Vụ việc website: www.phimmoi.net bị khởi tố hình sự vì "Xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan" mới đây đã tạo ra nhiều tín hiệu mới cho việc xử lý triệt để việc vi phạm bản quyền trong lĩnh vực điện ảnh diễn ra nhiều năm trở lại đây.
Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với bà Phan Cẩm Tú – Uỷ viên BCH Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam về sự việc này.
- Sự việc "phimmoi" bị khởi tố hình sự vì “Xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan” là một dấu mốc mang tính lịch sử của pháp luật Việt Nam. Với tôi, đây là một bước tiến rất quan trọng về việc thực thi pháp luật trong bảo vệ bản quyền. Tất nhiên, sự việc chưa kết thúc và chưa có kết luận cuối cùng về xử lý đối tượng vi phạm nhưng cũng đã mở ra tiền lệ cho những vụ việc tương tự.
Chúng ta có Điều 225 của Bộ Luật hình sự quy định rất rõ về hình thức xử phạt hành vi vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, luật này chưa bao giờ được áp dụng triệt để để xử lý vi phạm bản quyền, nhất là bản quyền trên mạng. Từ trước đến nay chưa có cơ quan nào khởi tố một trang web phim “lậu” như "phimmoi" cả.
Từ sự việc này, chúng ta nhìn nhận như thế nào về vấn nạn vi phạm bản quyền và các quyền liên quan về điện ảnh trên các nền tảng trực tuyến trong nhiều năm trở lại đây?
- Khoảng gần 10 năm rồi chúng ta mới thấy có một việc vụ việc vi phạm bản quyền điện ảnh được khởi tố hình sự. Nhìn nhận ở nhiều góc độ thì rõ ràng là khá chậm. Trong khi, việc các website phim “lậu” tung hoành ngang dọc trên mạng internet và nhiều nền tảng trực tuyến cũng đã diễn ra phổ biến khoảng 6 – 7 năm rồi. Và sự vi phạm này đang xảy ra với mức độ phổ biến và ngày càng trắng trợn.
Nếu ai theo dõi câu chuyện trang “phimmoi” bị xử phạt những năm gần đây cũng thấy đầy sự thách thức. Vừa mới bị xử phạt và bắt đóng vĩnh viễn website hôm nay thì một vài ngày sau lại thấy xuất hiện một trang tương tự. Và ở một góc độ nào đó, số lượng người (khán giả tiếp cận với những bộ phim được phát hành “lậu” - PV) đang gián tiếp ủng hộ việc xem phim không mất tiền lớn hơn lượng người cảm thấy đây là một việc cần phải sòng phẳng nên vấn nạn vi phạm bản quyền mới tồn tại lâu như thế.
Vậy có thể thấy, bản quyền phim ảnh bị xâm phạm công khai nhiều năm nhưng chưa được xử lý theo đúng Luật hình sự của Việt Nam. Thêm vào đó, người Việt vẫn coi việc sử dụng “chùa”, xem phim “chùa” trên mạng là chuyện đương nhiên. Chúng ta nhìn thấy trang web đóng lại rồi lại mở ra, chỉ thay đổi chút ít tên miền nên vấn nạn này cứ tiếp diễn. “Phimmoi” còn công khai tuyên bố không ai có thể dập được “phimmoi”. Ta nhìn thấy họ không sợ nên đã thách thức việc áp dụng pháp luật tại Việt Nam.
Bà đánh giá vấn nạn vi phạm bản quyền diễn ra đã rất lâu và rất phổ biến. Vậy theo bà, nó gây tổn thất thế nào cho các đơn vị nắm giữ bản quyền của các bộ phim, tác phẩm điện ảnh?
- Chủ thể quyền tác giả của các bộ phim – tác phẩm điện ảnh là các nhà làm phim. Và khi chuyện vi phạm bản quyền này diễn ra tràn lan thì chính họ là những người bị thiệt hại đầu tiên. Mọi người thấy rằng, nhiều phim vừa ra rạp đã thấy xuất hiện trên mạng. Chỉ cần làm một phép tính đơn giản sẽ biết ngay các đơn vị sản xuất phim mất rất nhiều tiền.
Ví dụ: Khi “Cô Ba Sài Gòn” vừa ra rạp, nhà sản xuất là Ngô Thanh Vân đã phải khóc dở mếu dở vì có người quay lại tung lên mạng và nhiều người vào xem thoải mái xong còn phát tán lên nhiều kênh khác. Rõ ràng, đây là một sự thật đau đớn và trần trụi. Chưa kể, nghệ sĩ Chánh Tín và nhiều nghệ sĩ khác cũng thất bại thảm hại với bộ phim được đầu tư tiền tỷ của mình vì bị ăn cắp bản quyền.
Nhiều nhà làm phim nước ngoài rất ngại mang những bộ phim nổi tiếng vào Việt Nam bởi chúng ta không bảo vệ được phim của họ. Ngoài ra, các bạn trẻ làm phim cũng thấy rất nản khi làm phim cho người Việt Nam xem nhưng họ không tôn trọng bản quyền. Những bộ phim có giá trị, dồn nhiều tâm sức nhưng tiền kiếm được tiền từ những bộ phim lại rất thấp vì khán giả toàn xem phim “chùa”. Làm ra sản phẩm đã bị ăn cắp thì ai muốn làm nữa? Đó là một sự tổn hại rất nặng nề cho nền điện ảnh nói chung.
Bà có đề cập, các trang web phim “lậu” sau khi bị xử phạt đã tái vi phạm với một thái độ thách thức hơn. Phải chăng chúng ta đang thiếu những chế tài đủ mạnh hoặc giải pháp đồng bộ để xử lý triệt để vấn nạn này?
- Nói vậy nghe khá là vĩ mô. Tôi chỉ muốn nói rằng, với chế tài hiện nay, quy định hình phạt cao nhất là phải ngồi tù hoặc nộp phạt hàng trăm triệu đồng nhưng chúng ta vẫn chưa áp dụng được thì thêm chế tài mạnh hơn liệu có xử lý triệt để được vấn nạn này? Chắc chắn, khi các nhà làm luật đưa ra các quy định như hiện tại là cũng đã tính toán, cân nhắc và tham khảo rất nhiều. Chế tài trong luật hiện đã rất mạnh nhưng chúng ta vẫn thiếu một cơ thế để thực thi luật.
Trước nay, các đối tượng vi phạm chỉ bị xử phạt hành chính rồi được thả ra. Chưa kể, có một chuyện rất rõ ràng là người đứng sau các trang web phim “lậu” họ giấu mặt. Đôi khi chúng ta không thể xác định được sever (máy chủ) của họ ở đâu. Server của họ đặt ở nước ngoài thì việc xử lý rất khó mà theo quy định phải bắt được mới truy cứu, truy tố được.
Đương nhiên, khi họ đã rắp tâm thực hiện hành vi ăn cắp bản quyền trên mạng thì họ cũng đủ khôn để trốn tránh, để không bị luật pháp truy cứu và để trang web có thể đương nhiên hoạt động. Chính bởi vậy nên họ không sợ. Đó là lý do “phimmoi” lột xác như ve sầu, gần 10 năm trời nhưng không làm gì được họ. Đó là sự vi phạm trắng trợn mà chúng ta bất lực.
Nghĩa là chúng ta cần nhìn lại về phương pháp thực thi luật đúng không, thưa bà?
- Điều đó là chắc chắn rồi. Đó là lý do tôi đánh giá cao việc khởi tố hình sự "phimmoi" vì “Xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan”. Tôi đang trông chờ kết quả sẽ thế nào bởi đây sẽ là bài học nhãn tiền cho những trang website khác. Các website đang vi phạm bản quyền sẽ nhìn thấy cơ quan thực thi luật đang mạnh tay trong việc xử lý vi phạm để điều chỉnh lại hành vi của mình.
Hành vi ăn cắp bản quyền không rõ rệt như việc ăn một chiếc điện thoại bởi nó không nhìn thấy được, không cụ thể giá trị… nhưng sự thiệt hại và tổn thất về kinh tế nhiều khi lên tới hàng tỷ đồng. Nhiều người cũng không cảm thấy ăn cắp bản quyền là một sự vi phạm nên đôi khi vô tình lại tiếp tay cho hành vi này.
Nhiều người đặt ra câu hỏi rằng, chúng ta cứ tập trung vào đối tượng chính là các website vi phạm bản quyền, còn đối tượng người xem đang gián tiếp tiếp tay cho hành vi vi phạm bản quyền lại không bị xử phạt. Vì thế, các website phim “lậu” vẫn tiếp tục bất chấp pháp luật. Bà nghĩ sao về điều này?
- Tôi cho rằng, việc xử lý người xem phim lậu rất khó. Bởi người xem có quyền xem mọi thứ có sẵn trên mạng. Việc cấm không cho người ta xem lại là một việc khác. Cái tôi muốn đề cập ở đây là nâng cao ý thức người xem. Điều này nằm ở việc tuyên truyền, quảng bá về bản quyền. Thêm nữa, việc áp dụng chế tài mạnh cho đối tượng vi phạm bản quyền cũng là bài học cho người xem, vì người ta sẽ thấy đây là hành động xấu. Trong 10 người có 5 người nghĩ đó là việc xấu, mình không nên làm thì đã tốt lên rất nhiều rồi. Vì vậy, tôi nghĩ không thể cấm được người xem nhưng có thể tuyên truyền để họ cùng pháp luật trừng trị nghiêm khắc những người vi phạm để thay đổi tình hình.
Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!