Thời kỳ chế độ vua chúa của Trung Quốc tồn tại hơn 2000 năm. Xã hội phong kiến lấy lao động chân tay là chủ yếu, theo đó người phụ nữ luôn có địa vị thấp bé hơn đàn ông rất nhiều. Học tập, làm việc và đảm đương trách nhiệm làm chủ gia đình hiển nhiên luôn nằm trong tay của người đàn ông. Từ đó hình thành nên tư tưởng "nam tôn nữ bi".
Vào thời đại lúc bấy giờ, người phụ nữ muốn dựa vào tài năng của mình để lưu danh sử sách thật sự không phải là điều dễ dàng. Những người phụ nữ có thể đứng lên đảm đương triều chính trọng đại chỉ là một con số vô cùng ít ỏi.
Từ Hi chính là người phụ nữ trong trường hợp ngoại lệ đó. Một sự thật không thể chối cãi là vị Lão Phật gia này luôn bị người đời lên án trên mọi phương diện. Nhưng nếu xét theo mặt chính trị lâu dài, năng lực điều hành của bà vô cùng lão luyện, đặc biệt là trên phương diện cân bằng quyền lực giữa các triều thần quý tộc trong cung đình để duy trì quyền uy tuyệt đối của bà.
Nếu không có năng lực nhất định, Từ Hi cũng không thể chấp chính triều đình trong thời gian gần nửa thế kỉ. Cái tốt và cái xấu đều có, Từ Hi Thái hậu đã trở thành một trong những nhân vật gây tranh cãi nhiều nhất trong lịch sử cận đại. Theo đó, cuộc sống của vị Lão Phật gia này luôn bị "soi mói" đến từng chi tiết cho đến tận ngày nay.
Từ Hi Thái hậu thích tận hưởng vinh hoa phú quý, cuộc sống thời thượng đam mê cái mới, luôn hứng thú với những món đồ kì lạ đến từ các nước phương Tây phát triển. Biết được điểm đó, các quan trong triều luôn tranh giành những thứ tiên tiến nhất như máy chụp ảnh, đèn điện, xe Tây, máy nghe nhạc đĩa than,… mang đến tặng cho Lão Phật gia để nịnh bợ.
Đặc biệt là máy ảnh. Thời bấy giờ, tư tưởng trong xã hội phong kiến còn quá lạc hậu, Từ Hi cũng không ngoại lệ. Họ không thể hiểu được nguyên lý hoạt động của máy ảnh và cho rằng thứ đồ này có thể chiêu hồn, sống chết cũng không chịu chụp hình.
Sau đó, dưới sự khuyên nhủ của nữ quan Dụ Đức Linh, Từ Hi mới đồng ý trải nghiệm và sau đó trở nên thích thú với chiếc máy ảnh hiện đại này. Đó là lí do vì sao Trung Quốc có thể lưu trữ nhiều tấm hình chụp của Từ Hi Thái Hậu đến như vậy.
Khoảng năm 1879, Dụ Đức Linh nghe nói ở tô giới Thượng Hải (Tô giới: Phần đất thường trong thành phố của một nước, buộc phải cắt cho một đế quốc "thuê" lại) có một vị kĩ sư người Anh dùng động cơ hơi nước để tạo máy phát điện và thắp sáng bóng đèn.
Vì muốn lấy lòng Từ Hi, Dụ Đức Linh đã cố ý âm thầm mời vị kĩ sư kia vào cung lắp ráp động cơ thắp sáng bóng đèn để tạo sự bất ngờ cho Lão Phật gia. Nhưng không ngờ rằng, khi Từ Hi thấy chiếc bóng đèn bất ngờ phát sáng thì lại tưởng rằng đang chụp hình và bà đã thốt lên từ "Quả cà".
Trước hết, chúng ta đều biết rằng máy chụp hình thời xưa không có kĩ thuật đo sáng bắt sáng như ngày nay nên phải có một chiếc đèn bên cạnh để cấp sáng.
Vì ánh sáng và tiếng động khi bóng đèn cấp sáng vận hành sẽ gây chói mắt chói tai nên đã làm Từ Hi Thái hậu sợ hãi trong lần trải nghiệm đầu tiên chụp ảnh.
Dụ Đức Linh vì để giúp Thái hậu thả lỏng nên đã mô phỏng lại cách người phương Tây chụp hình sẽ nói từ "CHEESE" và từ này phát âm tương đối giống với từ "Quả cà" (茄子/qiézi) theo tiếng Trung Quốc.
Từ đó về sau, trong những buổi chụp hình, khi ánh đèn cấp sáng nháy lên, Từ Hi theo thói quen sẽ nói từ "Quả cà". Đó là lí do vì sao Lão Phật gia này lại thốt lên từ "Quả cà" khi thấy bóng đèn phát sáng của vị kĩ sư người Anh. Và điều thú vị là hai từ mà Từ Hi Thái hậu sử dụng khi chụp hình cũng đã được người dân học theo và sử dụng cho tới ngày nay.