá vào con người" - ông Nguyễn Trọng Đường nói, đồng thời thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đưa 12-13 triệu hộ sản xuất nông nghiệp, kinh doanh cá thể lên các sàn thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu sản phẩm và kinh doanh. Đây là mục tiêu lớn của Bộ trong thời gian tới.