Dân Việt

Vụ giải cứu 24 cá thể hổ: 14 tổ chức bảo tồn Việt Nam và Quốc tế gửi thư ngỏ đến các cơ quan TƯ

Lam Anh - Văn Hoàng 22/08/2021 07:56 GMT+7
Liên quan đến vụ giải cứu 24 cá thể hổ, 14 tổ chức bảo tồn Việt Nam và Quốc tế đã gửi Thư ngỏ lên các Bộ trưởng và các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương đề xuất các biện pháp bảo vệ động vật hoang dã.

Hành trình điều tra của nhóm phóng viên Dân Việt

Các tổ chức đề nghị và bày tỏ sự sẵn lòng hỗ trợ, hợp tác và đồng hành trong việc chung tay tăng cường rà soát, kiểm tra và xử lý các hành vi nuôi, nhốt, tàng trữ, buôn bán trái pháp luật các loài động vật hoang dã (ĐVHD).

Theo các tổ chức đã ký thư ngỏ, liên tiếp những ngày đầu tháng 4/2021, Công an tỉnh Nghệ An đã tiến hành phá 3 vụ án liên quan đến ĐVHD, tang vật thu giữ là 24 cá thể hổ và 4 cá thể tê tê.

Các nỗ lực hiệu quả đó khẳng định quyết tâm của cả hệ thống chính trị và của các địa phương trong việc thực hiện nghiêm các các quy định của quốc gia, các cam kết và điều ước quốc tế về bảo vệ động vật hoang dã mà Việt Nam tham gia.

Tăng cường rà soát, kiểm tra và xử lý các hành vi nuôi nhốt, tàng trữ trái pháp luật các loài ĐVHD - Ảnh 2.

Nhìn những hình ảnh rùng rợn này, chúng tôi rất cân nhắc khi đăng lên báo. Nhưng sự thật vẫn cần phải nói, cho một xã hội tốt đẹp hơn. Những kẻ tàn sát linh trưởng, không chỉ vi phạm luật pháp mà còn thể hiện một sự tàn nhẫn đến... sững sờ". Ảnh: KLH

Như Dân Việt đã thông tin, sau khoảng một năm điều tra khu vực nuôi nhốt hổ trái phép tại xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An (và nhiều vùng khác nữa), cuối tháng 4/2021 nhóm phóng viên đã liên hệ với Ban giám đốc Công an tỉnh Nghệ An và làm việc trực tiếp với Phòng Cảnh sát Môi trường để cung cấp thông tin, hình ảnh tố cáo.

Sau một thời gian điều tra, ngày 4/8/2021 lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An đã tiến hành kiểm tra, thu giữ 17 cá thể hổ trưởng thành tại hai hộ dân ở xã Đô Thành.

Trước đó, ngày 1/8/2021 lực lượng chức năng cũng thu giữ 7 cá thể hổ bị vận chuyển trái phép trên địa bàn huyện Diễn Châu.

Cùng ngày, cũng theo phản ánh của nhóm phóng viên trước đó, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Nghệ An cũng bắt đối tượng Cao Xuân Hùng, ở xã Diễn Lâm với tang vật là 4 cá thể tê tê có trọng lượng 21kg.

Và hơn cả là việc thực hiện đúng và nghiêm túc Chỉ thị số 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 23/7/2020 về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã.

Được biết, Chỉ thị số 29/CT-TTg đã nêu rõ: "Kiên quyết loại bỏ các khu chợ, tụ điểm mua bán động vật hoang dã trái pháp luật. Kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo, xâm hại động vật hoang dã trái pháp luật".

Đặc biệt, Thủ tướng đã giao trách nhiệm quản lý hoạt động nuôi, nhốt, tàng trữ động vật hoang dã trái phép cụ thể cho từng bộ, ngành và địa phương. Hoạt động săn bắn, nuôi nhốt và buôn bán bất hợp pháp các loài hoang dã thực sự là những mối đe doạ, đẩy nhiều loài đến bờ vực tuyệt chủng, gồm cả những loài đặc hữu, loài nguy cấp được pháp luật Việt Nam cũng như quốc tế bảo vệ nghiêm ngặt.

Việc này cũng khiến tính đa dạng loài và nguồn gen tại Việt Nam bị suy thoái một cách nghiêm trọng. Ngoài ra, nạn buôn lậu xuyên biên giới và nuôi nhốt ĐVHD trái pháp luật là một trong những nguyên nhân làm gia tăng các nguy cơ về dịch bệnh và gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của cộng đồng cũng cần phải được nghiêm trị.

Tăng cường rà soát, kiểm tra và xử lý các hành vi nuôi nhốt, tàng trữ trái pháp luật các loài ĐVHD - Ảnh 4.

Thú rừng được buôn bán công khai tại một số điểm dọc đường mòn Hồ Chí Minh qua địa phận tỉnh Kon Tum. Ảnh: Lam Anh

Do đó, việc các cá nhân và tổ chức ngang nhiên nuôi, giữ và buôn bán trái pháp luật các loài động vật hoang dã ở các địa phương như hiện nay là một hành động thách thức pháp luật, gây ra các rủi ro cho sức khỏe của cộng đồng, đặc biệt trong bối cảnh mà nguy cơ dịch bệnh truyền từ động vật sang người ngày càng khốc liệt, trở thành các vấn đề toàn cầu, ảnh hưởng đến chính trị, kinh tế, xã hội và an ninh quốc gia.

Chính vì thế, để bảo tồn các loài động vật được pháp luật bảo vệ và quan trọng hơn cả là đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, rất cần có các nỗ lực và hành động mạnh mẽ, kiên quyết, đồng bộ và hiệu quả hơn từ các bộ và các địa phương. 

Chỉ có như vậy mới ngăn chặn được sự suy thoái đa dạng sinh học và nguy cơ tuyệt chủng của các loài hoang dã cũng như nắm được quyền kiểm soát nguy cơ và sự bùng phát của các dịch bệnh truyền từ động vật sang con người.

Trên có sở đó, chúng tôi kêu gọi và thúc giục sự vào cuộc mạnh mẽ của các ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đặc biệt là Bộ Công an, Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT bày tỏ sự ủng hộ và cam kết đồng hành với các bộ và tỉnh, thành phố trong việc thực thi các nỗ lực đó.

14 tổ chức cùng ký vào thư ngỏ đề xuất:

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Hướng dẫn các đơn vị chức năng và các địa phương tiến hành ngay việc rà soát, thanh tra, kiểm tra, giám sát tất cả các cơ sở hoạt động gây nuôi động vật hoang dã;

Hoàn thiện cơ sở dữ liệu các cơ sở nuôi sinh sản, sinh trưởng vì mục đích thương mại và công khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ NN&PTNT và các đơn vị địa phương để toàn xã hội theo dõi, giám sát.

Tăng cường phối hợp với các địa phương tiến hành đánh dấu mẫu vật và kiểm tra việc đánh dấu theo Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT. Ưu tiên đánh dấu bằng gắn chip điện tử và DNA cho các mẫu vật, đặc biệt là các mẫu vật là loài thú nguy cấp, được pháp luật Việt Nam và quốc tế bảo vệ.

Xây dựng và ban hành các hướng dẫn kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật trong cứu hộ ĐVHD hay đánh dấu mẫu vật để hướng dẫn cho lực lượng chức năng trong quá trình hoạt động bắt giữ, gây mê, quản lý các cá thể, các bộ phận ĐVHD được tịch thu từ buôn bán, vận chuyển, nuôi nhốt trái phép.

Lập danh sách các cơ sở có điều kiện tiếp nhận để chăm sóc, quản lý động vật sống và bộ phận, chế phẩm từ ĐVHD theo Thông tư 29/2019/TT-BNNPTNT để các lực lượng chức năng chủ động liên hệ tìm hỗ trợ, gửi trông coi, chăm sóc tạm thời trong thời gian chờ quyết định xử lý hoặc chuyển giao sau xử lý.

Phối hợp với các địa phương, với các lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ ĐVHD; vận động các tổ chức, cá nhân tự giác giao nộp ĐVHD quý, hiếm cho cơ quan chức năng

Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực, phân bổ kinh phí hoạt động cho các trung tâm cứu hộ trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp thực hiện nhiệm vụ cứu hộ và chăm sóc động vật.

Bộ Công an: Hướng dẫn các Cục nghiệp vụ và công an các địa phương tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép ĐVHD.

Tập trung khai thác, điều tra mở rộng, làm rõ hoạt động của cá nhân, tổ chức liên quan, đặc biệt triệt phá các đường dây buôn bán trái phép ĐVHD có tổ chức, xuyên quốc gia đưa về các trang trại, cá nhân nuôi, nhốt trái phép.

Hướng dẫn các Cục nghiệp vụ và công an các địa phương lập hồ sơ, quản lý các đối tượng nghi vấn nuôi, nhốt, mua bán ĐVHD trên địa bàn quản lý. Tuyệt đối không để tình trạng nuôi, nhốt trái phép ĐVHD với số lượng lớn mà cơ quan chức năng không phát hiện, xử lý. Kiên quyết xóa bỏ các tụ điểm có dấu hiệu nuôi, nhốt trái phép ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm.

Chỉ đạo công an các địa phương phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các lực lượng chức năng trên địa bàn trong quá trình kiểm tra, xử lý các đối tượng vi phạm. Phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân về bảo vệ ĐVHD và nâng cao ý thức tố giác tội phạm.

Đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường: Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công an và các địa phương rà soát hoạt động các cơ sở nuôi, trồng loài ĐVHD nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Quản lý chặt chẽ việc cấp phép và giám sát các cơ sở được cấp phép, hoàn thiện cơ sở dữ liệu các cơ sở được cấp phép để công khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ TN&MT và ở địa phương để đảm bảo tính minh bạch.

Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương: Tổ chức rà soát, thanh tra, kiểm tra toàn diện các hoạt động nuôi, nhốt, mua bán ĐVHD trên địa bàn, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm.

Lập cơ sở dữ liệu về các cơ sở nuôi ĐVHD, thực hiện việc đánh dấu mẫu vật cho động vật nuôi và hoàn thiện mã số và hồ sơ nuôi của từng cơ sở.

Công bố danh sách và các cơ sở nuôi cũng như quy trình giám sát các cơ sở nuôi trên cổng thông tin điện tử của địa phương nhằm đảm bảo tính minh bạch.

Tổng kết và công bố báo cáo hàng năm về kết quả công tác rà soát, kiểm tra và bắt giữ xử lý các vị phạm về ĐVHD ở địa phương.

Xây dựng các kế hoạch, hướng dẫn kỹ thuật cho việc chăm sóc, quản lý, chuyển giao các động vật và bộ phận của động vật thu giữ trong quá trình kiểm tra, xử lý nhằm đảm bảo công tác bắt giữ, tịch thu và chăm sóc động vật được thực hiện theo theo đúng quy định và đảm bao tính nhân đạo, an toàn cho động vật và người tham gia.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về quy định của pháp luật về bảo vệ ĐVHD và các rủi ro bệnh dịch từ động vật lây qua người.

Về phía các tổ chức tham gia ký thư ngỏ cam kết sẽ đồng hành và hỗ trợ kỹ thuật, tham gia tích cực để hỗ trợ các Bộ và địa phương nghiên cứu, và xây dựng các sáng kiến nhằn nâng cao các nỗ lực quản lý, và đặc biệt là hỗ trợ các lực lượng chức năng trong công tác rà soát, kiểm tra, chăm sóc và quản lý động vật sống, bộ phận của động vật của các vụ vi phạm về nuôi, nhốt, tàng trữ, buôn bán ĐVHD trái phép.

Đồng thời, chúng tôi sẽ vận động và phối hợp với các trung tâm cứu hộ, các cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, các vườn thú nhằm đưa ra các giải pháp tối ưu, các hỗ trợ thiết thực nhất cho các bộ, các tỉnh, các cơ quan thực thi pháp luật để cứu hộ và chăm sóc cho các cá thể động vật được tịch thu một cách tốt nhất, và nhân đạo nhất.

Cuối cùng, các tổ chức kỳ vọng và tin tưởng rằng việc các Bộ và tỉnh, thành phố quyết tâm và có các hành động quyết liệt nêu trên để cứu được các loài ĐVHD trước nguy cơ bị tận diệt và tuyệt chủng; đảm bảo được tính nghiêm minh của pháp luật; đảm bảo việc Việt Nam thực hiện tốt và nghiêm túc các cam kết quốc tế; và đảm bảo sự an toàn của cộng đồng trước các nguy cơ của dịch bệnh truyền từ động vật sang người trong tương lai.