Nói tới nhà văn Nguyên Ngọc bạn hẳn đã nghe tên và chắc còn nhớ nhiều nữa. Ông là tác giả cuốn truyện "Đất nước đứng lên" viết về người anh hùng Tây Nguyên trong kháng chiến chống Pháp - Đinh Núp. Cuốn truyện viết vào giữa những năm 1950 theo gương người thật việc thật nhưng nhờ tài văn của người viết nên đã không tàn theo thời gian mà ngược lại có sức sống lâu dài.
"Đất nước đứng lên" không chỉ là truyện một anh hùng với chiến công của người đó. Nó còn là câu truyện của một vùng đất đặc biệt đã làm nên con người đó. Vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ và bí ẩn.
CÁC BẠN TÔI Ở TRÊN ẤY
Tác giả: Nguyên Ngọc
Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam, 2021
Số trang: 307 (khổ 15x23cm)
Số lượng: 1500
Giá bán: 139.000
Số phận đã gắn Nguyên Ngọc với vùng đất này từ sớm. Năm 1950 ở tuổi 18 ông đã có mặt tại đây đánh Pháp. Rồi khi viết về anh hùng Núp ông càng thêm gắn bó. Đến khi đánh Mỹ ông lại có dịp trở lại vùng này (bạn còn nhớ truyện ngắn "Rừng xà nu" nổi tiếng của ông chứ!).
Sau 1975 Tây Nguyên lại trở thành tâm điểm suy nghĩ và cảm xúc của ông trong hành trình của một nhà dân tộc học, văn hóa học đau đáu với những vấn đề phát triển của đất nước. Có thể nói Tây Nguyên đã trở thành cội nguồn sống, cội nguồn tinh thần của Nguyên Ngọc. Cuốn sách "Các bạn tôi ở trên ấy" là tình yêu thẳm sâu, da diết và nhức nhối của nhà văn dành cho Tây Nguyên. Các bạn ông được nói đến trong sách này vừa cụ thể vừa mở rộng.
Các bạn Tây Nguyên của Nguyên Ngọc cụ thể, trước hết là những con người thực, có thật của các tộc người mà Nguyên Ngọc đã may mắn được gặp, được họ coi mình như người anh người em người bạn, và cao hơn cả là coi như người Tây Nguyên. Chính cái tên sách "Các bạn tôi ở trên ấy" là tên một bài trong tập.
Đó là anh hùng Núp "già làng của cả Tây Nguyên", hẳn rồi. Nhưng đó còn là Y Yơn "người hát rong giữa rừng" sống là ca hát và ca hát là sống. Là H'Ben người phụ nữ Ba Na từng là vợ anh hùng Núp, sau lấy một nhạc công người Kinh và hai vợ chồng cứ đi sâu mãi vào rừng tìm ghi lại những điệu hát xưa của Tây Nguyên dù chẳng biết để làm gì.
Là A Bốc chàng trai của tộc người Châu có chưa đến trăm nhân khẩu đã phải rời bỏ cộng đồng làng mình để bảo vệ hai đứa con sinh đôi chống lại tập tục của làng khi sinh đôi như thế là phải giết đi. Là cô gái Phạm Thị Trung mang nửa dòng máu mẹ người Xteng viết luận văn tiến sĩ dân tộc học về "Linh hồn người và những nghi lễ liên quan đến linh hồn của người Xteng ở Tu Mơ Rông" mà khi được đọc nó nhà văn đã sững sờ kinh ngạc.
Các bạn Tây Nguyên của Nguyên Ngọc cụ thể là những người nơi khác đến Tây Nguyên đã được vùng đất này bắt hồn vía trở nên say mê ám ảnh. Đó là những người Việt như Nhật Lai "người nhạc sĩ tài năng bị bỏ quên ấy, người đầu tiên và suốt đời mải mê tìm hiểu đến tận cùng hồn Tây Nguyên, nhạc của anh cũng thâm trầm buồn." (tr. 144).
Như Ngọc Anh "người nghệ sĩ vô danh đã sinh ra cây K'nia" bằng một bài thơ nói về bóng cây được phổ nhạc trở thành bài hát nổi tiếng nhưng ít ai biết nhân thân tác giả. "Hóa ra nghệ thuật và người nghệ sĩ là vậy, công việc trên đời này của họ là thế: đánh thức cho ta những gì quý báu nhất, tốt đẹp nhất thường lẩn khuất vô danh trong chính ta mà sống cả đời ta thờ ơ, ta vô tâm quá, ta chẳng hề hay." (tr. 182). Đó là những người Pháp làm dân tộc học đã đến Tây Nguyên từ đầu thế kỷ XX và đã bị hút vào các tộc người ở đây để rồi sau nhiều năm chung sống tìm hiểu họ đã để lại những công trình nghiên cứu khoa học sâu sắc, quý báu.
Như Jacques Dournes đã đến Tây Nguyên với tâm niệm: "Nếu phải hiểu để mà có thể yêu, thì lại phải yêu để mà có thể hiểu". Nhờ đó ông đã để lại hàng chục công trình viết về Tây Nguyên, trong đó có nhiều cuốn đã trở thành kinh điển cho những ai muốn tìm hiểu về vùng đất này, ví như cuốn "Rừng, Đàn bà, Điên loạn" đưa người đọc vào "miền mơ tưởng Gia Rai" mà chính Nguyên Ngọc đã dịch ra tiếng Việt.
Như George Condominas, một người con bố Pháp mẹ Việt, năm 1948 khi đang là một chàng nghiên cứu sinh 27 tuổi đã tới Tây Nguyên về sống cùng người M'Nông Gar ở làng Sar Luk cách Buôn Ma Thuột trên trăm cây số. Ở đó một sự tình cờ may mắn đã giúp ông tìm ra bộ đàn đá đầu tiên. Ở đó ông đã sống thật như người dân tộc đến mức "Đêm tôi nằm mơ không phải bằng tiếng Pháp nữa mà bằng tiếng M'Nông Gar", để rồi Tây Nguyên đã bảo chứng ông là nhà dân tộc học danh giá ngay từ khi ông là chàng trai rụt rè đưa bản thảo công trình "Chúng tôi ăn rừng" (cũng Nguyên Ngọc dịch) đang dở dang đến nhà xuất bản "Mercure de France" uy tín nhất Paris và nước Pháp.
Năm 2007 một cuộc vinh danh nhà dân tộc học này đã được tổ chức tại Hà Nội với tên gọi "Chúng tôi ăn rừng, George Condominas ở Sar Luk". Tại đó một câu nói của Condominas đã được trưng lên: "Pour moi, L'ethnologie c'est un genre de vie". Cụm từ "un genre de vie" có người dịch là "loại hình sống" hay "nghệ thuật sống", nhưng Nguyên Ngọc muốn dịch là "loại hình sống". Condominas nói "Đối với tôi, dân tộc học là một loại hình sống".
Bởi vì theo Nguyên Ngọc hiểu: "Con người có thể sống theo nhiều "loại hình" khác nhau. Condo sống cuộc đời mình trong loại hình dân tộc học. Không phải một nghề. Một loại hình. Có một loại hình những người làm dân tộc học, trời đất đã gán cho họ một số phận như vậy, không thể khác, và Condo đã được sinh ra trong một loại hình đó, vừa như một sự chọn lựa vừa như một số kiếp, lại như được cuộc đời tặng cho. Khó có cách nào diễn đạt khác hơn." Nguyên Ngọc yêu Tây Nguyên đắm đuối nên yêu cả những người đã chọn sống với Tây Nguyên như một duyên kiếp.
Các bạn Tây Nguyên của Nguyên Ngọc - rộng ra là những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của vùng đất này đã khiến ông mê đắm. Ông kỳ công diễn tả bằng từ ngữ cái hay cái đẹp cái linh thiêng huyền bí của những nhạc cụ Tây Nguyên cho người đọc được biết tận nguồn tinh khôi ban sơ của chúng. Như cồng chiêng cũng có lúc "ốm" như người, bị lạc giọng, mất giọng, tức là tiếng không chuẩn, khi đó cần phải có những P'jâu hoặc P'jâu cing chữa bệnh cho chiêng.
Như Đinh Tút, một nhạc cụ gió độc đáo của người Giẻ Triêng, "những ống trúc dài, hoàn toàn không có lỗ để bấm nốt, mỗi ống chỉ cho một âm", và chỉ do những người đàn ông mặc trang phục đàn bà chơi giữa đêm khuya. Như đàn K'longput của người Xơ Đăng chơi ở làng một cách tùy hứng cả về cách sắp xếp các ống tre, về cách chơi, để mỗi lần chơi một khác, chứ không theo một bản nhạc hoàn chỉnh, bất biến.
Nguyên Ngọc trân trọng vô cùng những cái thật là Tây Nguyên đó. "Vâng, Tây Nguyên là thế đấy, trong tầng sâu của nó, ở cả những điều rất nhỏ nhặt, như một nhạc cụ, một lối chơi nhạc thôi… cũng có thể chất chứa những bí ẩn thăm thẳm, cho những ai biết yêu mảnh đất này đến đây mà khám phá đến không cùng…" (tr. 202). Vì thế ông đau buồn và phẫn nộ trước những sự pha tạp méo mó làm biến chất Tây Nguyên khi người ta đưa các nhạc cụ, và nói chung các tập tục văn hóa Tây Nguyên ra khỏi môi trường nguyên gốc của chúng, sân khấu hóa chúng, biến chúng thành "di tích".
Vì thế, ông không ngại viết đi viết lại, mỗi lần viết là thêm một lần sống và cảm nhận sâu sắc hơn về Tây Nguyên, mong để người đọc chia sẻ được cùng mình tâm huyết với Tây Nguyên để giữ cho Tây Nguyên không bị cuốn trôi trong cơn lốc kinh tế thị trường hiện nay.
Vì thế ông quý trọng đề cao những người am hiểu và hết lòng với Tây Nguyên, nhất là những người trẻ, mà cô gái Phạm Thị Trung là một thí dụ được ông dành hai bài viết trong tập. Cuốn sách này là tập hợp những bài viết trong nhiều dịp khác nhau của Nguyên Ngọc nhưng chủ đề xuyên suốt là Tây Nguyên trong nỗi nhớ tình yêu và sự xót xa đau đớn của nhà văn.
Không phải ngẫu nhiên mà ông tâm đắc tương tri với các nhà dân tộc học Pháp đến vậy. Không chỉ là vì những tri thức khoa học họ đem lại cho ta hiểu Tây Nguyên của đất nước ta hơn, mà cả thái độ của họ đối với Tây Nguyên cũng là bài học cho ta hôm nay biết ứng xử với vùng đất này. Họ đến Tây Nguyên vào thời của chủ nghĩa thực dân nhưng họ đã không áp đặt cái nhìn thực dân vào Tây Nguyên.
Còn chúng ta là người Việt mà bao năm qua đã đối xử với Tây Nguyên tàn bạo quá mức. Trước thực trạng đó nhà văn Nguyên Ngọc đã phải đau xót lên tiếng: "Đến với một dân tộc khác bao giờ cũng là ta từ bên ngoài mà đến và nhìn vào, nếu không nói là từ bên trên nhìn xuống như rất dễ xảy ra trong trường hợp Tây Nguyên; bao giờ cũng là từ một nền văn hóa này mà nhìn một nền văn hóa khác, dựa trên những tiêu chí quen thuộc đến tưởng là đương nhiên của một nền văn hóa này mà quan sát và đánh giá một nền văn hóa nọ.
Phải cố tạo được cho mình một cái nhìn không phải từ bên ngoài mà từ bên trong, và để có được một cái nhìn như vậy thì, như công thức của Jacques Dournes, phải hiểu và yêu, yêu và hiểu, hiểu để mà yêu, yêu để mà hiểu, đều đến tận cùng. Hiểu Tây Nguyên là một khoa học và một nghệ thuật." (tr. 191-192). Tiếng kêu khẩn thiết này của một nhà văn, nhà văn hóa, liệu có tác động được đến những người hoạch định chính sách cho Tây Nguyên?
Nếu bạn đã nghe và đọc nhà văn Nguyên Ngọc thì đó là một may mắn hạnh phúc trong đời. Ông nói không hùng biện nhưng cuốn hút người nghe với những hiểu biết và suy tư sâu sắc. Ông viết một thứ văn đẹp, trong sáng, nồng nàn, rất lôi cuốn cảm xúc và cũng rất lắng đọng trí tuệ, về những điều ông yêu quý, trân trọng và xót xa, thương tiếc.
Đọc cả cuốn sách này người đọc thấy dấy lên lòng mình nỗi âu lo tiếc nuối cùng nhà văn trước một Tây Nguyên đang bị thay đổi biến dạng đến mất hết chất Tây Nguyên bản địa. Buồn thương là cảm xúc bao trùm chi phối cả cuốn sách, dù cho có những trang văn rất bay bổng, lãng mạn của nhà văn. Tháng Ninh Nông không còn ở Tây Nguyên. "Trở lại Mèo Vạc" ở Hà Giang (bài ký này được đặt ở cuối sách như một gạch nối giữa hai vùng cao đất nước mà nhà văn gọi là "một chút Tây Nguyên ở… phía Bắc") cảnh và người cũng đã khác xưa.
Chính nội dung và văn chương này của "Các bạn tôi ở trên ấy" đã được Hội Nhà văn Hà Nội đánh giá cao và trao giải thưởng năm 2013. Bản in lần này là tái bản lần thứ hai. Và tin vui mới nhất cho nhà văn Nguyên Ngọc và bạn đọc: "Các bạn tôi ở trên ấy" vừa được ra mắt bản tiếng Nhật tại Tokyo.
Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác!
Hà Nội, 12/8/2021