Dân Việt

Phê duyệt đề án đào tạo nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực cho 300.000 lượt người

Thùy Anh 30/08/2021 21:30 GMT+7
Sẽ có ít nhất 300.000 lượt người ở 20 ngành nghề được đào tạo, bồi dưỡng thí điểm nâng cao kỹ năng nghề dưới 1 năm để thích ứng với Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Đào tạo thí điểm cho lao động ở 20 ngành nghề

Ngày 30/8, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ký Quyết định số 1446/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình "Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4".

Theo đó, chương trình nhằm xây dựng mô hình đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực ở các trình độ giáo dục nghề nghiệp để có kiến thức, kỹ năng phù hợp, có thể tiếp thu, làm chủ, khai thác, vận hành hiệu quả những tiến bộ công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Bên cạnh đó, thực hiện gắn kết, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp về nhân lực. Góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư FDI mới dịch chuyển vào Việt Nam.

Dự kiến đề án sẽ đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho 30.000 lượt lao động. Ảnh: N.T chụp tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội

Dự kiến đề án sẽ đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho 300.000 lượt lao động. Ảnh: N.T chụp tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội.

Mục tiêu cụ thể của Chương trình là đào tạo các ngành nghề mới và các kỹ năng nghề mới cho ít nhất 20 ngành, nghề ở trình độ cao đẳng và trung cấp ưu tiên cho các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ mới, công nghệ cao, các kỹ năng tương lai đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Số lượng người học được đào tạo ít nhất ở mỗi ngành, nghề/trình độ là 120 người. Tổng số người học tham gia đào tạo thí điểm khoảng 4.800 người.

Đào tạo lại nâng cao kiến thức, kỹ năng gắn với chuyển đổi việc làm cho người lao động bị tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cho ít nhất 300.000 lượt người với thời gian đào tạo, bồi dưỡng dưới 1 năm.

Xác định ngành, nghề đào tạo, kỹ năng nghề và mô hình đào tạo mới trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp nhằm thích ứng với yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân.

Nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình là đánh giá, xác định nhu cầu đào tạo, đào tạo lại; xây dựng các chương trình đào tạo, đào tạo lại; nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp và người dạy trong doanh nghiệp; lựa chọn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp để đặt hàng đào tạo, đào tạo lại; tổ chức đào tạo, đào tạo lại; tổng kết, đánh giá kết quả đào tạo, đào tạo lại.

Nhóm ngành dệt may cũng sẽ là một trong những ngành được lựa chọn để đào tạo lại giúp nâng cao kỹ năng nghề cho lao động. Ảnh: N.T

Nhóm ngành dệt may cũng sẽ là một trong những ngành được lựa chọn để đào tạo lại giúp nâng cao kỹ năng nghề cho lao động. Ảnh: N.T

Trong đó, Nhà nước đặt hàng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được lựa chọn tham gia đào tạo hoặc đào tạo lại trong Chương trình theo hình thức chính quy hoặc thường xuyên; đặt hàng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc doanh nghiệp được lựa chọn để đào tạo, đào tạo lại trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo khác trong Chương trình.

Xây dựng kế hoạch đào tạo có phân công trách nhiệm của cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong việc tổ chức thực hiện đào tạo, đào tạo lại; xây dựng, vận hành cổng thông tin điện tử để quản lý, kết nối các thành phần tham gia Chương trình, phục vụ việc triển khai và quản lý, theo dõi Chương trình hiệu quả.

Dự kiến nguồn kinh phí triển khai chương trình được lấy từ ngân sách Nhà nước bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của Bộ LĐTBXH; nguồn thu sự nghiệp của các trường tham gia đào tạo; kinh phí từ các quỹ hợp pháo theo quy định của pháp luật; kinh phí lồng ghép từ các chương trình, dự án khác được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các hợp tác quốc tế, nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và nguồn vốn hợp pháp khác.

Tổ chức đào tạo, đào tạo lại tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc tại doanh nghiệp hoặc kết hợp cả hai phương thức theo hình thức vừa học vừa làm, thời gian đào tạo phù hợp theo tính chất của kỹ năng và mức độ thiếu hụt kiến thức, kỹ năng; tăng cường việc gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp nhằm sử dụng có hiệu quả trang thiết bị và công nghệ của doanh nghiệp phục vụ cho công tác đào tạo, hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học trong quá trình đào tạo và thực tập tại doanh nghiệp; thực hiện việc tổ chức đào tạo, kiểm tra, đánh giá kết quả đào tạo theo quy định; thanh quyết toán theo số lượng và chất lượng người học tốt nghiệp.

Lý do phải nâng cao đào tạo kỹ năng nghề cho lao động

Lý giải cho việc trình Dự thảo đề án trên vào tháng 7/2021, lãnh đạo Bộ LĐTBXH cho rằng thời công nghiệp 4.0 mở ra nhiều cơ hội về kinh doanh các ngành nghề mới, kéo theo việc làm mới. Sự thay đổi này cũng khiến nhiều ngành nghề mất đi, máy móc thay thế con người. Trong khi đó, thực tế chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Kiến thức, kỹ năng học viên học được trong trường dù đã được cải thiện nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, có thể không hữu dụng với nền kinh tế thay đổi, dễ bị máy móc thay thế trong tương lai gần.

Nhóm ngành nghề liên quan tới cơ điện cũng sẽ được hỗ trợ đào tạo thí điểm nâng cao kỹ năng cho lao động. Ảnh: N.T

Nhóm ngành nghề liên quan tới cơ điện cũng sẽ được hỗ trợ đào tạo thí điểm nâng cao kỹ năng cho lao động. Ảnh: N.T

Thống kê của cơ quan quản lý và các tổ chức quốc tế cho thấy, năm 2018, năng suất lao động của người Việt chỉ bằng 7,3% của lao động ở Singapore, bằng 19% của Malaysia, 37% của Thái Lan, 44% của Indonesia và bằng 55% của Philippines (số liệu của Bộ Kế hoạch Đầu tư). Lãnh đạo Bộ LĐTBXH cho rằng, Việt Nam cần giải pháp chủ động để ứng phó với những tác động, giải quyết việc làm cho lao động dư thừa và chặn nguy cơ công nghệ lạc hậu được nhập từ nước ngoài về.

Xuất phát từ thực tiễn đó, Bộ LĐTBXH đã đề xuất để Chính phủ phê duyệt đề án "Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4".