Dân Việt

Vaccine Covid-19 đưa các hãng dược Pfizer, Moderna bước ra "ánh sáng"

Huỳnh Dũng 29/08/2021 09:06 GMT+7
Hình thức kinh doanh vaccine khá mờ nhạt trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, nhưng mãi tới hôm nay khi tình hình dịch bệnh càng phức tạp, nó cũng khiến doanh số bán vaccine của các hãng dược quốc tế bội thu bất ngờ.

Vaccine ngừa Covid-19 đã mang lại doanh thu hàng tỷ USD cho các công ty dược phẩm hàng đầu thế giới

Tính đến nay, nhiều loại vaccine phòng Covid-19 đã được cấp phép như: Sputnik V (Nga), Pfizer/ BioNTech, Novavax, Johnson & Johnson, Moderna, Inovio (Mỹ), Covaxin (Ấn Độ), Oxford/AstraZeneca (Anh), Sinovac, Sinopharm (Trung Quốc)... Với sự xuất hiện của biến chủng Delta, một số nước giàu đã khởi động kế hoạch tiêm mũi thứ ba cho người dân, kéo theo sức ép lên dây chuyền sản xuất ở châu Âu và Mỹ. Đây là cơ hội vàng khiến các hãng dược lớn kiếm bộn tiền.

Thậm chí, theo các chuyên gia, hiện có nhiều công ty dược phẩm còn chưa gia nhập thị trường vaccine Covid-19 và trong một năm tới, tất cả các nhà sản xuất vaccine Covid-19 hiện tại đều sẽ có chiến lược cho mũi vaccine tăng cường.

COVID-19 giống như gà đẻ trứng cho những hãng dược phẩm. Ảnh: @AP.

COVID-19 giống như gà đẻ trứng cho những hãng dược phẩm. Ảnh: @AFP.

Nhờ sự thành công từ vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech và Moderna, công nghệ mRNA dùng trong điều chế vaccine đang thu hút sự quan tâm rất lớn. Các nhà nghiên cứu, đầu tư và sản xuất dược phẩm hiện đang đổ xô vào thị trường sôi động này.

Công nghệ mRNA được sử dụng sản xuất hai vaccine nói trên đã tạo ra bước ngoặt trong ứng phó với đại dịch Covid-19 và là bước đột phá đối với cộng đồng khoa học, vì mức độ hiệu quả phòng Covid-19 rất cao.

Không giống như các loại vaccine truyền thống đưa virus bị suy yếu hoặc bất hoạt để tạo ra phản ứng miễn dịch, vaccine mRNA dạy các tế bào tạo ra một loại protein kích hoạt phản ứng miễn dịch. Trên thực tế, công nghệ mRNA không chỉ giới hạn cho việc sản xuất vaccine chống Covid-19 mà còn là cơ sở để sản xuất nhiều loại vaccine khác như cúm, sốt rét... hiện đang được nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới.

Ngoài ra, công nghệ này còn có thể được nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm điều trị trong các lĩnh vực khác như ung thư, bệnh truyền nhiễm, bệnh hiếm gặp, bệnh tự miễn dịch hay y học tái tạo.

Theo thống kê của Công ty Roots Analysis, cho đến nay đã có hơn 150 loại vaccine và sản phẩm điều trị dựa trên công nghệ mRNA đang được nghiên cứu và đánh giá ở các giai đoạn tiền lâm sàng hoặc lâm sàng. Những triển vọng đầy hứa hẹn nói trên đang thu hút một loạt nhà đầu tư quan tâm đến ngành công nghiệp tương lai này.

Chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn nhất lịch sử đang diễn ra trên toàn cầu đã mang lại lợi nhuận khổng lồ cho các công ty sản xuất vaccine Covid-19 không chỉ trong năm nay mà trong nhiều năm tới.  Ảnh: @AFP.

Chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn nhất lịch sử đang diễn ra trên toàn cầu đã mang lại lợi nhuận khổng lồ cho các công ty sản xuất vaccine Covid-19 không chỉ trong năm nay mà trong nhiều năm tới. Ảnh: @AFP.

Trở lại với đề tài chính, vậy các hãng dược thu bao nhiêu tiền từ việc bán vaccine trong mùa dịch?

1. Pfizer: Dự kiến tổng doanh số bán vaccine trong năm 2021 sẽ đạt 33,5 tỷ USD, cao hơn mức dự đoán 26 tỷ USD trước đó

Vaccine của Pfizer được phát triển bởi liên minh Pfizer và BioNTech đến từ Đức. Đây là vaccine đầu tiên được nhiều nước công nhận nhờ sử dụng công nghệ mRNA an toàn, hiệu quả và nhanh chóng. Tuy nhiên chi phí marketing và tiêu chuẩn bảo quản quá cao (-70 độ C) khiến vaccine này có giá thành không hề rẻ.

Chính phủ các nước trên thế giới đã đặt khoảng 780 triệu mũi tiêm, ví dụ như Mỹ đặt mua 200 triệu liều với giá 3,9 tỷ USD, Liên minh Châu Âu (EU) đặt 300 triệu liều. Ngoài ra khoảng 40 triệu liều sẽ được chuyển đến các quốc gia có thu nhập thấp hơn thông qua chương trình hỗ trợ Covax. Thông thường vaccine Pfizer có giá bình quân khoảng 39 USD cho hai liều ở Mỹ và khoảng 30 USD ở EU tùy vào đợt đàm phán.

Vaccine của Pfizer được phát triển bởi liên minh Pfizer và BioNTech đến từ Đức. Ảnh: @AFP.

Vaccine của Pfizer được phát triển bởi liên minh Pfizer và BioNTech đến từ Đức. Ảnh: @AFP.

Báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2021 cho thấy vaccine của Pfizer đạt doanh số 7,8 tỷ USD và dự kiến tổng doanh số cả năm của sản phẩm này sẽ đạt 33,5 tỷ USD, cao hơn mức dự đoán 26 tỷ USD trước đó.

Nguyên nhân chính cho đà tăng này là sự bùng phát mạnh của các biến thể mới như Delta đe dọa đến khả năng dập dịch của nhiều nước. Thêm nữa, việc một số quốc gia xem xét tiêm chủng liều thứ 3 cho người dân sau 6 tháng nhằm đảm bảo đề kháng cũng khiến nhu cầu vaccine đi lên. Tất nhiên Pfizer cũng phải chia đều lợi nhuận với BioNTech.

Tổng doanh thu cuối cùng hiện vẫn chưa thể xác định bởi Pfizer cho biết họ có thể cung cấp 2 tỷ liều vaccine trong năm nay, và con số có thể còn tăng do nhu cầu lớn từ các đợt bùng dịch mới.

Giá cổ phiếu của Pfizer đã tăng 28,72% từ đầu năm đến nay còn của BioNtech là 331,58%. Nhờ đà tăng giá này mà cặp vợ chồng sáng lập nên BioNtech là Ugur Sahin và Ozlem Tureci, vốn đều là bác sĩ đã trở thành tỷ phú vào năm 2020.

2. Moderna: Kỳ vọng doanh số đạt 18,4 tỷ USD nhưng có thể đạt cao hơn 19,6 tỷ USD trong năm 2021

Được biết, Moderna là công ty có trụ sở tại Mỹ và dù cũng dùng công nghệ mRNA nhưng tiêu chuẩn bảo quản lại thấp hơn Pfizer khi chỉ cần giữ ở (-20 độ C). Chính phủ Anh đã đặt hàng tổng cộng 17 triệu liều vaccine Moderna, EU đặt 310 triệu liều và nhiều khả năng sẽ đặt thêm 150 triệu liều cho năm 2022. Mỹ cũng đặt hàng 300 triệu liều, Nhật Bản đã mua 50 triệu liều.

Vaccine của Moderna thu phí bình quân 30 USD cho 2 mũi tiêm tại Mỹ và 36 USD ở EU.

Hãng Moderna cho biết họ đặt kỳ vọng doanh số 18,4 tỷ USD trong năm 2021. Trong khi đó chuyên gia Gena Wang của Barclays dự đoán doanh số của hãng này sẽ đạt 19,6 tỷ USD năm 2021, 12,2 tỷ USD năm 2022, 11,4 tỷ USD năm 2023 với giả đỉnh vaccine của họ được tiêm chủng định kỳ.

Moderna là công ty có trụ sở tại Mỹ và dù cũng dùng công nghệ mRNA nhưng tiêu chuẩn bảo quản lại thấp hơn Pfizer khi chỉ cần giữ ở (-20 độ C)

Moderna là công ty có trụ sở tại Mỹ và dù cũng dùng công nghệ mRNA nhưng tiêu chuẩn bảo quản lại thấp hơn Pfizer khi chỉ cần giữ ở (-20 độ C)

Giá cổ phiếu của Moderna đã tăng 258,27% từ đầu năm đến nay. CEO Stephane Bamcel của hãng hiện đang nắm giữ 9% cổ phần, tương đương tổng giá trị 5 tỷ USD.

3. Johnson&Johnson (J&J): Đặt mục tiêu bán được ít nhất 1 tỷ liều trong năm 2021, đạt doanh số 10 tỷ USD

Vaccine của J&J là loại đầu tiên tiêm chủng ngừa Covid-19 chỉ bằng 1 mũi tiêm. Chi nhánh Janssen của J&J là nơi phát triển vaccine ngừa Covid-19 được đặt tại Bỉ.

Sản phẩm của J&J được Mỹ thông qua vào cuối tháng 2/2021 và có thể để ở nhiệt độ tủ đông thường theo tiêu chuẩn trong vòng ít nhất 3 tháng. Những nơi đặt hàng nhiều nhất vaccine này là Mỹ và Anh với 30 triệu liều và tiếp tới đây là 22 triệu liều nữa. Phía EU cũng đã đặt tới 400 triệu liều còn chương trình Covax đã được cam kết sẽ nhận 500 triệu liều từ nay cho đến năm 2022.

Hãng J&J đặt mục tiêu bán được ít nhất 1 tỷ liều trong năm nay, tương đương doanh số 10 tỷ USD. Mức phí bình quân cho mỗi liều vaccine ngừa Covid-19 của J&J tại Mỹ vào khoảng 10 USD/người. Còn giá cổ phiếu của J&J đã tăng 10,73% từ đầu năm đến nay.

4. AstraZeneca: Sẽ đạt 1,9 tỷ USD trong năm nay và 3 tỷ USD năm 2022 do AstraZeneca vốn đặt mục tiêu phi lợi nhuận

Giá cổ phiếu của AstraZeneca đã tăng 15,83% từ đầu năm đến nay. Ảnh: @AFP.

Giá cổ phiếu của AstraZeneca đã tăng 15,83% từ đầu năm đến nay. Ảnh: @AFP.

Loại vaccine này được phát triển trong chương trình hợp tác với đại học Oxford-Anh và sử dụng công nghệ vector. Tiêu chuẩn bảo quản vaccine này khá thấp khi có thể giữ ở nhiệt độ tủ đông thường.

Những nước đặt hàng nhiều nhất bao gồm Anh với 100 triệu liều, EU với 400 triệu liều, Mỹ với 300 triệu liều. Về doanh số, các chuyên gia của SVB Leerink dự đoán hãng này có thể đạt 1,9 tỷ USD trong năm nay và 3 tỷ USD năm 2022 do AstraZeneca vốn đặt mục tiêu phi lợi nhuận. Tuy nhiên con số này có thể cao hơn nếu Astra bán được 3 tỷ liều như mục tiêu họ đã đề ra. Hiện mức giá cho mỗi seri 2 liều tiêm của Astra vào khoảng 4,3-10 USD.

Giá cổ phiếu của AstraZeneca đã tăng 15,83% từ đầu năm đến nay.

5. Sputnik V

Mặc dù chưa được EU chính thức công nhận nhưng nhiều nước như Hungary, Slovakia đã mua vaccine Sputnik V của Nga. Chúng được phát triển bởi viện Gamaleya từ vốn đầu tư của quỹ RDIF. Theo thống kê, hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ bao gồm Iran, Algeria, Mexico đã đặt hàng vaccine này.

Tờ The Guardian cho biết vaccine Sputnik V đang gặp vấn đề khi đưa vào sản xuất với số lượng lớn. Tuy nhiên trong cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times, quỹ RDIF cho biết họ đã ký hợp đồng với 15 nhà máy ở 10 quốc gia để sản xuất 1,4 tỷ liều.

Phía nhà phát triển của Sputnik V cho hay, họ sẽ bán với giá 20 USD/liều hoặc thấp hơn tại thị trường quốc tế, riêng đối với thị trường Nga thì sẽ là miễn phí.

Covid-19 làm thay đổi cục diện ngành sản xuất vaccine thế giới

Có thể thấy, Covid-19 giống như gà đẻ trứng vàng hay cỗ máy in tiền cho những hãng dược phẩm. Bởi nhu cầu về vaccine ngừa Covid-19 cho toàn cầu ước tính trên dưới 14 tỷ liều, chưa tính tới mũi tăng cường. Thực tế cho đến nay, mới chỉ có khoảng 4,5 tỷ liều vaccine Covid-19 được tiêm, tức chỉ chiếm khoảng 1/3 nhu cầu. Nghĩa là còn cơ hội rất lớn để các hãng dược hái ra tiền.

Hiện ngành công nghiệp bào chế vaccine đang chiếm khoảng 5% tổng doanh thu thị trường dược phẩm toàn cầu, tương đương 60 tỷ USD. 

Trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, vaccine được xem như "át chủ bài". Hầu hết các nước trên thế giới đều có nhu cầu tiêm vaccine cho người dân vì vậy cần có nguồn cung lớn, thúc đẩy sự tăng trưởng của các hãng dược chuyên sản xuất vaccine. Ảnh: @Pixabay.

Trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, vaccine được xem như "át chủ bài". Hầu hết các nước trên thế giới đều có nhu cầu tiêm vaccine cho người dân vì vậy cần có nguồn cung lớn, thúc đẩy sự tăng trưởng của các hãng dược chuyên sản xuất vaccine. Ảnh: @Pixabay.

Bên cạnh đó, mRNA đang được xem là công nghệ sản xuất vaccine tiên tiến nhất hiện nay, với tham vọng ứng dụng không chỉ cho vaccine Covid-19, mà còn cho những dịch bệnh khác, cũng như nhiều bệnh nan y như ung thư và bệnh tim mạch.

Việc chế tạo thành công "vũ khí" cho đại dịch, giống như một khoảnh khắc "đổi đời". Cổ phiếu tăng vọt hàng trăm %, các nhà sáng lập và CEO gia nhập danh sách tỷ phú USD, vốn hóa các công ty cũng đồng loạt tiến sát và vượt qua cột mốc 100 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, đây như một "cú đấm trực diện" với nhiều ông lớn ngành, khi họ đã tỏ ra bảo thủ và chậm chạp theo đuổi các công nghệ mới.

"Trong nhiều năm, ngành dược phẩm bị chỉ trích là thiếu đổi mới sáng tạo, chỉ muốn dựa vào những công nghệ sẵn có. Chỉ đến khi công nghệ mRNA ra đời và cho thấy tiềm năng từ Covid-19, thì mọi chuyện mới bắt đầu thay đổi", ông Pierre-Yves Geoffard, Giáo sư Trường Kinh tế Paris (Pháp) cho biết.

Một thay đổi quan trọng khác liên quan đến mô hình kinh doanh trong giới dược phẩm. Thông thường một hãng lớn như Pfizer, Sanofi, GSK… sẽ mua lại các công ty khởi nghiệp hoặc mua hẳn bằng sáng chế của các hãng nhỏ như Moderna, BioNTech, nhưng thời đó đã qua.

Một mô hình hợp tác và kinh doanh mới đã xuất hiện. Dễ nhận thấy nhất là sự hợp tác thành công giữa Pfizer - BioNTech hay AstraZeneca - Đại học Oxford. Đó là các đơn vị công nghệ sinh học phát triển sản phẩm, trong khi tập đoàn dược tiến hành thử nghiệm diện rộng, xin cấp phép và sản xuất số lượng lớn. Và dĩ nhiên đôi bên cùng có lợi.

"Chúng tôi cần tốc độ phát triển của các hãng công nghệ sinh học và ngược lại, họ cũng cần tới kỹ nghệ và quy mô của chúng tôi. Mối quan hệ cộng sinh này không mới, nhưng đây là lần đầu tiên được đưa vào áp dụng trên quy mô lớn như vậy", ông Jean-François Brochard, Tổng Giám đốc chi nhánh Pháp, hãng dược phẩm Roche, chia sẻ.

Huỳnh Dũng