Thuở bé tôi học loanh quanh gần nhà. Rồi đi sơ tán thi đại học, năm dự bị Đại học Ngoại ngữ trong nước thì sơ tán xuống tận gần Quán Gỏi, Mỹ Hào, Hưng Yên rồi sau đó đi nước ngoài.
"Chèm" đối với tôi khi đó là một nơi nghe đã thấy "xa xôi" tận đẩu tận đâu…
Sáng hôm sau, tôi dậy sớm. Cả hai cụ thân sinh ra anh kỹ sư trẻ cũng dậy sớm từ trước đó và cùng nói mấy lời động viên với "tinh thần chung" là rất vui vì "ông con giai út Tây học về" đã kết thúc chuỗi ngày "nằm nhà chờ đợi".
Cụ bà chuẩn bị cho cái ăn sáng. Ăn xong lập tức đạp xe lên Chèm để tìm đường đến công trình cầu Thăng Long. Ngày ấy, tháng 6/1980, đường lên Chèm sao mà xa thế! Lên đến Cầu Giấy đã xa, nhưng chưa được nửa đường.
Từ Cầu Giấy qua trường "Đỏ" (trường Đảng Nguyễn Ái Quốc sơn tường đỏ màu bã trầu), băng qua Bệnh viện E mới tới đầu làng Cổ Nhuế. Từ đây lên Chèm - Vẽ còn xa lắm.
Phải qua trường Nông Lâm (nay thuộc Đại học Mỏ - Địa chất), mới hết làng Cổ Nhuế.
Sao làng Cổ Nhuế nó dài thế, tới mười mấy xóm!
Thanh niên đang sức trẻ, đạp xe "cuốc" Sport "bay" lắm. Đạp cắm cổ, xe lao vun vút suýt lao vào một đoàn cả đàn ông lẫn đàn bà đang vẹo mông đạp xe thồ hai bên có hai sọt đầy…
Rồi làng Cổ Nhuế cũng qua, làng Thụy Phương bắt đầu và lối rẽ sang Chèm, Vẽ, Đông Ngạc đây rồi!
Xa xa nơi công trường xen lẫn các bãi cát đá là những khu nhà ray lợp fibroximăng lổn nhổn với cần cẩu các loại lô nhô.
Xe đạp xuống dốc cánh đồng để vào làng, gặp một ông già trông nho nhã lững thững lên dốc, cách mấy chục bước phía sau có người thanh niên đi theo. Ông già nhìn thấy tôi đạp xe đến gần hình như định nói gì, thì tôi thấy người thanh niên xua tay bảo tôi đạp xe đi. Tôi thấy hơi lạ nhưng đang mải nghĩ đến việc sắp tới của mình nên đạp xe đi chẳng suy nghĩ hay bận tâm gì cả.
(Sau này khi đã về cầu Thăng Long làm việc thì tôi cũng có lần nhìn thấy ông già này và hỏi mấy người ở làm việc ở cầu đã lâu thì họ bảo đấy là một ông chính khách chế độ cũ miền Nam, đã từng ra tranh cử Tổng thống Việt Nam Cộng hoà với các ông Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ năm 1967. Sau năm 1975 thì ông ta bị chính quyền cách mạng đưa đi học tập, cải tạo. Nhưng vì có "dây mơ dễ má" gì đấy với một ông cán bộ khá to quê Đông Ngạc nên được "bảo lãnh" về quê Đông Ngạc quản chế. Ấy là được nghe họ nói như thế. Không biết thực hư thế nào).
Hỏi đường vào Cơ quan Xí nghiệp Liên hợp cầu Thăng Long. Khu nhà nằm sát gần ngoài đường đê khá rộng và ra hàng ra lối. Cảm giác cũng đỡ thất vọng.
Tìm vào Phòng Tổ chức nhân sự.
Trong lúc chờ đợi, ngắm phòng làm việc thấy giấy tờ nhiều thế! Các cặp ba dây chất đầy dưới gầm tủ, nóc tủ, sau cánh cửa và bám đầy bụi.
Mấy anh cán bộ của Phòng tổ chức ai cũng gầy, chẳng thấy ai có má, ăn mặc tuềnh toàng. Tôi "soi" lại mình, tuy đã về nước gần một năm, nhưng "trộm vía" còn "được" lắm. Vẫn trắng trẻo, đầy đặn, quần áo vẫn còn phẳng phiu. Tôi cũng cảm thấy hơi "ái ngại" sợ mình lạc lõng…
Rồi có người ra tiếp. Anh L. trưởng phòng. Anh người miền Trung, đậm người, nói giọng hơi nặng.
Anh Trưởng phòng nói đã nhận được hồ sơ của tôi từ Vụ Tổ chức cán bộ Bộ giao thông chuyển về (hồi ấy hồ sơ cán bộ quan trọng "kinh khủng" lắm! Cá nhân không được cầm, mà tổ chức chuyển theo đường riêng của họ).
Họ đã nghiên cứu và hỏi nguyện vọng tôi muốn về phòng nào của Xí nghiệp Liên hợp cầu Thăng Long.
Tôi không hiểu là họ hỏi thật hay hỏi cho lấy lệ, nhưng thái độ và cách nói chuyện của anh Trưởng phòng tôi thấy khá dễ chịu, thoải mái (nó hoàn toàn khác với một anh chàng chuyên viên và sau này là trưởng phòng sau khi anh L. chuyển đi đơn vị khác).
Họ nói với ngành học của tôi, lại là Đại học chứ không phải Cao đẳng hay học nghề, tiếng Nga chắc giỏi, rồi phong cách nhanh nhẹn như tôi thì về Phòng Chuyên gia thì hợp hơn là về các bộ phận kỹ thuật.
Anh Trưởng phòng tổ chức cũng nói là nếu về Phòng chuyên gia, thì tôi không chỉ là phiên dịch đơn thuần vì tôi có chuyên môn về kỹ thuật (tôi là kỹ sư máy xây dựng), sẽ giúp các anh em Việt Nam được nhiều hơn.
Nghe anh Trưởng phòng tổ chức nói thế tôi cũng thấy phải. Hơn nữa "hơi của Tây" vẫn còn nơi tôi khá "đậm" nên tôi đồng ý về làm việc tại Phòng Chuyên gia và bảo các anh ở Phòng tổ chức làm quyết định phân tôi về đó.
Anh Trưởng phòng đồng ý, nói sẽ làm quyết định và tôi sẽ chính thức đi làm sau 2 tuần nữa, từ ngày 01/7/1980.
Tôi nhớ hôm đó là ngày 15/6/1980 thì phải.
Tôi chia tay ra về và chuẩn bị cho một trang mới của cuộc đời.
Có biết đâu rằng không phải mọi thứ suôn sẻ như thế.
Những trục trặc sẽ xuất hiện sau 2 tuần nữa khi tôi chính thức đi làm.
Kỳ sau kể tiếp chuyện "Hà Nội nhưng là … Đông Anh"
Theo Tiến sĩ Bùi Xuân Đính: Chèm là từ Việt cổ, gốc là ''T"lem'', sau phiên ra âm Hán - Việt là Từ Liêm. Theo bài Minh trên quả chuông đúc năm 948 ở Đông Ngạc thì xa xưa, có một thôn Thượng Từ Liêm tức làng Chèm, và thôn Hạ Từ Liêm gồm hai làng Đông Ngạc và Nhật Tảo. Theo các bậc cao niên trong làng, xưa kia, làng còn có tên chữ là Thụy Điềm (một kiểu phát âm khác của ''T' lem''), sau đổi thành Thụy Hương, rồi lại đổi thành Thụy Phương. Như vậy, tên làng Chèm đã được Hán - Việt hóa để đặt cho tên cho huyện Từ Liêm được lập năm 621.
Làng Chèm là quê của Lý Ông Trọng, tên thật là Lý Thân, nhân vật có dáng vóc khổng lồ, sức khỏe phi thường, nổi tiếng cả ba nước: Việt Nam, Trung Quốc và Hung Nô thế kỷ thứ III tr. CN. Theo lưu truyền dân gian, ông từng giúp An Dương Vuơng đánh thắng quân xâm lược Tần, sau đó được sang sứ nhà Tần. Sang đến nơi, đúng lúc nước Tần bị quân Hung Nô xâm lược, không thể địch nổi, Lý Ông Trọng lại giúp Tần đánh thắng Hung Nô.
(Còn nữa)