Dân Việt

Từ vụ việc giải cứu hổ: Bà Tôn Nữ Thị Ninh nói về vai trò của báo chí điều tra với cộng đồng!

Lam Anh – Chiên Hoàng 25/08/2021 12:02 GMT+7
Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, nguyên Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu và tại Bỉ đã trả lời phỏng vấn Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt xung quanh các vấn đề nóng mà phóng sự điều tra gần 50 tin, bài, video của chúng tôi đã đặt ra.

Hóa kiếp đủ loại "hàng trong sách đỏ". Video: Dân Việt.

Không thể văn minh và nhân văn được nếu còn tình trạng bắt, giết ĐVHD

Thưa bà Tôn Nữ Thị Ninh! Lâu nay, ở nước ta diễn ra một thực trạng đau lòng về tàn sát thú rừng trên diện rộng. Người dân đi săn, đi buôn thú rừng rồi bị bắt và đi ở tù không phải là ít. Có những "làng nuôi hổ" như ở Nghệ An, công an ập vào, có nhà nuôi 14 con hổ, mỗi con 2-3 tạ. Rồi họ bị bắt giam… Là một trí thức có ảnh hưởng quan trọng đến cộng đồng, bà nghĩ gì trước những điều đó?

Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Trái Đất, bầu trời và muôn loài thú là tài sản và trách nhiệm giữ gìn chung của nhân loại, mỗi nước, mỗi cộng đồng và mỗi con người.

Thứ hai, theo Sách Đỏ của IUCN (Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế) đã thống kê: có 5 loài ĐVHD đang sát bờ tuyệt chủng trên toàn cầu; thì cả 5 loài ấy đều đã từng có mặt và đang có mặt ở Việt Nam, bao gồm: tê giác một sừng Java (đã được ghi nhận tuyệt chủng ở Việt Nam từ năm 2010), hổ Đông Dương, voi châu Á, sao la và sếu đầu đỏ (hiện đang bị đe dọa suy giảm quần thể nghiêm trọng).

Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên PCN UB Đối ngoại của Quốc hội: Báo chí điều tra phải trúng, dũng cảm và đa chiều - Ảnh 2.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó chủ nhiệm UB Đối ngoại của Quốc hội. Ảnh: NVCC

Chúng ta phải gìn giữ đa dạng sinh học, coi đó như là vốn quý của Việt Nam. Đây là một mục tiêu và sự nghiệp không dễ dàng do luồng buôn lậu, buôn trái phép ĐVHD là luồng lớn thứ tư trên thế giới (lớn nhất là vũ khí, thứ hai là ma túy, ba là buôn người). 

Cho nên một khi đã là mạng lưới buôn lậu quốc tế, để tháo gỡ, đẩy lùi, đấu tranh, cần có tổ chức, bài bản và phải quyết tâm, bền bỉ, không thể một sớm một chiều.

Sở dĩ chúng ta cần quan tâm đến vấn đề này vì trong lúc Việt Nam đang vươn lên thì chúng ta lại có một "vinh hạnh buồn", cùng với Philipines, là nước đứng thứ ba thế giới về khối lượng chất thải plastic. Quả thật, chúng ta "bị" coi như một "điểm nóng" về săn giết, tiêu thụ và buôn lậu ĐVHD.

Tôi muốn nhấn mạnh ở đây là: chúng ta không thể văn minh và nhân văn được nếu còn tồn tại tình trạng đó. Cần giáo dục đầy đủ cho trẻ em kể cả người lớn ở Việt Nam hiểu giá trị đa dạng sinh học là vốn quý, cần gìn giữ qua các thế hệ người Việt Nam.

Xử lý cả cán bộ "tiêu cực"; nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học

Cả cộng đồng quốc tế cùng bảo vệ thiên nhiên hoang dã, chống biến đổi khí hậu, Công ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Luật pháp Việt Nam đã có quy định và chế tài rất đầy đủ về vấn đề trên. Song, sự thật vẫn diễn ra như mấy chục bài viết của chúng tôi đã điều tra, thể hiện vừa qua. Xin hỏi bà, cái "chưa hiệu quả" của chúng ta nằm ở đâu và cần làm gì để khắc phục điều đó?

Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Thứ nhất, chúng ta đã có Chỉ thị 29 của Thủ tướng, cùng một số công cụ pháp lý, nay có thể phải xem xét lại để siết thêm nữa.

Tuy nhiên, quan trọng hơn cả, theo tôi, trước hết phải áp dụng pháp luật một cách chặt chẽ, nghiêm minh, triệt để. Phải tránh tiêu cực và tham nhũng. Khi phạt, phải phạt cả kẻ săn bắt và nhân lực chuyên trách tiêu cực. 

Tương tự như việc bảo vệ rừng, phải phạt kiểm lâm tiêu cực, làm sao để có thể truy vấn trách nhiệm của họ một cách minh bạch, cũng như chúng ta nghiêm khắc xử lý những kẻ chặt phá rừng vậy.

Song song với điều đó, nên thưởng cán bộ bắt thành công kẻ phạm tội, những người, như nhóm Phóng viên Điều tra của Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt, các nhà báo đã dũng cảm phanh phui, góp phần đưa ra công luận các vụ việc như ở Nghệ An vừa qua. Cần ghi nhận và thưởng đúng mức về mặt tinh thần và cả về vật chất.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên PCN UB Đối ngoại của Quốc hội: Báo chí điều tra phải trúng, dũng cảm và đa chiều - Ảnh 3.

Sọ khỉ do một đối tượng ở tỉnh Kon Tum thu mua để nấu cao rồi gắn biển quảng cáo bán cao khỉ công khai ven quốc lộ. Ảnh: Dân Việt.

Bên cạnh đó, cần thông tin cho cộng đồng và xây dựng, nâng cao nhận thức cộng đồng. Hiện giờ, công luận còn hơi coi nhẹ vấn đề hoặc chưa chú tâm. Cụ thể, môn giáo dục công dân, khi nói về bảo vệ môi trường, từ cấp tiểu học cần đưa khái niệm môi sinh và đa dạng sinh học, từ đó mới giải thích được tại sao không được tiêu thụ ngà voi, cao hổ, sừng tê giác v.v…

Tiếp theo là nên khuyến khích sách, tranh, phim hoạt hình để nó đi thẳng vào nhận thức của trẻ em, như tôi thấy chương trình "Vì Tầm Vóc Việt" hướng về trẻ em, cha mẹ thì cũng cần chương trình tương tự về đa dạng sinh học.

Cần song hành "xây", "chống" và "thắp lửa" cho tình yêu thiên nhiên

Được biết, bà có nhiều trăn trở và từng tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa liên quan đến các vấn đề môi trường, bảo vệ rừng, bảo vệ muông thú. Bà có lời khuyên hay chia sẻ gì với người dân, với cơ quan chức năng trong lĩnh vực này, để không gian sống của Việt Nam ngày càng tốt hơn?

Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Như tôi đã nói, cần bổ sung mảng đa dạng sinh học, bảo tồn ĐVHD vào giáo dục phổ thông, truyền thông đại chúng. Tôi thấy là giải VIEWS của tổ chức CHANGE (Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trườn và Phát triển) rất tốt, nên tiếp tục phát huy (Tòa soạn: Trong giải thưởng này, ở kỳ trao mới nhất diễn ra vào năm 2021, nhóm PV Dân Việt đoạt giải Nhất với loạt phóng sự điều tra dài kỳ "Xâm nhập các đường dây buôn hổ xuyên quốc gia").

Trong mọi việc, cần có chống và có xây. Các nhà báo của Dân Việt tham gia vào vụ tố cáo các đường dây buôn bán ĐVHD rồi hỗ trợ thông tin để công an phá án ở Nghệ An như vừa qua (với các kỉ lục chưa từng có) là đang đi vào công tác "chống", nhưng cần đồng thời phải "xây". Xây nhận thức, thái độ, chính sách, hành động.

Thứ nữa là, có thể kêu gọi tình nguyện viên tham gia ở vế "xây". Tình nguyện viên tham gia quảng bá vẻ đẹp quý báu của hệ sinh thái, sinh vật của Việt Nam. Đồng thời, phải chủ động đi đầu trong công tác bảo tồn. Việt Nam phải chủ động đi đầu trong lĩnh vực này, đừng để quốc tế "thúc" và lên tiếng thì mới lên kế hoạch.

WWF kết nối với CHANGE khá tốt nhưng làm thế nào để Việt Nam thấy được cái này là quan trọng để tự chủ động lên kế hoạch, xây dựng và mời quốc tế góp sức, góp kinh nghiệm, góp chuyên môn.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên PCN UB Đối ngoại của Quốc hội: Báo chí điều tra phải trúng, dũng cảm và đa chiều - Ảnh 4.

Thú rừng bị săn bắt, giết thịt và buôn bán. Ảnh do phóng viên Dân Việt chụp tại huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An

Bên cạnh đó, cũng cần rút kinh nghiệm về vụ 8/17 cá thể hổ trưởng thành vừa được giải cứu ở Yên Thành, tỉnh Nghệ An đã bị chết. Điều này nói lên tính chuyên nghiệp của việc triệt phá các ổ nhóm và giải cứu động vật quý hiếm chưa cao. Khi tôi đọc bài về anh phụ trách tiêm thuốc để gây mê cho các cá thể hổ, anh ấy nói, anh không ngờ là con hổ to đến thế.

Anh ta giải thích rằng phải tiêm hai lần mới đủ để con hổ thiếp đi. Tức là việc nắm bắt tình hình của mình chưa chính xác nên khi đưa biện pháp, lực lượng và công cụ đến lại không phù hợp. Cho nên phải tăng tính chuyên nghiệp và hội nhập để khi chúng ta giải cứu những cá thể hổ bị săn bắt trái phép thì chúng ta sẽ làm việc hiệu quả hơn.

Cả xã hội cùng vào cuộc, chứ không chỉ trông chờ vào lực lượng chuyên trách

Các nhà báo đã dành gần 1 năm hóa trang điều tra các vụ việc này (không chỉ có hổ và không chỉ ở nơi vừa diễn ra các vụ bắt giữ vừa rồi); sau đó đem hồ sơ tố cáo... Qua các vụ việc giải cứu hổ "chưa từng có" này, bà nghĩ gì về vai trò của báo chí trong việc góp sức vì một xã hội tốt đẹp hơn?

"Những việc làm của nhóm nhà báo điều tra ở Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt đã rất kịp thời. Báo chí điều tra rất cần thiết và nó nên đa chiều để góp nhiều hơn những tiếng nói hữu ích cho cộng đồng. Ví dụ, không chỉ điều tra, tố cáo, xử lý, ngăn chặn là chuyện săn bắt, sát hại thú rừng; mà cần phải triệt phá cả các đường dây vận chuyển, buôn bán trái phép ĐVHD ở quy mô lớn hơn…." - Bà Tôn Nữ Thị Ninh.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Báo chí, tôi nghĩ, cần điều tra, đưa ra thông điệp "trúng" và thuyết phục, cho nên cần hai vế cân đối, như tôi đã nói: "chống" và "xây". 

Ý là không ai không muốn làm giàu, nhưng cần mưu sinh và làm giàu lương thiện. Cho nên (việc giết hại ĐVHD để mưu sinh, kiếm tiền) chỉ là cái cớ, là sự ngụy biện. 

Nói cách khác, cần phải hướng kiến thức, suy nghĩ, cảm xúc của những người đã rơi vào "cạm bẫy" đó một cách tích cực.

Để làm sao giúp họ thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn vi phạm đó. Ví dụ, họ biết nghĩ đến khi con cái họ lớn lên, chúng tự sẽ buồn và mặc cảm vì cha mẹ chúng đã mưu sinh bằng cái nghề giết chóc động vật vô tội và đang bị luật pháp cấm, đang bị cả thế giới kêu gọi bảo vệ đó. Tóm lại, không phải một nghề tử tế.

Cho nên, cần đánh động dư luận, nâng cao nhận thức. Đồng thời, phải có một liên minh của các cơ quan chuyên trách, các tổ chức xã hội và cả những người đi tiên phong (như nhóm nhà báo thực hiện loạt bài dài kỳ "Kinh hoàng các chiêu trò tàn sát thú rừng" của Dân Việt) mới được. Chứ không thể chỉ tất tật dựa vào các cơ quan chuyên trách.

Theo tôi, tôi nghĩ cần phải có tổ chức xã hội để nối tay tiếp sức cho các cơ quan chuyên trách. Cuối cùng, giải báo chí VIEWS của CHANGE là bước đầu tiên để đưa vấn đề này ra công luận một cách rõ nét, mạnh mẽ, thông qua báo chí và mạng xã hội tích cực.

Tóm lại, chúng ta cần hai vế "chống" và "xây".

Chân thành cảm ơn bà đã dành cho chúng tôi một cuộc trò chuyện trí tuệ và bổ ích.