Theo chia sẻ của các DN, để được cấp giấy đi đường theo mẫu mới, các đơn vị này phải chạy lòng vòng, từ Sở Công Thương đến UBND các quận huyện, chạy về phường rồi đến cơ quan công an... nhưng đến nay vẫn chưa nhận được giấy đi đường. Trong khi nhiều hộ hết gas để nấu ăn, không còn nước sạch để uống vẫn liên tục réo DN, đại lý.
Chị Hoàng (xã Vĩnh Lộc B, H.Bình Chánh) đã hết gas nấu ăn từ hai hôm nay nhưng gọi đại lý kinh doanh gas gần nhà nhiều lần mà không được giao. Nguyên nhân theo giải thích của đại lý là "chưa có giấy đi đường" nên không giao kịp.
"Cũng may là hàng xóm cho mượn cái bếp từ dùng đỡ chứ không thì chẳng biết làm sao để nấu ăn. Tôi nghĩ gas là mặt hàng thiết yếu rất quan trọng nên chính quyền sớm tạo điều kiện để các mặt hàng này đến được với người dân", chị Hoàng nói.
Liên hệ thử với cửa hàng gas Tiến Phát (Vĩnh Lộc B, H Bình Chánh), muốn đổi gas nhưng nhân viên cửa hàng này cho biết, hiện đang chờ giấy đi đường mới giao được. "Có thể một hai ngày nữa sẽ có giấy đi đường, anh chị thông cảm", người này nói.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, nhiều chủ cửa hàng kinh doanh gas và nước uống ở khu vực Bình Trị Đông B (Q.Bình Tân), xã Vĩnh Lộc (H. Bình Chánh)… cho đến chiều nay, nhiều cửa hàng vẫn chưa nhận được giấy đi đường mẫu mới do công an cấp nên đơn hàng tồn đọng rất lớn. Trong khi đó, mẫu giấy đi đường cũ đã hết hiệu lực nên nhân viên gặp khó khăn trong việc đi giao hàng.
Ông Nguyễn Văn Được, chủ cửa hàng kinh doanh gas và bếp gas ở khu vực này cho biết, vẫn đang phải chờ giấy đi đường dù đã gửi danh sách nhân viên giao gas lên Phòng kinh tế cũng như công an phường.
"Hai ngày qua, các khách hàng liên tục điện thoại nên chúng tôi rất mệt mỏi nhưng không biết làm sao. Thiết nghĩ trong lúc chờ cơ quan chức năng cấp giấy đi đường, lực lượng giao gas và nước uống cần được tạo điều kiện hoạt động bằng thẻ nhân viên, giấy đi đường công ty, giấy đi đường cũ để giải quyết nhu cầu cho người dân", ông Được nói.
Không chỉ có các đại lý, cửa hàng kinh doanh nhỏ gặp khó, đến các DN kinh doanh gas quy mô lớn cũng "mệt mỏi" với giấy đi đường.
Ông Lê Quang Tuấn - phó Giám đốc Công ty CP thương mại dầu khí Thái Bình Dương, cho biết trừ các đại lý ở quận Bình Tân và quận 11, các đại lý tại các địa bàn khác đều phản ảnh chưa nhận được giấy đi đường mẫu mới dù đã gửi danh sách lên phòng kinh tế cũng như công an các quận, huyện.
Câu chuyện gặp khó khăn trong việc xin giấy đi đường đang là nỗi lo của nhiều DN ở các ngành hàng khác nhau. Mới nhất, 7 hiệp hội ngành hàng gồm Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Hiệp hội Rau quả, Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM, Hiệp hội Điều Việt Nam, Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, Hiệp hội Cao su Việt Nam đã đồng loạt có văn bản kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành gỡ khó trong việc cấp giấy đi đường tại TP.HCM.
Theo tổng hợp phản ánh và kiến nghị từ DN hội viên của các hiệp hội ngành hàng, hiện nay nhiều DN xuất khẩu đứng trước nguy cơ không thể hoàn thành thủ tục xuất nhập khẩu và đảm bảo tiến độ giao hàng do phải làm hồ sơ giấy nhưng gặp khó khăn trong việc xin cấp giấy đi đường.
Theo tìm hiểu của Dân Việt, quy định ban đầu, Sở Công Thương cấp giấy đi đường theo quy trình 5 bước, nhưng chỉ 1 ngày sau, việc này được giao cho cơ quan công an cấp cho các sở để cấp lại cho DN. Đến nay, do việc xử lý hồ sơ quá tải, Sở Công Thương đề nghị chuyển một số nhóm DN cho các quận, huyện xử lý.
Để giảm tải cho các sở ban ngành, các hiệp hội ngành hàng đề nghị được đảm nhận vai trò là đầu mối lập danh sách doanh nghiệp có nhu cầu để gửi tới Sở Công Thương. Đồng thời, các Hiệp hội cũng đề nghị cần có hướng dẫn cụ thể về đầu mối liên hệ, tăng cường thêm số lượng người xử lý hồ sơ, ứng dụng công nghệ để cấp giấy đi đường bản mềm và gửi thông qua email để làm cơ sở đi qua các chốt kiểm soát, đến trụ sở Sở Công Thương đóng dấu.
"Hiện nay, đội ngũ cán bộ xử lý hồ sơ ít, chủ yếu làm thủ công, trong khi nhu cầu lên tới hàng chục ngàn doanh nghiệp. Vì vậy, đề nghị các ban ngành cần đẩy mạnh áp dụng các ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý hồ sơ, giấy tờ", ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam, lý giải về việc chậm trễ cấp giấy đi đường của các sở, ngành những ngày qua.
Tuy nhiên, ngoài việc quá tải của các sở, ngành, một nguyên nhân khác là do "không đủ giấy đi đường" để cấp.
Ông Nguyễn Nguyên Phương - phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết, theo quy định mới, Sở Công Thương phải cấp các giấy này theo mẫu của cơ quan công an. Tuy nhiên, hiện nay Sở Công Thương nhận được khoảng 100.000 đề nghị cấp giấy, nhưng chỉ nhận được 40.000 mẫu của Công an TP. Do đó, Sở Công Thương phải có tính toán và cắt giảm.
Về lĩnh vực logistics, Sở Công Thương nhận hơn 4.100 đề nghị, hiện đã cấp 831 hồ sơ, từ chối 352 hồ sơ. Sở cũng sẽ có văn bản đề xuất Công an TP cấp thêm mẫu giấy đi đường để cung ứng thêm cho lĩnh vực này.