Dân Việt

Nhóm đối tượng tự xưng phóng viên hợp thức hóa 100 triệu đồng cưỡng đoạt của nữ Hiệu trưởng ở Hà Nội thế nào?

Bách Thuận 12/08/2021 20:03 GMT+7
Khi bị các đối tượng cưỡng đoạt tiền, nữ hiệu trưởng trường tiểu học ở Hà Nội đã trình báo sự việc tới Bộ Công an.

Ngày 12/8, thông tin Dân Việt nắm được, Công an quận Tây Hồ (TP.Hà Nội) đã khởi tố 4 đối tượng liên quan đến vụ cưỡng đoạt tài sản của nữ Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Thượng (Tây Hồ).

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Tây Hồ cho biết, trong 4 đối tượng có 2 đối tượng là cộng tác viên của một cơ quan báo chí ở Trung ương.

Các đối tượng gồm: Nguyễn Thùy Linh (30 tuổi, Long Biên, TP.Hà Nội, nghề nghiệp tự do), Nguyễn Đức Phương (38 tuổi, Hưng Hà, Thái Bình, cộng tác viên 1 cơ quan báo chí ở Trung ương), Nguyễn Tiến Quang (26 tuổi, TP.Thái Nguyên, Thái Nguyên, nghề nghiệp tự do), Nguyễn Công Tuấn (39 tuổi, Thanh Trì, TP.Hà Nội, nghề nghiệp tự do).

Theo Cơ quan Công an, khoảng tháng 7/2021, Nguyễn Thùy Linh có nghe hàng xóm kể về việc Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Thượng nhận tiền của những phụ huynh xin cho con học trái tuyến, số tiền từ 5 triệu đồng đến 8 triệu đồng.

Nhóm đối tượng hợp thức hóa tiền cưỡng đoạt nữ Hiệu trưởng ở Hà Nội thế nào? - Ảnh 1.

Các đối tượng trong vụ án (Ảnh: H.L)

Sau đó Linh cùng Phương, Quang, Tuấn và các đối tượng khác tiến hành thu thập thêm thông tin về vụ việc bằng cách đóng giả làm phụ huynh xin cho con vào học lớp 1 trái tuyến tại trường tiểu học này.

Các đối tượng thay nhau tiếp cận, nói chuyện và đặt vấn đề xin học trái tuyến đối với nữ hiệu trưởng nhà trường.

Quá trình tiếp cận, các đối tượng sử dụng các thiết bị ghi âm, ghi hình bí mật và ghi lại được việc hiệu trưởng yêu cầu chuẩn bị kinh phí nhập học trái tuyến.

Sau khi thu thập được tài liệu phản ánh hành vi tiêu cực của vị hiệu trưởng này, các đối tượng gọi điện tiếp cận hẹn gặp hiệu trưởng.

Tại buổi gặp, các đối tượng mang theo máy quay phim tự xưng là phóng viên của Truyền hình XX, nhận được thông tin của phụ huynh học sinh về việc hiệu trưởng nhận tiền của phụ huynh xin học cho con trái tuyến, đồng thời cho hiệu trưởng xem các tài liệu đã ghi âm, ghi hình và dùng lời nói đe dọa ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và sự nghiệp của nữ hiệu trưởng.

Vì lo sợ ảnh hưởng đến danh dự và sự nghiệp của mình, nữ hiệu trưởng này đã van xin các đối tượng xóa hết các hình ảnh và âm thanh ghi được.

Nhóm đối tượng hợp thức hóa tiền cưỡng đoạt nữ Hiệu trưởng ở Hà Nội thế nào? - Ảnh 2.

Nữ hiệu trưởng sau khi bị nhóm đối tượng đe dọa, uy hiếp đã tố cáo sự việc tới Bộ Công an. (Ảnh minh họa)

Thấy vị hiệu trưởng lo sợ, các đối tượng tiếp tục dùng lời nói đe dọa, buộc vị hiệu trưởng này phải chi tiền thì các đối tượng mới xóa các tài liệu trên.

Nữ hiệu trưởng đồng ý chi số tiền 30 triệu đồng để các đối tượng xóa dữ liệu, nhưng các đối tượng không đồng ý, tiếp tục ép buộc vị hiệu trưởng chi đủ số tiền 100 triệu đồng thì mới xóa các dữ liệu liên quan.

Vị hiệu trưởng sau đó buộc phải chuyển cho các đối tượng tổng số tiền 100 triệu đồng qua tài khoản ngân hàng.

Khi chuyển khoản, các đối tượng yêu cầu vị hiệu trưởng ghi nội dung chuyển khoản là "mua mỹ phẩm" nhằm hợp thức hóa số tiền chiếm đoạt được.

Khi nhận được tiền, các đối tượng chia nhau số tiềm chiếm đoạt được nhưng vẫn giữ lại các tài liệu ghi âm, ghi hình về sự việc.

Khi tiêu hết số tiền chiếm đoạt được, Linh tiếp tục chuyển các tài liệu ghi âm, ghi hình liên quan đến nữ Hiệu trưởng cho một đối tượng khác (người này tự xưng là nhà báo thuộc 1 cơ quan báo chí ở Trung ương) để tiếp tục uy hiếp, đe dọa vị hiệu trưởng, buộc người này phải chi tiếp số tiền 80 triệu đồng.

Khi bị các đối tượng tiếp tục uy hiếp, nữ hiệu trưởng đã đến Cục An ninh chính trị nội bộ (A03) Bộ Công an trình báo sự việc.

Ngay sau khi tiếp nhận nguồn tin, tổ công tác của A03 đã phối hợp cùng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Tây Hồ nhanh chóng điều tra, phát hiện và bắt giữ các đối tượng nêu trên.