Tôi là Vũ Văn Yên – chủ trang nuôi gà đẻ thương phẩm ở thôn Nội, xã Minh Hoà, huyện Kinh Môn, Hải Dương. Hiện trang trại của tôi có diện tích hơn 5 mẫu, chia làm 4 khu nuôi gà đẻ với quy mô 12.000 con gà đẻ, diện tích còn lại nuôi ba ba, cá, trồng cau.
Với quy mô nuôi 12.000 con gà đẻ, mỗi ngày trang trại cung cấp cho thị trường 11.000 quả trứng. Trung bình, hàng tháng gà đẻ trứng đạt 85-95%. Thời điểm hiện nay, giá trứng đang là 1.900 đồng/quả. Với mức giá này, trừ hết chi phí, tính ra mỗi quả trứng chúng tôi có lãi được 200 – 300 đồng.
Có thời điểm giá trứng gà cao nhất là 2.900 đồng/quả, chúng tôi có lãi nhiều hơn.
Trứng là thành phẩm đầu ra quyết định đến lợi nhuận của trang trại nên bán được giá cao là niềm vui lớn với nông dân chúng tôi. Không chỉ bán được giá trứng tốt mà hơn hết, nhu cầu thị trường lớn nên trứng tiêu thụ nhanh, không bị ứ đọng.
Thấy giá trứng tăng thế này, người ngoài nhìn vào tưởng nuôi gà đẻ "ngon ăn", nhưng ở trong nghề mới biết bấp bênh thế nào.
Tôi nuôi gà đẻ thương phẩm từ năm 2009 đến nay đã được 12 năm. Nuôi gà đẻ thương phẩm với số lượng lớn đòi hỏi người chăn nuôi phải chăm sóc từ chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, bảo đảm nhiệt độ, tránh gió lùa cẩn thận, tỉ mỉ từng chút một. Chuồng trại phải đầu tư chuồng trại kín, có máy lạnh nên rất tốn kém. Đến nay tiền tôi đầu tư vào trại gà đẻ cũng trên dưới 4 tỷ đồng.
Bạn đang đọc bài: "Giá trứng gà tăng, ngoài nhìn cứ tưởng "ngon ăn", có nuôi gà đẻ mới biết bấp bênh thế nào" của tác giả Vũ Văn Yên – chủ trang nuôi gà đẻ thương phẩm ở thôn Nội, xã Minh Hoà, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.
Bạn đọc có thể tham gia bằng cách gửi bài viết ý kiến của mình về hộp thư điện tử: hnongdanvietnam@gmail.com , gọi điện tới số 086 993 8874 và 0976 116 924.
Nuôi gà hơn chục năm, có năm được giá, có năm rớt giá. Nhưng khủng hoảng nhất là năm 2020, giá trứng gà rớt giá suốt trong thời gian dài, có thời điểm giá trứng gà công nghiệp chỉ còn 900 đồng/quả. Trong khi giá thành sản xuất 1 quả trứng là 1.500 – 1.700 đồng.
Khi đó, giá trứng giảm đã khổ, lại còn không bán được, trứng gà xếp la liệt đầy nhà. Có lúc nản, tôi đã nghĩ đến bỏ nghề nuôi gà đẻ. Năm 2020, gia đình tôi bị lỗ 1 tỷ đồng khi nuôi gà đẻ.
Thời điểm hiện nay, giá cám liên tục tăng, mỗi bao cám tăng thêm 30% giá tiền, nên chúng tôi vẫn còn nhiều khó khăn khi giá trứng bấp bênh, không ổn định.
Là người chăn nuôi gà lâu năm trong nghề, tôi thấy: Giá trứng tăng một phần do ảnh hưởng dịch bệnh, nhu cầu về trứng gia cầm trên thị trường tăng cao. Phần nữa là trước đó, chăn nuôi gặp khó khăn do dịch bệnh, giá thức ăn tăng, giá trứng giảm; nhiều trang trại đã không trụ được, bỏ nghề hoặc giảm đàn gà nên nguồn cung trứng giảm theo.
Hầu hết các anh em trong nghề nuôi gà của tôi cho biết rằng, dù trứng gà đang bán được giá, mang lại lợi nhuận cao hơn nhưng họ sẽ không tăng đàn ồ ạt vì thị trường giá cả khó ổn định. Bản thân tôi cũng thế thôi. Thời điểm này, tôi chú trọng công tác phòng, chống các loại dịch bệnh trên gia cầm để đảm bảo chăn nuôi an toàn.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, chúng tôi rất mong muốn được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để vay vốn vốn phát triển kinh tế.
Tôi được biết, trong các năm qua, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành rất nhiều các văn bản, nghị định về cho vay tín dụng nhưng cho đến lúc này, vốn vẫn rất khó đến tay các chủ trang trại như chúng tôi.
Nguyên nhân là phía ngân hàng yêu cầu có tài sản đảm bảo, giấy chứng nhận quyền sử dụng (sổ đỏ); trong khi đó diện tích 5 mẫu đất trang trại của tôi là đất đi thầu và thuê thì làm sao có sổ đỏ được.
Để có vốn làm ăn, gia đình tôi chạy ngược chạy xuôi, cuối cùng cũng vay được 3 tỷ đồng ở ngân hàng nhưng lãi suất lên tới 0,7%tháng, 8,4%/năm.