Sở Xây dựng TP.HCM vừa báo cáo Thường trực Ban chỉ đạo 167 về đánh giá thực trạng quản lý, sử dụng nhà đất thuộc sở hữu nhà nước giao cho sở này quản lý.
Theo đó, số lượng nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước đang được Sở Xây dựng quản lý là 7.921 căn. Đối với nhà tái định cư thuộc sở hữu nhà nước, nhà đất chưa sử dụng có 11.688 sản phẩm, gồm 9.434 căn hộ và 2.254 nền đất. Trong đó 5.022 căn hộ và 41 nền đất đã có chủ trương bán đấu giá để thu hồi vốn. Đối với nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước có 721 căn hộ tại 7 chung cư. Nhà công vụ thuộc sở hữu nhà nước có 53 căn.
Một thực trạng khiến các nhà quản lý đau đầu nhiều năm qua là sự "tréo ngoe" khi người dân thiếu nhà ở rất nhiều, nhưng lại có đến hàng nghìn căn hộ bỏ hoang.
Đơn cử, tại huyện Bình Chánh có khu tái định cư Vĩnh Lộc B hiện có 1.454 căn hộ tái định cư để trống; quận 7 tại chung cư Tân Mỹ có 220 căn; quận 12 tại chung cư Tân Thới Nhất có 322 căn; quận Bình Thạnh tại chung cư 90 Nguyễn Hữu Cảnh còn 260 căn và căn hộ khu vực phường 12 có 212 căn; quận Thủ Đức tại chung cư Linh Trung có 237 căn; quận Gò Vấp tại chung cư Khang Gia có 103 căn; quận Bình Tân tại chung cư An Lạc A có 95 căn; quận 10 tại chung cư Phú Thọ có 274 căn; TP.Thủ Đức tại khu đô thị mới Thủ Thiêm còn trống 5.334 căn hộ tái định cư, và hơn 2.250 nền đất bỏ trống…
Theo ghi nhận thực tế của Dân Việt, tại những khu tái định cư Bình Khánh (quận 2); khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh)… dù đã có quy hoạch rộng rãi, khuôn viên lớn, có trường học các cấp, đường nội khu rộng,… nhưng tiện ích vẫn chưa nhiều. Ở một số khu vực như khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh, một số đường nội khu và đường chính dẫn vào nội khu vẫn chưa hoàn thiện, vẫn là đường đất bụi bặm, lầy lội khi trời mưa... dẫn đến tình trạng người dân không mặn mà.
Ở góc độ quản lý, theo đánh giá của Sở Xây dựng cho thấy, tình hình quản lý sử dụng và bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước đã được tháo gỡ nhiều vướng mắc tồn tại trước đó. Dẫu vậy, hiện nay công tác quản lý, sử dụng nhà sở hữu nhà nước còn một số tồn tại, bất cập.
Cụ thể, theo Sở này, các văn bản chỉ quy định về quản lý tài sản Nhà nước được giao cho cơ quan làm trụ sở, mà không có mô hình giữ hộ, quản lý vận hành, cho thuê để tăng thêm ngân sách cho Nhà nước, cũng chưa có quy định về đấu giá cho thuê nhà thuộc sở hữu Nhà nước.
Vì thế, Sở Xây dựng kiến nghị sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, trong đó bổ sung chế độ giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý cho thuê, khai thác nguồn lực tài chính.
Đặc biệt, Sở Xây dựng cũng kiến nghị sửa đổi Luật Đấu giá, bổ sung hình thức đấu giá cho thuê tài sản Nhà nước. Bởi, thời gian qua TP.HCM đã nhiều lần tổ chức đấu giá nhiều căn hộ tái định cư nhưng đều thất bại, dẫn đến tình trạng hàng nghìn căn hộ bị bỏ trống, hoang phế; trong khi ngân sách TP vẫn phải duy trì hàng chục tỷ đồng mỗi năm (khoảng 71 tỷ đồng) để bảo trì các căn hộ này.
Hồi tháng 6 vừa qua, thành phố dự kiến tổ chức đấu giá lần thứ 4 với 3.790 căn hộ tái định cư thuộc khu 38,4ha, phường Bình Khánh, TP.Thủ Đức với mức giá đề xuất 9.900 tỷ đồng, trong đó, lô R1, R2, R3 có 2.220 căn; lô R4, R5 có 1.570 căn. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh nên kế hoạch này phải tạm hoãn lại.
Dù vậy, với quy định doanh nghiệp khi tham gia đấu giá phải ký quỹ 20% giá khởi điểm. Nếu đơn vị trúng đấu giá thì trong vòng 1 tháng phải nộp 50% giá trị trúng đấu giá, 50% còn lại nộp trong vòng 90 ngày, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, tài chính là rất khó… thực hiện thành công.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) - cho biết: Việc đấu giá đã nhiều lần thất bại, nên có quá nhiều vấn đề cần phải thay đổi để thúc đẩy việc chào bán thành công.
Theo chuyên gia này, vấn đề lớn nhất là việc bán sỉ hàng nghìn căn sẽ hạn chế khách mua vì chỉ thu hút các nhà đầu tư, tổ chức có vốn lớn tham gia, bởi hiện tại, số doanh nghiệp có tiềm lực tài chính cỡ này không nhiều.
Trong khi đó, ông Lê Hữu Nghĩa - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành - đánh giá: Đối với các dự án chung cư ngoài chất lượng xây dựng, thiết kế, việc quản lý vận hành rất quan trọng sau khi đưa vào sử dụng. Người mua nhà thường quan tâm lớn đến các vấn đề này, huống chi là các căn hộ tái định cư thường bỏ hoang, dẫn tới xuống cấp trầm trọng, như tại khu tái định cư Vĩnh Lộc B sẽ rất khó bán.
"Cần tính toán bán những căn hộ này cho người thu nhập thấp và có nhu cầu nhà ở thực sự, thay vì bỏ hoang hàng ngàn căn hộ, chưa kể phải tốn chi phí bảo trì rất lớn", ông Nghĩa nói.