VN-Index giảm điểm ngay giờ mở cửa do áp lực từ nhóm vốn hóa lớn. Chỉ số chìm trong sắc đỏ suốt phiên, nhóm VN30 ngày càng giảm sâu. Sắc đỏ lan rộng khắp toàn thị trường, chỉ số không có bất kỳ nhịp hồi nào, lực bán mạnh càng khiến nhà đầu tư lo lắng.
Bước sang đầu phiên chiều, thông tin TP.HCM sẽ siết chặt việc đi lại nhằm quyết liệt chống dịch Covid-19 trong 2 tuần (từ 23/8) đã khiến thị trường chứng khoán chao đảo, chỉ số VN-Index có lúc giảm mất gần 58 điểm ngay trước phiên ATC, toàn bộ nhóm VN30 giảm giá, nhà đầu tư bất chấp đua lệnh bán. Tuy nhiên, trước khi bước vào phiên ATC, lực cầu bắt đáy xuất hiện, đưa chỉ số từ chỗ mất 57 điểm, về chỗ giảm khoảng 40 điểm. Phiên ATC không như mong đợi về nhịp hồi của chỉ số, VN-Index đóng cửa mất 45 điểm, giảm còn 1.329 điểm.
VIC là mã ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số, lấy đi gần 6 điểm sau phiên bứt tốc trong nháy mắt, kéo VN30-Index vượt 1.500 điểm ngày đáo hạn phái sinh. Kết phiên, VIC giảm 6,1% xuống 97.700 đồng/ cổ phiếu. Sau VIC, lần lượt, VCB, GVR, VHM, TCB, HPG, BID, CTG, GAS, VNM là những mã ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số, kéo VN-Index giảm gần 20 điểm.
Toàn bộ nhóm VN30 giảm giá. SSI từng là mã duy nhất trụ vững được sắc xanh đầu phiên chiều, nhưng cũng không thể bảo vệ thành quả, đóng cửa giảm nhẹ 0,3%.
Cũng như nhóm VN30, cổ phiếu ngân hàng toàn bộ 27 mã giảm giá. Giảm sâu nhất là LPB 5,9%; MSB, STB, ABB đều giảm 5,5 – 5,6%.
Nhóm bất động sản chịu điều chỉnh chung, khi DRH giảm sàn, GXG, DIG, TDH xuống sát giá sàn. IJC, KDH, LHG, TDC, IDI, SZC giảm trên dưới 5%. Toàn bộ cổ phiếu "họ" Vingroup giảm giá. Hiếm hoi một số penny như KHP, ITA, HAR giữ sắc xanh.
Nhóm ngành thép có POM giảm sàn, NKG giảm 5,6%, HSG giảm 4,2%, HPG giảm 3,7%. Cổ phiếu xăng dầu giảm giá diện rộng, biên độ thấp nhất từ -3%.
Tuy nhiên, trong phiên thị trường giảm sâu hôm nay, thì vẫn có một số cổ phiếu ngược dòng, ở các nhóm chứng khoán, phân bón, cảng biển, mía đường. Đáng chú ý, cổ phiếu dược vẫn bền bỉ tăng giá bất chấp thị trường đỏ lửa.
Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số VN-Index còn 1.329,43 điểm, giảm 45,42 điểm (3,3%). Trong khi đó, VN30 giảm đến 54,56 điểm, còn 1.450 điểm; HNX- Index giảm 8,01 điểm, còn 338,06 điểm; UpCom- Index giảm 2,23 điểm, còn 92,48 điểm.
Thanh khoản thị trường tăng vọt so với phiên trước đó và đạt mức kỷ lục mới, với giá trị khớp lệnh đạt 46.263 tỷ đồng, tăng 66,7% so với phiên trước. Trong đó, HOSE là 36.807 tỷ đồng (tăng 68%), HNX là 6.337 tỷ đồng, UPCoM-Index đạt 3.119 tỷ đồng.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng gần 675 tỷ đồng trong phiên hôm nay, bán mạnh HPG, VJC, VIC, CTG… Ở chiều ngược lại, nhóm này mua ròng SSI, VND, DGC, VHM.
Nhận định về phiên giao dịch hôm nay, các chuyên gia chứng khoán cho rằng đây là một phiên "wash out" - thuật ngữ thể hiện trạng thái giao dịch hoảng loạn của nhà đầu tư. Tuy nhiên, khi lượng cung tiền mua mạnh thì thị trường sẽ hồi trở lại và đi ngang một thời gian, tích lũy để có thể bước sang giai đoạn tăng điểm mới.
Ông Trương Hiền Phương, giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam, nhận định, TTCK hôm nay có phiên hoảng loạn của nhà đầu tư trước thông tin TP.HCM sẽ "siết" nghiêm việc ra đường của người dân, thậm chí việc cung ứng thực phẩm cho người dân cũng sẽ do quân đội làm, người dân "đang ở đâu thì ở yên đó" trong 2 tuần… Tuy nhiên, nhìn vào giao dịch của thị trường, vẫn có 2 xu hướng: Thứ nhất là nhà đầu tư hoảng loạn, bán tháo và thứ 2 là đội ngũ nhà đầu tư chuyên nghiệp, "tay to" bắt đáy mua vào.
"Thời gian gần đây các phiên giảm sâu và mạnh này diễn ra nhiều một chút là do thông tin dịch bệnh phức tạp, nhưng thực tế nhìn vào lịch sử giao dịch của TTCK Việt Nam thì những phiên giao dịch thế này không nhiều, một vài tháng mới có. Cho nên những nhà đầu tư kỳ cựu thường tận dụng những cơ hội này để mua vào. Và kết phiên hôm nay, dù thị trường giảm sâu nhưng các mã cổ phiếu không nằm sàn la liệt như những phiên giảm sâu trước đó", ông Phương dẫn chứng.
Cũng theo ông Trương Hiền Phương, trong phiên giao dịch hôm nay, thị trường giảm điểm sâu, nhưng có sự hồi phục về cuối phiên. Điều đó cho thấy thị trường phản ứng hoảng loạn là có, nhưng vẫn có những nhà đầu tư mạnh dạn mua vào. Lực đỡ từ những nhà đầu tư lớn, chuyên nghiệp đã kéo thị trường hồi lại hơn 10 điểm về cuối phiên đã chứng minh điều đó, khi thị trường từ mức giảm gần 57 điểm về mức 45 điểm cuối phiên.
Về phiên giao dịch sắp tới, giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam nhận định, có thể phiên giao dịch đầu tuần tới sẽ tiếp tục rung lắc, rồi có cả những đợt bán giải chấp tuy không nhiều. Tuy nhiên, thị trường sẽ dần hồi phục và bước vào giai đoạn tăng điểm mới.
"Cá nhân tôi thì thiên về khả năng thị trường sẽ hồi lại hơn là thị trường sẽ giảm sâu hơn. Nguyên nhân là vì yếu tố dòng tiền cung cầu khá rõ ràng, dòng tiền mạnh của bên mua cũng đổ vào thị trường liên tục; chưa kể với thâm niên lâu năm trong ngành chứng khoán, tôi chưa thấy dấu hiệu nhà đầu tư lớn bán tháo hay cố tình bán để định hướng thị trường, bằng chứng là số lượng cổ phiếu nằm sàn phiên hôm nay là rất ít", ông Phương nhận định.