Dân Việt

Gia Lai: Nuôi đàn heo rừng lai to bự, bản làng Klăh thêm nhiều hộ khá giàu

Trần Dung (Báo Gia Lai) 30/08/2021 15:45 GMT+7
Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi heo rừng lai ở làng Klăh, xã Ia Kly huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) có 5 thành viên đang chăn nuôi gần 100 con heo lai. Nhờ nuôi heo rừng lai mà các thành viên trong tổ đều có thu nhập khấm khá.

Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân ở huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã thành lập nhiều tổ hội nghề nghiệp, tập hợp những nông dân cùng sở thích để liên kết phát triển sản xuất, hình thành chuỗi giá trị nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Chị Rơ Lan Nhi (làng Klăh, xã Ia Kly) cho biết: Năm 2019, sau khi được tham gia tập huấn kỹ thuật chăn nuôi heo rừng, chị vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân của huyện để mua 4 con heo rừng lai giống với giá 25 triệu đồng.

Gia Lai: Nuôi đàn heo rừng lai to bự, bản làng thêm nhiều hộ khá, giàu - Ảnh 1.

Chị Rơ Lan Nhi (làng Klăh, xã Ia Kly) phấn khởi vì hiệu quả hoạt động của tổ hội chăn nuôi heo rừng lai. Ảnh: Trần Dung

Sau 1 năm, đàn heo rừng lai phát triển lên hơn 30 con. Năm đầu tiên, chị tích lũy được trên 50 triệu đồng từ việc bán heo giống.

"Khi tham gia tổ hội chăn nuôi heo, tôi học hỏi thêm kinh nghiệm từ các hộ khác. Nhờ vậy mà đàn heo của gia đình được chăm sóc tốt hơn, ngày càng phát triển"-chị Nhi chia sẻ.

Được thành lập tháng 5/2019, Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi heo rừng lai xã Ia Kly có 5 thành viên đang chăn nuôi gần 100 con heo lai.

Anh Siu Hoan-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Kly-cho hay: "Hoạt động của Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi heo rừng lai đã góp phần phát triển chăn nuôi của địa phương. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền để hội viên, nông dân hiểu và tham gia tổ hội".

Tương tự, Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi dê xã Ia Boòng đã thu hút nhiều nông dân trên địa bàn xã tham gia, tạo ra hướng đi mới, góp phần giảm nghèo bền vững.

Gia Lai: Nuôi đàn heo rừng lai to bự, bản làng thêm nhiều hộ khá, giàu - Ảnh 3.

Hiện tổng đàn dê của Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi dê xã Ia Boòng đã lên gần 300 con. Ảnh: Trần Dung

Ông Rơ Châm Dung-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Boòng-thông tin: Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi dê có 18 thành viên ở 6 thôn, làng. Mỗi tháng, tổ hội sinh hoạt định kỳ để các thành viên trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh, trồng cỏ và liên kết tìm đầu ra sản phẩm. Hiện tại, tổng đàn dê của tổ hội đã lên gần 300 con.

Cũng theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Boòng, đầu năm 2021, nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện đã giải ngân 200 triệu đồng cho 10 hội viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Đến nay, các hộ đều sử dụng nguồn vốn vay mua dê giống, mở rộng chuồng trại. Ngoài ra, xã còn có Tổ hội chăn nuôi bò cũng hoạt động khá hiệu quả.

"Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thành lập Tổ hội chăn nuôi heo trắng và Tổ hội trồng cây ăn quả. Hy vọng, những mô hình này sẽ giúp nông dân tự tin, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập và vươn lên làm giàu chính đáng"-ông Dung nói.

Hiện nay, các cấp Hội Nông dân ở huyện Chư Prông đã ra mắt 22 tổ hội nghề nghiệp với 380 thành viên tham gia, hoạt động trong các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt.

Với ưu thế mô hình tổ chức gọn, số lượng thành viên vừa phải, các tổ hội đã xây dựng quy chế hoạt động cụ thể, chặt chẽ. Nội dung sinh hoạt phù hợp, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của thành viên.

Bà Siu Hler-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Prông-cho biết: Việc thành lập các tổ hội nghề nghiệp là tiền đề hình thành tư duy sản xuất theo chuỗi giá trị, mở rộng quy mô sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm.

Cùng với đó, các tổ hội nghề nghiệp đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: cung ứng vật tư, phân bón, giống cây trồng, vật nuôi, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản, góp phần tạo việc làm, cải thiện đời sống cho hội viên.