Trước công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Hà Nội trong thời gian qua, PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Anh Trí, Anh hùng lao động, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Hội Huyết học - Truyền máu Việt Nam.
Thưa ông, là một chuyên gia y tế, cũng là người tâm huyết gắn bó với thủ đô, ông đánh giá công tác phòng chống dịch Covid-19 của Hà Nội trong thời gian vừa qua như thế nào?
Trước tiên, tôi thấy Hà Nội rất quyết liệt, kịp thời trong công tác phòng chống dịch Covid-19 kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Điều này thể hiện qua việc Hà Nội đã rất sớm ban hành các công điện 15,16,17,18 về phòng chống dịch bệnh.
Sau đó, Hà Nội rất sớm đưa ra quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, rồi tiếp tục mở rộng kéo dài thời gian giãn xã hội tới ngày 6/9 tới đây.
Bên cạnh đó, lực lượng công an, quân đội, y tế, chính quyền… đã ra quân rất mạnh mẽ. Hà Nội là địa bàn rộng lớn, đông dân và cũng diễn biến hết sức phức tạp, là nơi đầu mối của tất cả giao lưu, giao dịch, người đi, về... phải thừa nhận thành phố đã có kết quả trong công tác chống dịch.
Hiện Hà Nội rải rác đâu đó một số chùm bệnh. Tuy nhiên, tình trạng bùng phát dữ dội như TP.HCM, Bình Dương… là chưa có. Tôi cho rằng ở thành phố gần 10 triệu dân như Hà Nội mà kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 như vậy đã là một thành công. Tôi đánh giá rất cao sự nỗ lực của chính quyền, sự đồng tâm của nhân dân.
Hà Nội cũng đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng truy vết F0 khỏi cộng đồng cũng là một sáng tạo. Tổ chức xét nghiệm trên diện rộng ở khu vực có nguy cơ và 13 đối tượng có nguy cơ. Việc xét nghiệm diện rộng kịp thời ngăn chặn được sự bùng phát của dịch bệnh, rất hiệu quả trong việc tách F0 trong cộng đồng, khoanh vùng dập dịch. Việc này đã góp phần giúp thủ đô ngăn chặn không cho bùng phát dịch đến thời điểm này.
Theo ông, Hà Nội đã thực hiện các chế tài trong phòng chống dịch đủ mạnh chưa?
Theo tôi, bên cạnh những mặt đã làm được cũng phải chỉ ra một số những tồn tại, chúng ta cũng cần góp ý. Trước tiên đó là việc thực hiện giãn cách xã hội ở một thành phố quan trọng như thế này. Hà Nội là trung tâm Chính trị, Kinh tế, Văn hoá, kể cả mặt hình ảnh trong đất nước… công bằng mà nói, bên cạnh việc nghiêm túc thực hiện, đâu đó một bộ phận người dân chưa thực sự chấp hành tốt.
Đâu đó vẫn còn sự chủ quan trong việc thực hiện 5K, có người đi lại không lý do chính đáng… những điều đó làm rất mệt mỏi, tốn công sức của lực lượng chức năng. Đó cũng là một trong những lý do làm cho việc chống dịch chưa thực sự triệt để.
Việc này thể hiện ở việc, nếu so sánh 10 ngày trở lại đây tại Hà Nội có thể thấy rõ số ca nhiễm trong cộng đồng tuy không cao nhưng có xu hướng tăng lên. Gần như ngày nào cũng có xuất hiện chùm ca bệnh nào đó như ở Đội Cấn (Ba Đình) Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân) Giáp Bát…
Cách đây hơn 1 tháng, Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Tôi cho đây là biện pháp mạnh, cần thiết làm. Trong thực tế qua hơn 1 tháng vừa qua cho tới bây giờ, kết quả đạt được chưa như mong muốn.
Ở góc độ của nhà khoa học, tôi cho rằng với tình hình như hiện nay, Hà Nội đang trong thời điểm nguy cơ cao bùng phát dịch. Nếu chỉ thực hiện chủ yếu bằng 5K và giãn cách theo Chỉ thị 16 có lẽ không đủ mạnh, không đủ bền vững để ngăn chặn được sự xuất hiện những chùm ca bệnh như vài ngày vừa qua. Thậm chí không ngăn chặn kịp thời thì nguy cơ bùng phát lớn như TP.HCM rất có thể xảy ra.
Vậy theo ông, Hà Nội nên có giải pháp gì ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 trong giai đoạn cấp bách này để tránh tình trạng "dịch dập được chỗ này lại lan chỗ kia"?
Theo tôi, Hà Nội cần có sự điều chỉnh. Chính phủ cần quan tâm đến việc này để chống dịch cho tốt. Tôi cho rằng việc số 1 cần làm ngay tại Hà Nội đó là đẩy mạnh tiêm chủng vaccine phòng Covid-19. Phải đẩy mạnh hơn nữa mới có thể ngăn chặn được dịch.
Việc ngăn chặn bùng phát dịch ở Hà Nội là vấn đề vô cùng quan trọng ở những lý do sau. Thứ nhất, nguy cơ bùng phát dịch tại Hà Nội đã hiện hữu. Thứ 2, có thể nói rằng trong thời gian qua mặc dù Hà Nội là thành phố lớn, tiềm lực lớn nhưng đã san sẻ, chia sớt với nhiều tỉnh thành trong cả nước chống dịch.
Đặc biệt, hỗ trợ cho TP.HCM về lực lượng y bác sĩ, trang thiết bị, lương thực thực phẩm, kể cả kinh phí… Có thể khẳng định Hà Nội đến giờ tiềm lực đã bị san sẻ cho nên nếu bùng phát dịch khi miền nam nặng nề như vậy có lẽ vô cùng khó cứu chữa, chi viện, san sẻ cho nhau.
Chúng ta phải thấy rằng, nếu Hà Nội khoẻ mạnh có thể giúp đỡ không chỉ một thành phố mà nhiều tỉnh, thành phố. Hà Nội có thể gánh vác, giúp đỡ được, chi viện được. Nhưng nếu Hà Nội bị tổn hại khi bùng dịch, tôi tin nhiều tỉnh không kham nổi.
Tôi nhớ Hà Nội từng chi viện cho các tâm dịch như: Hải Dương, Bắc Giang, Đà Nẵng, gần đây TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Hà Nội chi viện chẳng những tốt mà còn rất hữu hiệu. Tôi tin đội ngũ y bác sĩ… hữu hiệu vô cùng, tôi tin nhân dân, chính quyền địa phương khi nhận được Hà Nội chi viện đều rất vui mừng.
Như vậy, giữ được Hà Nội là giữ được cả nước. Giữ được Hà Nội sẽ chi viện cho TP.HCM, chi viện cho nhiều tỉnh thành cả nước rất thành công, rất hiệu quả…
Tôi tha thiết mong muốn Chính phủ ưu tiên vaccine để tiêm nhanh nhất trên diện rộng cho thành phố Hà Nội. Tôi tính Hà Nội chỉ cần 14-16 triệu liều vaccine. Xin nhớ từ nay đến cuối năm sẽ có khoảng 51 triệu liều vaccine phòng Covid-19 sẽ về đến Việt Nam.
Bên cạnh đó, 1 tín hiệu rất mừng của chúng ta là vaccin Nano Covax có khả năng trong tháng 9 này sẽ đưa ra sản phẩm. Việc này sẽ bù đắp thêm số lượng vaccine đưa trong nhân dân. Vì thế lượng vaccine sẽ nhiều hơn rất nhiều.
Do vậy số lượng trên không quá lớn gây ảnh hưởng đến chiến lược tiêm chủng vaccine của cả nước. Tiêm sớm cho Hà Nội rất phù hợp vì Hà Nội đang ở giai đoạn nguy cơ. Khi đã bùng phát dịch thì tiêm vaccine hiệu quả sẽ ít vì tiêm phải có khoảng thời gian nhất định sinh ra kháng thể.
Bên cạnh đó, cần lưu ý khu vực tiêm thì tập trung tiêm "vùng vàng" và "vùng xanh". Còn "vùng da cam" và đặc biệt là "vùng đỏ" thì cũng tiêm nhưng chỉ tiêm cho những người xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 âm tính thôi.
Bên cạnh nhóm đối tượng tượng được ưu tiên tiêm vaccine cũng cần ưu tiên thêm đối tượng thường xuyên giao dịch, tiếp xúc nhiều như shipper, người phục vụ… cả người vô gia cư, đời sống khó khăn. Những người này đi lang thang rất dễ lây lan dịch bệnh…
Xin trân trọng cảm ơn ông!