Chiều 15/8, UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành Quyết định kèm những nội dung liên quan đến việc triển khai xét nghiệm sàng lọc 70% cư dân Đồng Nai.
Theo kế hoạch, bắt đầu từ ngày mai 16/8 đến 31/8, tỉnh Đồng Nai thực hiện lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho khoảng 2,1 triệu dân trong toàn tỉnh. Mục tiêu là xét nghiệm cho 100% người dân tại vùng nguy cơ rất cao, nguy cơ cao; 100% đại diện hộ gia đình tại vùng nguy cơ và 20% đại diện hộ gia đình tại vùng bình thường.
Dự kiến sau 3 đợt sàng lọc tại cộng đồng sẽ có từ 9.000 -18.000 người được phát hiện mắc Covid-19. Để đảm bảo công tác thu dung, điều trị, việc quản lý các ca bệnh được quy định cụ thể:
Những trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 không có triệu chứng nếu có giá trị CT ≥ 30 thì cho về cách ly tại nhà.
Ở tầng 1 của tháp điều trị, những trường hợp F0 không triệu chứng được phân loại là "nguy cơ thấp" sẽ được theo dõi, cách ly ở các cơ sở cách ly do các huyện, thành phố quản lý. Nếu xuất hiện triệu chứng sẽ được sơ cấp cứu và chuyển đến các cơ sở điều trị Covid-19 của tỉnh trong vòng 12 giờ.
Tại các bệnh viện dã chiến do tỉnh quản lý sẽ tiếp nhận những F0 không triệu chứng nhưng phân loại "nguy cơ trung bình" trở lên và các trường hợp F0 có triệu chứng nhẹ. Riêng các trường hợp F0 không có triệu chứng đang điều trị, xét nghiệm RT-PCR vào ngày thứ 7, nếu kết quả xét nghiệm âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 thì cho phép xuất viện và cách ly theo dõi tại nhà.
Ở tầng 2 của tháp điều trị (gồm Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành, Bệnh viện Phổi, sắp có thêm Trung tâm Y tế huyện Xuân Lộc) sẽ tiếp nhận các trường hợp F0 của tầng 1 có triệu chứng lâm sàng và có nguy cơ tiến triển cao hơn hoặc được phân loại bệnh ở mức độ trung bình.
Ở tầng 3 của tháp điều trị (Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai) tiếp nhận các F0 ở tầng 2 có những diễn biến nặng cần phải hồi sức tích cực.
Nguyên tắc là các cơ sở cách ly, điều trị không nhận đối tượng của tầng khác trừ khi có chỉ đạo của cấp thẩm quyền; đảm bảo không để trường hợp nào tử vong ở tầng 1. Khi phải chuyển người nhiễm bệnh từ tầng dưới lên tầng trên phải đảm bảo đầy đủ thông tin hành chính, xét nghiệm, ngày lấy mẫu xét nghiệm khẳng định, các biện pháp hỗ trợ điều trị đã thực hiện.
Đối với những trường hợp F1 sẽ đưa vào cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung theo quy định. Riêng các địa phương có số F1 cao, cơ sở cách ly tập trung quá tải thì áp dụng cách ly F1 tại nhà cho những người đáp ứng đủ điều kiện.
Ninh Thuận đề nghị Đồng Nai để người dân ở lại, không về quê
Chiều 15/8, ông Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết trong 2.000 người Ninh Thuận từ Đồng Nai về quê tránh dịch vào ngày 31/7, có tới 400 người bị nhiễm Covid-19
Trước tình hình này, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có văn bản hỏa tốc gửi tỉnh Đồng Nai
đề nghị tạo điều kiện để công dân Ninh Thuận tiếp tục ở lại.
Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, cuối tháng 7 và đầu tháng 8, nhiều công dân Ninh Thuận làm việc ở xã Thạnh Phú, Vĩnh Cửu, Đồng Nai trở về địa phương. Trong số này có hơn 400 người đã trở thành F0, tạo sức ép rất lớn cho tỉnh về cơ sở cách ly, điều trị, nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao.
UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai quan tâm tuyên truyền, vận động người dân Ninh Thuận an tâm ở lại, chấp hành các quy định phòng chống dịch; có biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt và có biện pháp hỗ trợ cần thiết về đời sống, y tế cho người dân Ninh Thuận có hoàn cảnh khó khăn, ổn định cuộc sống theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để người dân an tâm "ai ở đâu, ở đó". Không để người dân Ninh Thuận di chuyển khỏi Đồng Nai về Ninh Thuận đến khi hết giãn cách.
Khi các địa phương hết giãn cách xã hội và Chính phủ có chủ trương, Ninh Thuận sẽ phối hợp với các địa phương triển khai kế hoạch đón người dân Ninh Thuận về một cách có tổ chức, an toàn, hiệu quả, không để dịch lây nhiễm ra cộng đồng.