Thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bình Dương đang diễn biến hết sức phức tạp. Mỗi ngày, ghi nhận hàng nghìn ca mắc mới. Thậm chí, có những ngày Bình Dương còn "vượt" TP.HCM về số ca mắc khiến ngành y tế bị quá tải trầm trọng.
Trước tình hình trên, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bình Dương buộc phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội mạnh hơn tại 11 phường thuộc vùng "đỏ đậm đặc" của TP.Thuận An và TX.Tân Uyên.
Theo đó, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quyết định thực hiện biện pháp "khoá chặt" 15 ngày đối với 11 phường ở TP.Thuận An và TX. Tân Uyên, riêng TP.Dĩ An có 4 phường cũng phải thực hiện biện pháp mạnh trong vòng 7 ngày.
Việc thực hiện "khóa chặt" nhằm hạn chế tối đa sự di chuyển của người dân để tranh thủ sàng lọc bóc tách F0. Với việc "khoá chặt" số dân gần 720.000 người, chính quyền Bình Dương đã phải lên kế hoạch cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân trong 15 ngày và thần tốc chuẩn bị gạo, thực phẩm để kịp thời cung ứng cho người dân.
Để thực hiện được kế hoạch, tỉnh Bình Dương đã sử dụng 5.753 tấn gạo từ nguồn cấp của Thủ tướng Chính Phủ và chi số tiền gần 540 tỷ đồng để mua thực phẩm cho người dân 11 phường bị "khoá chặt".
Để không có người dân nào bị thiếu đói, chính quyền tỉnh Bình Dương đã hỗ trợ toàn bộ nhân lực, cùng với sự hỗ trợ của lực lượng quân đội, tình nguyện viên đã suốt ngày đêm tổ chức phân chia gạo, rau củ quả thành từng phần và kịp thời mang đến tận nhà cho các hộ dân với phương châm "đóng gói tới đâu, phân phát tới đó".
Tại thị xã Tân Uyên có 7 phường bị "khoá chặt" với khoảng 332.000 người phải cung cấp lương thực, trong đó, phường Tân Hiệp đông nhất là 61.800 người.
Tại TP.Thuận An có 4 phường phải "khoá chặt", chính quyền thành phố đã thực hiện cấp phát 215,45 tấn gạo cho người dân, 617,56 tấn rau củ quả (đã cấp phát cho khu phố giao cho dân), 50 tấn cá, 88.216 gói mì, 11.027 chai dầu ăn, 11.027 chai nước mắm, 40.147 bịch hạt nêm, 30.000 hộp cá…
Ông Nguyễn Thanh Tâm – Chủ tịch UBND TP.Thuận An - cho biết: Thành phố đã điều động tất cả nguồn lực, làm xuyên đêm, vừa tổ chức xét nghiệm sàng lọc, bóc tách F0 vừa tranh thủ vận chuyển lương thực đến cho người dân.
Lãnh đạo TP.Thuận An nói rằng, do số lượng người dân trên địa bàn 4 phường bị "khoá chặt" rất lớn nên địa phương phải chia ra nhiều đợt và cố gắng bằng mọi cách lo người dân không bị đói.
Trao đổi với PV, ông Võ Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cho biết, để người dân ở tại 11 phường đang thực hiện biện pháp "khoá chặt, đông cứng" không bị thiếu đói. UBND tỉnh đã giao cho UBND TP.Thuận An và TX.Tân Uyên xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công các phòng, ban có liên quan và UBND 11 phường để triển khai kế hoạch của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tỉnh.
Bên cạnh đó, các địa phương phải tạo điều kiện cho đơn vị cung ứng, xe hàng hóa và nhân viên bao gói sản phẩm đến điểm tập kết, giao nhận trong suốt quá trình thực hiện "khóa chặt".
Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tại các chốt chặn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất 3 tại chỗ, 2 điểm đến, 1 cung đường trong vùng "khóa chặt" được vận chuyển hàng hóa lưu thông phục vụ sản xuất, xuất khẩu và hàng hóa thiết yếu để đảm bảo cuộc sống của công nhân tại doanh nghiệp.