Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV TP.HCM) vừa công bố thông tin về việc đào tạo 3 chương trình liên kết 2+2 cử nhân Việt Nam học giữa nhà trường với ĐH Ngoại ngữ Busan, ĐH Chungwoon và ĐH Youngsan (đều thuộc Hàn Quốc).
Theo đó, sinh viên được tuyển chọn theo những tiêu chuẩn được thỏa thuận giữa hai trường, sau đó sẽ học hai năm tại ĐH Hàn Quốc (Youngsan/Busan/Chungwoon) và học hai năm tại ĐH KHXH&NV TP.HCM với yêu cầu phải có trình độ tiếng Việt tương đương B1 theo Khung năng lực tiếng Việt 6 bậc của Bộ GD-ĐT.
ThS. Trần Nam - Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ Doanh nghiệp, trường ĐH KHXH&NV TP.HCM - cho biết, đây là các chương trình 2+2 rất đặc biệt vì trước đến nay, người học chủ yếu từ Việt Nam đến các quốc gia khác học tập chứ hiếm khi ở chiều ngược lại.
Việc mở 3 chương trình liên kết 2+2 với các đối tác quốc tế là giải pháp cụ thể trong chiến lược quốc tế hóa công tác đào tạo tại trường ĐH KHXH&NV TP.HCM.
Đồng thời, chương trình sẽ giúp tăng số sinh viên quốc tế đến trường học tập, đào tạo thêm nhiều chuyên gia am hiểu Việt Nam, từ đó giúp ích cho quá trình hội nhập, giao lưu quốc tế giữa Việt Nam và các nước.
Đặc biệt, điều này thể hiện vị thế của tiếng Việt, của ngành Việt Nam học trên thế giới đã tăng trưởng rõ rệt.
"Sinh viên theo học chương trình liên kết đào tạo 2+2 sẽ được cấp song bằng (một bằng cử nhân do cơ sở đào tạo tại Hàn Quốc cấp và một bằng do trường ĐH KHXH&NV TP.HCM cấp), là cơ hội để các em tìm được việc làm tốt ở Hàn Quốc và Việt Nam sau khi tốt nghiệp", ông Nam nói thêm.
Được biết, hiện nay ở Hàn Quốc có 4 cơ sở đào tạo tiếng Việt và Việt Nam học là: Khoa Đông Nam Á học, ĐH Ngoại ngữ Busan; Khoa Việt Nam học, ĐH Chungwoon; Khoa Tiếng Việt, ĐH Ngoại ngữ Hankuk; Khoa Việt Nam học, ĐH Youngsan.
Phần lớn các môn học về Việt Nam ở các khoa này đều do người Hàn Quốc dạy và dạy bằng tiếng Hàn. Sinh viên học ngành Việt Nam học không có điều kiện giao tiếp với người Việt cũng như trải nghiệm văn hóa Việt Nam. Do đó, khả năng giao tiếp tiếng Việt cũng như những hiểu biết về Việt Nam còn nhiều hạn chế.