Được biết, Trung Quốc là thị trường thương mại điện tử lớn bậc nhất thế giới. Sự bùng nổ trong nhu cầu mua sắm đã kéo theo các dịch vụ logistic cùng phát triển.
Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 cũng thúc đẩy sự chuyển dịch từ tiêu dùng ngoại tuyến sang trực tuyến, và gia tăng nhu cầu giao hàng không tiếp xúc tại quốc gia tỷ dân này. Ngoài ra, theo tính toán của tổ chức WHO, dân số Trung Quốc đang bị già hóa đi. Dự kiến tỷ lệ người trên 60 tuổi tại quốc gia này sẽ đạt 28% dân số vào năm 2040. Điều này dẫn đến việc lượng shipper sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu trong tương lai của thị trường sôi động này.
Nắm được tình hình này, trong chiến lược kinh doanh mới, Alibaba sẽ bắt đầu tiến hành triển khai thử nghiệm 1.000 robot giao hàng trong khuôn viên trường đại học và các khu dân cư trên khắp Trung Quốc. Những robot này có tên là "Xiaomanlv" (nghĩa là "con lừa nhỏ" trong tiếng Quan Thoại), do Trung tâm nghiên cứu Damo Academy của Alibaba trực tiếp chế tạo.
Trước mắt, Alibaba chọn khuôn viên đại học và khu dân cư để thử nghiệm vì giao thông ở đây thưa thớt và phương tiện di chuyển chậm hơn so với nơi khác. Động thái thử nghiệm này là để hoàn thiện khâu cuối cùng trong chuỗi cung ứng tự động, từ đặt hàng, sản xuất cho tới phân phối hàng hóa tới tay người tiêu dùng.
Dòng robot này có thể chứa 50 gói hàng cùng lúc, và như thế nó có thể giao đến 500 gói hàng trong vòng 1 ngày. Và điều ngạc nhiên là chúng có thể di chuyển tới cự ly 100 km chỉ với một lần sạc ở mức sạc 4 kWh.
Về cách thức hoạt động thử nghiệm đầu tiên, các robot này nhận bưu kiện tại điểm lấy hàng của dịch vụ chuyển phát nhanh địa phương, sau đó đi đến nơi ở của khách hàng. Chúng chạy trên vỉa hè và trên làn đường dành cho xe đạp. Tuy nhiên, đáng tiếc một điều là chúng chưa có khả năng đi lên cầu thang.
Ở một tầm cao mới, trong tương lai các robot sẽ tiếp tục được nâng cấp công nghệ, thuật toán để học được cách điều hướng, tránh chướng ngại vật trên những con phố nhỏ và ngõ cụt, hay đông đúc.
Ngoài ra, còn có vấn đề nhức nhối khi giao hàng trong thương mại điện tử khiến các shipper gặp khó khăn đó là họ có thể bị lạc, khi tìm địa chỉ giao hàng trong các chung cư hoặc khu dân cư lớn đông đúc.
"Giao hàng tận nơi luôn là một vấn đề nhức nhối của thương mại điện tử. [Khi được thực hiện bởi con người], nó tốn kém, mất thời gian và phần lớn chệch ra khỏi quỹ đạo", Ailibaba từng cho biết trên website chính thống của mình.
Thế nhưng robot mới của Alibaba có thể giao hàng mà không bị chệch hướng hay ngừng giữa chừng. Bởi thuật toán của Alibaba vạch ra con đường nhanh nhất để robot đến trước cửa nhà khách hàng một cách chính xác nhất.
Ở mức độ thử nghiệm hiện tại, robot này được tích hợp bản đồ khu vực và hệ thống GPS giúp nó có thể hoạt động ngay cả trong tầng hầm. Hệ thống AI cho phép robot tự nhận diện chuyển động của con người và phương tiện xung quanh trong 5 đến 10 giây tiếp theo để tránh va chạm. Theo công bố của Alibaba, robot này có thể nhận diện được hành động của 100 người đi bộ và các phương tiện giao thông chỉ với độ trễ 0,01 giây.
Trong các bài thử nghiệm ban đầu, khả năng tự vận hành của robot của Xiaomanlv đạt mức 99,99% thời gian, thực hiện thành công 97% các nhiệm vụ giao hàng. Các chuyên gia trong lĩnh vực tự động hoá đánh giá robot của Alibaba đạt 4/5 điểm trong thang đo tự động hóa. Hiện chưa phương tiện nào đạt mức 5/5. Đây là mức độ robot phải xử lý hàng loạt dữ liệu giao thông cần thiết để có thể di chuyển trên những con đường đông đúc. Tuy nhiên, Alibaba cho rằng chỉ cần đạt cấp độ 4 là robot "con lừa nhỏ" của họ đã có thể giải quyết bài toán giao hàng.
Thậm chí, trong tương lai, dòng robot này của Alibaba có thể thay thế loại xe nâng chuyên dụng trong các kho hàng, nhà máy, hoặc giúp xử lý rác thải y tế trong bệnh viện, vận chuyển hành lý của hành khách tại sân bay…
Trước đó vào năm 2018, Tập đoàn bán lẻ trực tuyến hàng đầu Trung Quốc Alibaba cũng đã tiến hành thử nghiệm một mẫu robot giao hàng tự động có tên là G Plus, thực chất là một chiếc xe không người lái cỡ nhỏ.
Cụ thể, chú robot này có thể vận chuyển những món hàng mà người dùng đã đặt mua qua mạng một cách an toàn và nhanh chóng với tốc độ di chuyển tối đa là 15 km/h. Hàng hóa sẽ được bảo vệ trong một ngăn tủ cao cấp với lớp khóa sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt. Ngay cả với các loại thực thẩm, thức ăn cũng sẽ được đảm bảo chất lượng bên trong ngăn tủ này.
Alibaba tiến hành thử nghiệm G Plus trong điều kiện thực tế ngay tại trụ sở chính ở Hàng Châu, Trung Quốc, và robot này có thể mang theo rất nhiều loại bưu kiện có kích thước khác nhau, cùng khả năng di chuyển một quãng đường dài hơn rất nhiều so với những phiên bản tiền nhiệm.
Ngoài ra, ngăn tủ chứa hàng của G Plus cũng có thể linh hoạt thay đổi hình dáng và thể tích tùy theo loại hàng hóa mà robot này phải vận chuyển. Nhờ hệ thống định vị LIDAR giúp tái tạo bản đồ 3D theo thời gian thực một cách chính xác, G Plus có thể cảm nhận được người đi đường và các phương tiện xung quanh. Nhờ đó, nó có thể giảm tốc độ xuống còn khoảng 10 km/h, tránh tình trạng phanh gấp và hạn chế xảy ra tai nạn giao thông.
Sau khi đến địa điểm cần giao hàng, G Plus tự động "thả" hộp đựng hàng tương ứng theo dữ liệu được cung cấp từ trước.
Tính tới thời điểm hiện tại, ngoài Alibaba, các công ty thương mại điện tử Trung Quốc khác cũng đang chạy đua phát triển mạng lưới logistic của riêng họ trong bối cảnh người tiêu dùng mong muốn giao hàng nhanh hơn và linh hoạt hơn nhiều so với quá khứ. Kể từ khi Covid-19 bùng phát, nhiều ông lớn công nghệ đã triển khai robot giao hàng để duy trì hoạt động trong khi thiếu nhân lực. Trang thương mại điện tử JD.com còn có cả dịch vụ giao hàng bằng máy bay không người lái.