Trong nhiều thập kỷ, chuyển giao công nghệ nước ngoài đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển cơ sở tri thức và phát triển công nghệ của Hàn Quốc. Quốc gia này đã nắm bắt thành công tỷ lệ lợi nhuận cao từ các hoạt động R&D thông qua việc bắt chước và đổi mới công nghệ. Vậy Việt Nam có thể học hỏi gì từ thành công của R&D tại Hàn Quốc?
Xuyên suốt quá trình phát triển, chuyển giao công nghệ nước ngoài là nguồn lực chính để phát triển nền tảng kiến thức cho các doanh nghiệp Hàn Quốc.
Trong những năm 1960 và 1970, các doanh nghiệp Hàn Quốc, ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển kinh tế, đã có được những công nghệ hoàn thiện từ các nước phát triển thông qua việc tiếp thu công nghệ nước ngoài “trọn gói” để sản xuất các sản phẩm tiêu chuẩn và được chuẩn hoá.
Việc đổi mới công nghệ ở giai đoạn này chủ yếu là bắt chước sao chép thông qua giải mã các thiết bị nhập khẩu, sự di chuyển của nhân lực hoặc học hỏi thông qua sản xuất với các liên kết cùng với các công ty đa quốc gia dọc theo chuỗi cung ứng, trong đó hàng hóa tư bản nhập khẩu vượt xa các hàng hoá khác về mặt giá trị.
Các thỏa thuận thầu phụ cũng là một kênh quan trọng để tiếp thu các tiêu chuẩn và thông số kỹ thuật quốc tế. Trong quá trình này, các tổ chức nghiên cứu công, chứ không phải các trường đại học, đóng vai trò quan trọng trong quá trình đổi mới công nghệ. Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST), được thành lập vào thời kỳ này, giúp các doanh nghiệp có thêm năng lực đàm phán để có được những đổi mới của nước ngoài.
Khi các doanh nghiệp Hàn Quốc dần làm chủ được việc bắt chước sao chép, sức ép cạnh tranh ngày càng tăng từ các nước đang phát triển đi sau cùng với việc mức tiền lương trong nước tăng cao đã buộc các doanh nghiệp ở Hàn Quốc phải chuyển trọng tâm sang các công nghệ thâm dụng tri thức hơn. Ở giai đoạn này, các doanh nghiệp Hàn Quốc phụ thuộc nhiều hơn vào chuyển giao công nghệ chính thức như FDI hoặc cấp phép của nước ngoài. Trong những năm 1980, FDI đã tăng từ 218 triệu USD trong năm 1967 - 1971 lên 1,76 tỷ USD trong năm 1982 - 1986 và cấp phép của nước ngoài tăng từ 16,3 triệu USD lên 1,18 tỷ USD trong cùng thời kỳ.
Trong giai đoạn này, các doanh nghiệp tăng cường nghiên cứu và phát triển để tăng lợi thế trong đàm phán chuyển giao công nghệ, giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài và phát triển các sản phẩm khác biệt và có giá trị gia tăng cao hơn. Đầu tư cho R&D tăng từ 10,6 tỷ Won năm 1971 lên 3,4 nghìn tỷ Won năm 1990. Chi tiêu cho R&D trên GDP tăng từ 0,32% lên 2,68% trong cùng thời kỳ. Khu vực tư nhân ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các nỗ lực R&D. Tỷ lệ R&D tư nhân tăng từ 2% năm 1963 lên hơn 80% năm 1994, thuộc hàng cao nhất thế giới.
Các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng toàn cầu hóa các hoạt động R&D của họ, cho phép nắm bắt được các đổi mới trên đường biên công nghệ và phát triển hợp tác quốc tế trong R&D.
Chính phủ Hàn Quốc trong thời kỳ này đã đầu tư rất nhiều vào việc phát triển nghiên cứu tại các trường đại học. Chính phủ đã ban hành luật Khuyến khích Nghiên cứu Cơ bản vào năm 1998 để nâng cao năng lực nghiên cứu trong các trường đại học trọng điểm.
Số lượng các nhà nghiên cứu đã tăng gấp đôi từ khoảng 21.300 lên 51.600 trong giai đoạn này. Chính phủ cũng ban hành chính sách hồi hương các nhà khoa học Hàn Quốc từ nước ngoài. Các nhà khoa học này trở thành nguồn nhân lực quan trọng của mạng lưới kỹ thuật và kiến thức để phát triển công nghệ mới ở Hàn Quốc.
Năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) Việt Nam ghi nhận sự gia tăng mạnh về số lượng đơn đăng ký sở hữu trí tuệ (75.742 đơn đăng ký, tăng 26,7% so với năm 2018), xử lý 65.029 đăng ký (tăng 51,7% so với năm 2018) và cấp 40.715 bảo hộ quyền SHTT (tăng 40,6% so với năm 2018). Phần lớn các văn bằng bảo hộ quyền SHTT đã được cấp là dưới dạng nhãn hiệu. Theo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2020, Việt Nam đạt điểm khá tốt về thương hiệu và thiết kế công nghiệp theo xuất xứ (xếp thứ 20 và 43 trên 131) trong khi bằng sáng chế theo xuất xứ khá thấp, xếp thứ 66.
Giống như các công cụ SHTT khác, đăng ký bảo hộ thương hiệu thể hiện việc tạo ra tính mới hữu ích về mặt kinh tế và do đó có thể được sử dụng như một chỉ số thể hiện mức đổi mới sáng tạo. Thương hiệu đặc biệt có giá trị trong lĩnh vực dịch vụ, so với bằng sáng chế thì thương hiệu là đổi mới phi công nghệ và đại diện nhiều hơn cho hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ. Thương hiệu cũng là đại diện cho hoạt động đổi mới sáng tạo gần với giai đoạn thương mại hóa. Trong những năm gần đây tại Việt Nam, đăng ký bảo hộ thương hiệu của cả người cư trú và người không cư trú đang gia tăng.
Mặt khác, số lượng bằng sáng chế được cấp ở Việt Nam vẫn còn tương đối thấp, đặc biệt là các bằng sáng chế do các đơn vị trong nước đăng ký.
Lý do có ít bằng sáng chế trong nước không nhất thiết là do có ít hoạt động sáng chế. Thay vào đó, một số lượng lớn các công nghệ hữu ích không đủ điều kiện cấp bằng sáng chế chủ yếu do các yêu cầu nghiêm ngặt về khả năng cấp bằng: Tính đổi mới, có trình độ sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp. Tương tự như các nước đang phát triển khác, hầu hết các đơn đăng ký sáng chế ở Việt Nam chủ yếu do người nước ngoài nộp. Bằng sáng chế của người nước ngoài đăng ký chủ yếu nhằm bảo vệ sáng chế của họ không bị bắt chước và sản xuất tại Việt Nam.
Sự cải thiện về số lượng sáng chế được cấp phản ánh sự cải thiện năng lực đổi mới và hấp thụ công nghệ tại Việt Nam, hơn nữa, cũng có mối tương quan cao giữa số công nghệ được cấp phép và số đơn đăng ký của nước ngoài với quá trình chuyển giao công nghệ.
Cho dù còn hạn chế nhưng tình hình chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp vẫn phát triển xét về số lượng các hợp đồng chuyển nhượng tại Việt Nam trong 10 năm qua. Ví dụ, các hoạt động chuyển giao công nghệ trong các trường đại học của Việt Nam gần đây đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Nhiều hợp đồng chuyển giao công nghệ đã được ký kết giữa các trường đại học với các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam và trên thế giới như Tập đoàn Vin, Tập đoàn FPT, Tập đoạn SUN MicroSystems, Doanh nghiệp Cổ phần Bóng đèn và Phích nước Rạng Đông, v.v.
Tuy nhiên, nhìn chung, việc thương mại hóa vẫn còn thưa thớt trong các viện nghiên cứu. Hơn nữa, việc quản lý tài sản trí tuệ ở các viện nghiên cứu chưa được quan tâm đúng mức. Tình trạng này dẫn đến việc hoạt động chuyển giao công nghệ không thu hút được nguồn nhân lực tham gia và có rất ít tổ chức nào có đủ năng lực chuyên môn để quản lý và chuyển giao vào sản xuất kinh doanh. Vậy Việt Nam có thể học hỏi gì từ thành công của R&D tại Hàn Quốc?
Việt Nam và Hàn Quốc cùng có một xuất phát điểm là đi lên từ một nước thuần nông nghiệp. Tuy nhiên, mỗi nước có cơ hội, tiềm năng và mức đầu tư khác nhau cho R&D.
Nếu chia các giai đoạn phát triển KH&CN thành bốn cấp độ: Mua sắm và vận hành dây chuyền thiết bị, công nghệ đồng bộ; Hấp thụ, đồng hóa công nghệ nhập; Thích nghi, làm chủ công nghệ; Sáng tạo công nghệ và phát triển các công nghệ mới nổi. Việt Nam và Hàn Quốc rõ ràng ở hai cấp độ khác nhau, hay ở giai đoạn phát triển khác nhau. Vậy làm thế nào để Việt Nam có thể nhanh chóng bứt phá, bắt kịp với nước láng giềng Hàn Quốc là một câu hỏi thách thức.
Tăng đầu tư vào R&D
Nghiên cứu chung của Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Tổ chức SIRO’s Data61 đã sử dụng mô hình dự báo có điều kiện để đánh giá tác động của thay đổi đầu tư R&D đối với nền kinh tế Việt Nam.
Trong kịch bản mô phỏng nghiên cứu tác động của đầu tư R&D nếu Việt Nam đi theo con đường phát triển tương tự như Hàn Quốc. Hàn Quốc là một ví dụ điển hình của việc “bắt kịp” thành công nhờ cường độ đầu tư cho R&D. Trong những năm 1980 và 1990, đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng của các nước đang phát triển với sản xuất lao động giá rẻ, Hàn Quốc chuyển trọng tâm sang phát triển và áp dụng các công nghệ mức trung bình, có hàm lượng tri thức nhiều hơn trên tất cả các lĩnh vực. Do công nghệ ở giai đoạn này phức tạp hơn, khó tiếp thu và áp dụng hơn rất nhiều, nên các doanh nghiệp Hàn Quốc ngày càng đẩy mạnh các hoạt động R&D của riêng họ.
Đầu tư cho R&D tăng vọt từ 28,6 triệu USD năm 1971 lên 4,7 tỷ USD vào năm 1990 và lên 12,2 tỷ USD vào năm 2000. Tốc độ tăng trưởng chi tiêu cho R&D trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trung bình hàng năm trong giai đoạn 1981-1991 ở Hàn Quốc là 24,2% mỗi năm.
Trong kịch bản này, nhóm nghiên cứu mô phỏng tác động của chi tiêu cho R&D đối với nền kinh tế Việt Nam với giả định rằng Việt Nam đi theo con đường tương tự của Hàn Quốc và tốc độ tăng trưởng chi cho R&D trung bình là 24,5% / năm trong 10 năm tới cho đến năm 2030.
Sự gia tăng chi tiêu cho R&D cũng có tác động đến sự gia tăng tiêu dùng và đầu tư, chủ yếu là do thu nhập của lao động có kỹ năng và lao động phổ thông có sự gia tăng khi sản xuất phát triển trong nền kinh tế sau này. Trong đó, mức tăng tiêu dùng và đầu tư thu được từ đầu tư R&D lần lượt chiếm 20,2% và 11% tổng tiêu dùng và đầu tư vào năm 2045.
Nếu Việt Nam đi theo con đường tương tự của Hàn Quốc thì tác động sẽ tăng cao hơn. Đầu tư cho R&D dự kiến sẽ đóng góp tới 15% tổng GDP dự báo vào năm 2045. Mức tăng tiềm năng trong tiêu dùng và đầu tư cũng cao hơn, lần lượt là 25,4% và 15%, so với 20.2% và 11% khi Việt Nam tăng đầu tư R&D theo mục tiêu của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Sự vào cuộc hơn nữa của các các tập đoàn lớn
Ở Hàn Quốc, vai trò của các chaebol trong chuyển đổi kinh tế đất nước là không thể phủ nhận. Một trong những chiến lược của các chaebol để trở thành các nhà tiên phong trong công nghệ toàn cầu là phải đầu tư mạnh vào R&D, chiếm lĩnh thị trường thông qua sáp nhập và mua lại các công ty của Mỹ và châu Âu, những biện pháp cho phép Hàn Quốc nâng cao năng lực công nghệ trong thời gian ngắn.
Ở Việt Nam như phân tích ở trên đã có sự vào cuộc của các ‘ông lớn’ như Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Dầu khí quốc gia, Tập đoàn Vin Tập đoàn FPT, Tập đoạn SUN MicroSystems, Doanh nghiệp Cổ phần Bóng đèn và Phích nước Rạng Đông… trong chuyển giao công nghệ và phát triển R&D.
Có thể nói bài học kinh nghiệm để có thể học hỏi thành công từ Hàn Quốc còn nhiều. Tuy nhiên, một bài học sâu sắc nữa Việt Nam có thể học hỏi từ Hàn Quốc đó chính là: bên cạnh mở rộng đầu tư vào R&D, cũng nên xây dựng một hệ thống để đánh giá hiệu quả và hiệu suất của các dự án đầu tư R&D. Mục đích là nhằm kịp thời phát hiện, xử lý những dự án đầu tư ‘chi phí cao – hiệu quả thấp’; đồng thời giúp đổi mới hoạt động R&D của chính phủ; đề xuất được các giải pháp thay thế hữu ích.
Các quốc gia không thể dựa vào một cách duy nhất để đổi mới và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp. Bằng chứng cho thấy các doanh nghiệp có thể theo đuổi R&D độc lập cũng như đổi mới công nghệ để phát triển. Việc sao chép các công nghệ tiên tiến là một quá trình học hỏi quan trọng nhằm bắt kịp các quốc gia đi trước, nhưng trên thực tế nó vẫn chưa phải là điều kiện đủ. Đổi mới một cách tích cực thông qua nghiên cứu và phát triển trong nước là rất quan trọng để bắt kịp công nghệ thành công.
Trọng tâm của mỗi quốc gia trong phát triển công nghệ là khác nhau ở các giai đoạn phát triển khác nhau. Đối với các doanh nghiệp đang trong giai đoạn phát triển ban đầu, việc đổi mới công nghệ có thể có lợi thế lớn hơn cho sự phát triển nhanh chóng của họ. Tuy nhiên, cùng với sự tiến bộ và tích lũy công nghệ, các doanh nghiệp nên chuyển dần từ dựa vào ứng dụng, đổi mới công nghệ sang theo đuổi R&D độc lập để đạt được sự phát triển bền vững và ổn định.