Tại cuộc họp, ông Đào Ngọc Dung đánh giá cao nỗ lực của nhiều địa phương đã cố gắng triển khai công tác hỗ trợ. Như TP.Hồ Chí Minh, dù đang thực hiện giãn cách nhưng địa phương vẫn triển khai tốt công tác hỗ trợ, tới nay đã hỗ trợ 2 đợt. Các địa phương khác như TP.Hà Nội; Đà Nẵng; Quảng Nam, một số địa phương triển khai rất quyết liệt, song cũng có một số tỉnh thành làm chậm.
Một số chính sách có thể triển khai được ngay, như hỗ trợ F0, F1 nhưng kết quả vẫn còn thấp. Hiện cả nước mới có 39/63 tỉnh thành hỗ trợ hộ kinh doanh; 372 hồ sơ hỗ trợ vay trả lương ngừng việc; giải ngân được 191 tỷ/7,5 nghìn tỷ.
Bên cạnh đó, mới có 43/63 tỉnh thành thực hiện chính sách hỗ trợ lao động tự do. Mới chỉ có 18/63 tỉnh thành triển khai chính sách hỗ trợ lao động ngừng việc.
Ông Dung cũng cho biết, trong khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, lao động ngừng việc cao, rất căng thẳng nhưng chỉ có 23/63 tỉnh thành phố hỗ trợ lao động tạm hoãn hợp đồng lao động.
"Tôi đề nghị địa phương nói rõ xem mỗi nhóm chính sách thực hiện được bao nhiêu % rồi, không báo cáo chung chung nữa. Tiền ăn cho trẻ em mà mới có 40/63 địa phương triển khai được. Đồng thời, địa phương cũng báo cáo rõ xem trong 12 nhóm chính sách đang hỗ trợ, nhóm nào làm tốt, nhóm nào chưa, khó khăn cái gì thì đề xuất để tháo gỡ", ông Dung nói.
Theo báo cáo của Sở LĐTBXH TP.HCM, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thành phố tiếp tục giãn cách nên việc triển khai hỗ trợ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhóm hoãn hợp đồng nghỉ việc không hưởng lương giải quyết được hơn 66 nghìn, đạt 98%, kinh phí hỗ trợ đạt 133 tỷ đồng.
Ngoài thực hiện hỗ trợ theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23, thành phố còn hỗ trợ cho nhóm lao động đặc thù. Tính đến nay, TP đã hỗ trợ tới 2 đợt cho đối tượng lao động tự do, cho 1,365 triệu người.
Một số nhóm đặc thù khác như tiểu thương chợ truyền thống đã hỗ trợ cho hơn 18 nghìn hộ, kinh phí hơn 26 tỷ. Với lao động khó khăn sống trong các khu trọ, lao động nghèo, khu phong tỏa, khu công nhân đã hỗ trợ cho hơn 1,23 triệu hộ, (chiếm khoảng 30% tổng số hộ) từ ngày 23/8 đến nay, kinh phí 1,5 nghìn tỷ. TP mở rộng hỗ trợ thêm cho các hộ nghèo, cận nghèo, chuẩn bị 2 triệu suất an sinh từ 300 – 500 nghìn đồng để trao cho từng hộ khó khăn, hẻm sâu ngõ nhỏ; 500 nghìn túi thuốc cho F0 điều trị tại nhà.
Đợt này, thành phố quyết tâm thực hiện "ai ở đâu ở yên đó" nên người dân thành phố không ai được ra khỏi nhà. Thành phố nhờ sự trợ giúp của trung ương, quân đội và đang trao các suất hỗ trợ cũng như nhu yếu phẩm cho người dân.
Tính đến nay, tổng kinh phí thành phố thực hiện hỗ trợ khoảng 3.586 tỷ đồng, hỗ trợ cho tất cả các nhóm. Tới 15/9 này, thành phố cần thêm hàng nghìn tỷ đồng để hỗ trợ cho hơn 4,7 triệu lao động khó khăn và hơn 2 triệu hộ dân khác. Mong là thành phố sớm nhận được sự chia sẻ từ bộ ngành, trung ương.
Tại TP.Hà Nội, công tác triển khai cũng được làm khẩn trương, quyết liệt. Thành phố tập trung nguồn lực hỗ trợ cho các nhóm theo Nghị quyết 68 và 10 nhóm lao động đặc thù, chú trọng chăm lo cho nhóm lang thang cơ nhỡ, công dân ngoại tỉnh.
"Chúng tôi kiến nghị Bộ giải đáp rõ hơn về việc hỗ trợ với các trường hợp F1 cách ly tập trung, đồng thời kiến nghị về việc hoàn thiện dữ liệu dân cư, với Bộ Công an...", đại diện Sở LĐTBXH TP. Hà Nội nêu ý kiến.
Đại diện tổ công tác miền Nam cho biết tại 19 tỉnh thành phía Nam số lao động đặc thù là lao động tự do rất đông, nhưng lại là nhóm được hỗ trợ nhanh và hiệu quả nhất. Hiện các địa bàn này đã thực hiện được 72% tổng số chính sách theo Nghị quyết 68 (chiếm 2/3 chặng đường), trong đó TP.HCM lại là địa phương đi đầu trong thực hiện chính sách hỗ trợ. Các tỉnh phía Nam phấn đấu cố gắng từ nay đến 30/8 sẽ trao xong 3 triệu túi an sinh, bình quân mỗi ngày khoảng 300 nghìn túi.
Kết luận tại Hội nghị trực tuyến với các Sở LĐTBXH, các địa phương, lãnh đạo Bộ LĐTBXH cho rằng địa phương cần khảo sát thực tế, từ đó có kế hoạch để cung ứng lao động.
Ông Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số ca F0, F1 tăng lên rất nhanh, chưa kể hàng triệu lao động bị ảnh hưởng phải giãn, hoãn, nghỉ việc. Các địa phương cần làm sao đảm bảo cho không ai thiếu ăn, thiếu mặc. Ngân hàng CSXH phải đóng vai trò nòng cốt trong việc hỗ trợ doanh nghiệp.
"Tôi biểu dương TP.HCM dù giãn cách, đối tượng đa dạng, lao động tự do lớn nhất nước nhưng đã hỗ trợ hàng chục triệu dân, trao gần 2 triệu túi an sinh xã hội. Bên cạnh đó, nhiều tỉnh, thành như: Bình Dương, Đồng Nai, Long An... cũng đã có nhiều cách làm sáng tạo, vận động người dân giảm tiền nhà trọ, tiền điện nước, tiền ăn cho người lao động. Điều này góp phần làm người dân yên tâm thực hiện giãn cách "ai ở đâu, ở yên đó", không ra khỏi nhà", ông Dung nói.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng chỉ ra những điểm còn hạn chế về khách quan, chủ quan như: Do dịch bệnh, nguồn kinh phí, tổ chức thực hiện...
Ông Dung chỉ đạo, các địa phương cần làm rõ nguyên nhân cụ thể vì sao nhiều chính sách hỗ trợ đã cụ thể, đã thông thoáng lắm rồi mà vẫn làm chậm. Đặc biệt, làm rõ số lao động tạm hoãn hợp đồng, chấm dứt hợp đồng không hưởng lương… rất lớn mà số thụ hưởng được lại ít.
"Tôi nói thẳng, nguyên nhân chỉ có thể là do các tỉnh này có tư tưởng trông chờ, ngại việc, ngại khó, sợ trách nhiệm. Cần phải nhanh hơn nữa. Tình hình việc làm, đời sống của lao động đang rất khó khăn, nên phải nhanh lên, chậm ngày nào là có lỗi với dân ngày đó", ông Dung nhấn mạnh khi kết thúc hội nghị.