Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam bắt đầu từ ngày 27/4 và liên tục bùng phát tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước cho đến nay. Trong đó, các thành phố lớn đều lần lượt phải thực hiện giãn cách xã hội như TP Hồ Chí Minh ngày 9/7, Đà Nẵng ngày 22/7, Hà Nội ngày 24/7...
Được biết, các tỉnh, thành phố đang áp dụng Chỉ thị 16 đều phải tạm dừng hoạt động vận chuyển các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, nội tỉnh; các hoạt động vận tải của xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi… Trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hoá.
Điều này khiến cho các loại hình xe dịch vụ vận tải và hành khách bị ảnh hưởng nặng nề. Một trong số đó đang “ngấm đòn” dịch Covid-19 phải kể số lượng không nhỏ các chủ xe mua xe trả góp để chạy dịch vụ.
Anh Phạm Hữu Điền sống tại Quận Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh cho biết: “Tôi và gia đình cố vay mượn để mua chiếc Toyota Innova trả góp cuối năm 2020 với số tiền gần 900 triệu đồng. Xe nằm nhà đã gần 4 tháng nay kể từ khi thành phố khuyến cáo hạn chế đi lại và chính thức áp dụng Chỉ thị 16 giãn cách toàn xã hội. Như vậy, tính ra tôi mới chạy xe chưa được nửa năm. Những tháng đầu cũng đủ trả lãi ngân hàng và một ít gốc. Tuy nhiên, giờ tôi gần như kiệt quệ, vừa phải xoay sở chi phí sinh hoạt, vừa tiền lãi ngân hàng, trong khi thu nhập không có”.
Có lẽ, anh Điền còn có chút may mắn khi xe còn kịp lăn bánh trước khi dịch ập đến. Anh Nguyễn Huy Hoàng tại Quận 12, TP. HCM buồn bã chia sẻ: "Anh mới lập gia đình cách đây 2 năm và có chút vốn. Hai vợ chồng quyết định vay thêm ngân hàng để mua xe cho anh chạy dịch vụ. Do lấy xe ngay đợt bùng dịch nên vợ chồng anh chưa kịp vui mà tỏ ra thực sự lo lắng. Bởi tình hình dịch còn căng thẳng, không biết bao giờ có thể chạy xe kiếm tiền, trong khi lãi ngân hàng hàng tháng vẫn trả đều như vắt chanh".
Có rất nhiều lái xe ở TP HCM nói riêng và trên cả nước nói chung đang rơi vào tình cảnh như anh Điền hay anh Hoàng khi đầu tư vào xe chạy dịch vụ, chưa kịp thu hồi vốn đã phải nuôi “báo cô”. Họ mới mua xe nên không muốn bán nhưng lại không thể không lo lắng khoản lãi ngân hàng đang “siết cổ”.
Còn anh Nguyễn Ngọc ở Hoài Đức, Hà Nội đã gia nhập giới chạy xe dịch vụ hồi cuối năm 2018. “Tôi thấy rõ được sự khác biệt trước và sau khi dịch Covid-19 hoành hành đối với ngành nghề này. Tôi cũng vay mua xe của một ngân hàng nhưng cho đến giờ, trải qua nhiều lần dịch, tôi chưa từng được hỗ trợ về việc giãn nợ, chứ chưa nói gì đến giảm lãi suất. Một năm lãi không đủ bù lỗ cho hai năm vừa rồi, tôi đang bàn bạc thêm với vợ về việc bán xe”.
Nhiều chủ xe lực bất tòng tâm đã quyết định bán xe. Trong khi đó, các ngân hàng cũng “đua nhau” rao bán thanh lý xe ô tô từ xe sang đến xe bình dân - tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu thu hồi vốn. Tuy nhiên, câu chuyện bán xe cũng không hề dễ bởi người mua ở thời điểm này chưa thực sự mặn mà và vẫn đang dè chừng trước những nỗi lo về dịch bệnh kéo dài.
Trong bối cảnh khó khăn chung do đại dịch COVID-19, một phần không nhỏ người dùng đang phải “sống dở chết dở” vì mua xe trả góp. Đây cũng chính là nguyên nhân mà người mua bao gồm cả các cá nhân hay tổ chức, doanh nghiệp đều rất hạn chế, thậm chí tạm dừng việc mua xe ở thời điểm này.
Theo số liệu thống kê từ VAMA, thị trường ô tô Việt Nam ghi nhận hai tháng sụt giảm liên tiếp là tháng 6/2021 (giảm 6%) và tháng 7/2021 (giảm 32%) do việc thực hiện giãn cách ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Dự đoán, thị trường tháng 8/2021 sẽ tiếp tục lao dốc cho dù các hãng xe tung nhiều ưu đãi, giảm giá lớn để kích cầu.