Ngày 31/8, chia sẻ với Dân Việt, PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) cho biết, chưa có bằng chứng rõ ràng về việc chó mèo, vật nuôi là vật chủ trung gian truyền bệnh Covid-19 cho người.
Tuy nhiên, đã có những công bố xét nghiệm thấy virus SARS-CoV-2 trong chó mèo và nguy cơ lây lan theo cơ chế qua đường hô hấp của vật nuôi là thấp.
PGS Phu cho rằng, việc lây nhiễm Covid-19 từ chó mèo là có nếu như người mắc Covid-19 ôm ấp, vuốt ve, chăm sóc chó mèo. Khi đó, người nhiễm có thể ho, hắt hơi, lây dính nước bọt mang virus SARS-CoV-2 lên lông, da của vật nuôi.
Từ đó, người không mắc bệnh ôm ấp chó mèo thì có thể lây dính virus lên tay, đưa lên mũi, miệng và lây nhiễm Covid-19 hoặc lông chó mèo mang virus có thể lây dính lên các đồ vật khác và có nguy cơ lây sang người khác.
"Chó mèo, vật nuôi khác có thể giống như "vật dụng" lây dính virus khác và lây nhiễm qua người khác khi cầm nắm, sờ phải rồi đưa lên mũi miệng. Do vậy, cũng tương tự các biện pháp phòng chống lây nhiễm virus SARS-CoV-2 khác, vì vậy mọi người, đặc biệt là các F0 không nên ôm ấp chó mèo, tránh dùng chung các đồ vật khác với người nhà nếu cách ly tại nhà", PGS Phu khuyến cáo.
Trong tài liệu Hướng dẫn chăm sóc F0 điều trị tại nhà vừa được công bố, Bộ Y tế có khuyến cáo các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm, trong đó có quy định đối với gia đình có vật nuôi.
Theo đó: "Người nhiễm SARS-CoV-2 không nên tiếp xúc với vật nuôi vì đã có bằng chứng cho thấy virus lây lan sang động vật; Người cùng nhà với người không nhiễm cũng không nên tiếp xúc gần với vật nuôi; Không để vật nuôi tiếp xúc với người và các động vật khác ngoài gia đình".
Bộ Y tế cũng cho biết đã có bằng chứng Covid-19 lây từ động vật sang người qua các đường lây.
Hướng dẫn mới của Bộ Y tế cũng nhắc lại những nguyên tắc cơ bản khi F0 cách ly điều trị tại nhà. Theo đó, người nhiễm được bố trí phòng ngủ và phòng vệ sinh riêng. Nếu không có phòng riêng, gia đình cần đánh dấu không gian riêng cho người nhiễm và luôn giữ khoảng cách tối thiểu 2 m. Không dùng chung bát đĩa, ly uống nước, bộ dụng cụ ăn, khăn tắm hoặc bộ đồ giường với những người khác trong nhà. Bảo đảm nhà ở thông thoáng. Tuyệt đối không di chuyển ra khỏi khu vực cách ly.
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước trong tối thiểu 30 giây hoặc dung dịch rửa tay khô có chứa cồn ở nồng độ tối thiểu 60% trong ít nhất 15 giây. Thời điểm rửa tay là trước và sau khi nấu ăn; trước và sau khi ăn uống; sau khi ho, hắt hơi, xì mũi; sau khi chạm vào các vật dụng, bề mặt; sau khi đi vệ sinh; sau khi thu dọn rác thải.
Luôn mở cửa sổ, cửa lối đi khi có thể nhằm không khí luôn được thay đổi. Không sử dụng hệ thống điều hòa trung tâm với các phòng khác. Không để luồng khí thổi từ phòng người nhiễm vào không gian chung. Sử dụng quạt, máy lọc không khí.
Người cùng sống trong gia đình và cộng đồng cần tuân thủ, cách ly người nhiễm. Vệ sinh tay thường xuyên, đeo khẩu trang, sử dụng găng tay đúng cách. Vệ sinh dụng cụ ăn uống tránh lây nhiễm. Vệ sinh bề mặt môi trường sạch sẽ. Xử lý đồ vải và vật dụng đúng quy định; quản lý chất thải đúng cách.