Có lẽ lâu rồi, đến đêm qua, anh Hoàng Văn Cương (31 tuổi, quê huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang) cùng 6 người khác mới có một giấc ngủ ngon trọn đêm đến vậy tại một ngôi nhà lợp tạm bằng tôn trên địa bàn phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội.
Trước đó, nhóm anh Cương đa phần là những người làm công nhân xây dựng. Mọi người không bắt được xe khách về quê khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội đã sống tạm nhiều ngày dưới chân cầu đường vành đai 3 đoạn đối diện bến xe Mỹ Đình.
Nhờ tình thương của một số nhà hảo tâm, sau khi được đưa đi xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, cả nhóm đã được đưa về khu nhà ở phường Hà Cầu ăn ngủ nghỉ miễn phí cho tới khi Hà Nội hết giãn cách xã hội.
Anh Hoàng Văn Cương chia sẻ khi được sắp xếp chỗ ăn ở miễn phí. Clip: Gia Khiêm
"Ngày hôm qua, tôi cùng mọi người được đưa về đây. Tất cả được sắp xếp chỗ ăn, chỗ ở sạch sẽ, thoáng mát. Buổi tối được các anh chị giúp đỡ nấu cơm với đầy đủ thịt, cá, rau xanh đảm bảo dinh dưỡng. Lâu rồi tôi mới được ăn bữa cơm ngon, ngủ một đêm trọn giấc đến như vậy", anh Cương chia sẻ.
Chỉ vào đôi bàn tay, hai chân chi chít vết loang lở do muỗi cắn anh Cương kể, những ngày ở gầm cầu vành đai 3 hầu như đêm nào anh và mọi người cũng mất ngủ khi sống cảnh "màn trời chiếu đất" đúng nghĩa.
"Nhiều đêm tôi thức trắng vì muỗi đốt, gãi nhiều quá nên chân tay thành ra thế này. Thêm nữa, thi thoảng có người lạ đến làm tôi lo sợ. Cách đây 4 ngày mệt quá tôi ngủ thiếp đi thì bị kẻ gian lấy hết sạch điện thoại, tiền bạc trong người", anh Cương chia sẻ.
Nam công nhân này kể, sở dĩ ở khu vực Bến xe Mỹ Đình nhiều ngày qua bởi chẳng có tiền để đi đâu. Đến bây giờ người thân của anh Cương vẫn chưa hề biết những ngày qua anh sống ra sao. Anh cũng không chia sẻ để mọi người thêm lo lắng cho mình.
"Làm công nhân hàng tháng lấy lương, tôi đều gửi về quê phụ giúp gia đình nên chẳng mấy khi giữ tiền trong người. Lúc ở gầm cầu được mọi người giúp đỡ đưa về đây, tôi cảm thấy mình thật may mắn vì ít nhiều những ngày tới sẽ không phải lo chỗ ăn, ở nữa. Giờ tôi mong hết dịch bệnh để có thể đi làm trở lại", anh Cương bày tỏ.
Cũng như anh Cương, ông Hoàng Văn Thức (SN 1968, xã Nà Sáy, huyện Tuần Giáo, Điện Biên) cũng giấu chuyện ở gầm cầu với vợ con. Ông Thức làm thợ xây tại huyện Gia Lâm, Hà Nội được hơn 2 tháng thì phải nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Số tiền công hơn 2 tháng qua, ông Thức được chủ cai xây dựng hứa hẹn khi nào hết dịch sẽ trả sau. Ông thu dọn hành lý cùng vài trăm nghìn trong người đi xe buýt sang bến xe Mỹ Đình bắt xe về quê. Tuy nhiên, lúc này, xe dừng hoạt động, ông ngậm ngùi chẳng biết đi đâu về đâu.
"Ở gầm cầu, tôi nhớ 2 hôm mưa lớn, tôi cùng mọi người ngồi co ro cả đêm. Toàn thân ướt sũng vì bị nước mưa hất vào người. Tôi không dám nói gì với vợ con vì nếu biết mọi người sẽ xót khóc. Tôi gặp những người ở gầm cầu có chung hoàn cảnh như mình nên cùng bao bọc nhau. May mắn, chúng tôi được giúp đỡ chỗ ăn chỗ ngủ thế này thấy hạnh phúc lắm rồi", ông Thức xúc động nói.
Còn anh Trương Văn Huy (24 tuổi, quê huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) vốn là người trắng trẻo nhưng những ngày qua bị muỗi đốt nhiều lỗ chỗ vết thâm vì ngủ gầm cầu. Huy kể, làm nhân viên tại nhà hàng trên phố Phó Đức Chính, quận Ba Đình. Nhà hàng đóng cửa, Huy dọn hành lý ra Bến xe Nước Ngầm nhưng lúc này nhà xe đã dừng hoạt động.
Trong người còn ít tiền, Huy thuê nhà nghỉ trong ngõ gần bến xe ở ít ngày chờ đợi đến ngày có thể trở về nhà. Hằng ngày, cậu xin cơm từ các chốt kiểm soát ăn qua bữa. Tuy nhiên, ở được ít hôm thì Huy "cạn túi tiền".
"Em nghe tin ở khu vực bến xe Nước Ngầm có chỗ phát cơm thiện nguyện nên em đến đây. Trong người không có tiền cũng chẳng biết làm thế nào, không dám nói cho người thân. Em xin cơm từ thiện ăn rồi ngủ ở gầm cầu. Trong lúc ngủ em bị lấy mất sạch vali quần áo cùng điện thoại trong người.
Trong lúc khó khăn nhất thì được các anh chị giúp đỡ đưa về đây có chỗ ăn chỗ ở đàng hoàng. Giờ em mong sớm được đi làm lại cố gắng kiếm tiền xong về quê với gia đình. Em rất biết ơn các anh chị đã giúp đỡ chúng em trong lúc khó khăn nhất như thế này", Huy nói.
Chia sẻ với PV Dân Việt, chị Nguyễn Thị Ánh Phượng, chủ nhà giúp đỡ những lao động nghèo trên chỗ ăn ở chia sẻ, sau khi nắm được thông tin trên mạng xã hội, chị đã vô cùng đồng cảm. Chị tìm cách liên lạc với bạn bè cùng giúp đỡ những hoàn cảnh trên.
"Tôi sẽ xin phường làm tạm trú cho mọi người. Bên cạnh đó cam kết mọi người ở yên một chỗ, không được đi đâu ra khỏi khu vực để đảm bảo công tác phòng chống dịch. Bên cạnh đó, mọi người cũng sẽ không phải lo chỗ ở, ăn uống miễn phí", chị Phượng cho hay.