Theo đó, để tự thực hiện xét nghiệm tại nhà, cần phải mua được bộ test (kit test) đạt chuẩn, do Bộ Y tế cấp phép, lưu hành. Nếu mua phải hàng nhái, kém chất lượng thì sẽ có kết quả dương tính giả hoặc âm tính giả.
Nếu test nhanh có kết quả dương tính, người dân cần bình tĩnh và cách ly với người thân tại nơi riêng biệt, tránh tiếp xúc với những người xung quanh, sau đó thông báo cho nhân viên y tế địa phương để được hướng dẫn.
Người có kết quả âm tính cũng không được chủ quan, bởi độ nhạy và độ đặc hiệu của test nhanh không chính xác bằng xét nghiệm RT-PCR. Do đó, cần phải theo dõi thêm những triệu chứng khác, đặc biệt vẫn thực hiện nghiêm quy định 5K để bảo đảm an toàn.
Sau khi lấy mẫu test nhanh Covid-19 tại nhà, dù âm tính hay dương tính cũng cần phải đóng gói bộ kit test đã sử dụng bằng 2 lớp ni lông màu vàng (đây là màu tượng trưng cho bao rác y tế) và dán giấy ghi chú là rác thải Covid-19. Tuyệt đối không để chung với rác thải sinh hoạt hàng ngày để tránh lây nhiễm.
Trong ngày 22/8, Phó Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng cũng đã có văn bản khẩn về việc hướng dẫn chăm sóc y tế trên địa bàn phường, xã, thị trấn trong thời gian giãn cách xã hội.
Theo đó, TP lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng nhưng phải đảm bảo yêu cầu giãn cách trong quá trình thực hiện. Các đội xét nghiệm của quận, huyện và TP.Thủ Đức sẽ thực hiện lấy mẫu tại các địa bàn phường, xã, thị trấn.
Ngay khi có kết quả xét nghiệm, trung tâm y tế quận, huyện phải thông báo kết quả ngay cho ban chỉ đạo phòng chống dịch phường, xã, thị trấn danh sách các F0 để phân công các trạm y tế lập danh sách F0 cần được quản lý và chăm sóc sức khỏe.
Khi có danh sách F0, trạm y tế cùng tổ Covid-19 cộng đồng bổ sung địa chỉ nhà và số điện thoại của từng trường hợp F0. Sau đó, nhân viên y tế đến nhà F0 để thăm khám và cung cấp gói thuốc điều trị, cho F0 uống ngay liều thuốc kháng virus SARS-CoV-2 và uống liều thuốc kháng đông, kháng viêm nếu có chỉ định.
Đồng thời sàng lọc đủ điều kiện cách ly tại nhà hay không, nếu không đủ thì cách ly tập trung tại các cơ sở cách ly của phường, xã hoặc quận, huyện.
Tùy theo số F0 quản lý trên mỗi quận, huyện và TP.Thủ Đức, dự kiến mỗi trạm y tế lưu động quản lý và chăm sóc từ 50 đến 100 ca F0. Theo kế hoạch, có khoảng 400 trạm y tế lưu động sẽ được thành lập và đi vào hoạt động trước ngày 24/8.
Tổ phản ứng nhanh tại các phường xã có nhiệm vụ cho người bệnh thở oxy tại nhà, sử dụng thuốc kháng đông, kháng viêm dạng uống trong khi chờ chuyển đến cơ sở điều trị.
Đối với người bệnh có triệu chứng nhẹ, không cần can thiệp cấp cứu thì đưa người bệnh về cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung F0 trên địa bàn phường, xã, thị trấn hoặc quận, huyện.
Đối với người bệnh cần can thiệp cấp cứu thì thực hiện sơ cấp cứu ban đầu tại trạm y tế lưu động, sau đó chuyển về bệnh viện quận, huyện hoặc bệnh viện gần nhất trên địa bàn để tiếp tục xử trí.
Trường hợp người dân gặp các tình huống khẩn cấp tại nhà cần được cấp cứu, liên hệ tổng đài 115 để được hỗ trợ.
Theo quy định của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch TP, UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức sẽ cung cấp số điện thoại đường dây nóng để hỗ trợ người dân khi có trường hợp F0 hay nghi ngờ F0 tử vong tại nhà.
Trong trường hợp này, người dân liên hệ UBND phường, xã để được hỗ trợ gọi đường dây nóng cho lực lượng chức năng được phân công nhiệm vụ đến nhà xử lý.