Từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, trực tiếp đe dọa tính mạng con người và sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, Ðảng, Nhà nước và Chính phủ đã triển khai nhiều chủ trương, giải pháp, ban hành những quyết sách phù hợp, thiết thực để vừa phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, bảo đảm phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau".
Đặc biệt, khi làn sóng dịch thứ tư xảy ra, phương châm này tiếp tục được Chính phủ thực hiện một cách nhất quán.
Theo GS-Anh hùng lao động Nguyễn Anh Trí - ĐBQH khóa XIV, XV, từ năm 2020, trước các nguy cơ mà dịch Covid-19 đã và đang đe dọa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - nay là Chủ tịch nước, thay mặt Ðảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã khẳng định phương châm hành động "không để ai bị bỏ lại phía sau".
Từ đó đến nay, phương châm hành động này luôn được triển khai thực hiện có tính nguyên tắc, thể hiện qua các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước và Chính phủ, hành động của toàn hệ thống chính trị, các tổ chức kinh tế, xã hội và toàn dân…
Kể cả trong bối cảnh đất nước có sự chuyển giao và kiện toàn bộ máy lãnh đạo, phương châm và các quyết sách đó vẫn luôn nhất quán, là ưu tiên số một, luôn thống nhất duy trì thực hiện ở mức cao nhất.
"Chính phủ luôn chủ động, linh hoạt xử lý trong các tình huống xảy ra. Đồng thời, sử dụng các nguồn lực, cơ chế chính sách để khai thác một cách tối đa các phương tiện chữa trị, sớm ổn định được tình hình, giảm nguy cơ các ca tử vong cho người dân".
GS Bùi Đức Thụ
Trao đổi với PV NTNN/Dân Việt, TS Bùi Đức Thụ - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nguyên Phó Trưởng ban Công tác đại biểu, Ủy viên Thường vụ Quốc hội, cho rằng, dịch Covid-19 là thảm họa toàn cầu, tác động đến nhiều nước trên thế giới về để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng.
"Đứng trước tình hình đó, một trong điểm sáng và đáng tự hào của Việt Nam là Chính phủ của chúng ta đã nỗ lực hết sức, bằng mọi giải pháp, tiến hành một cách quyết liệt, kịp thời để phòng chống dịch và sản xuất kinh doanh ở mức có thể để ổn định xã hội, ổn định lòng dân"- ông Thụ nói.
Nhấn mạnh đến hình ảnh Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính những ngày qua với chiếc áo ướt đẫm mồ hôi khi đến các vùng dịch, đơn vị chống dịch để động viên, chỉ đạo cho đến các Phó Thủ tướng rồi đến các Bộ trưởng, thậm chí các thứ trưởng khác cũng "xông pha" vào vùng dịch "đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà" để cùng chống dịch với nhân dân, ông Nguyễn Anh Trí khẳng định, Chính phủ của chúng ta từ trước tới nay đều rất quan tâm đến đời sống của nhân dân.
Đơn cử như trong hoàn cảnh dịch Covid-19 rất dữ dội hiện nay nhưng thực sự Chính phủ đã không bỏ ai lại phía sau. TP.HCM bị tàn phá tơi bời vì dịch thì Chính phủ đã điều động rất nhiều cán bộ từ lực lượng y tế, công an, bộ đội vào hỗ trợ. Nhắc đến vấn đề an sinh xã hội, GS Nguyễn Anh Trí đặc biệt đề cập đến việc tiêm vaccine cho người dân.
Theo ông, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt trong việc tìm kiếm vaccine để tiêm cho từng người dân Việt Nam. Việc này, Chính phủ lo từ quý I/2020 cho đến bây giờ, nhưng phải thấy rằng thị trường vaccine không có nhiều.
"Vừa qua chúng ta cũng đã huy động các nguồn lực thể thành lập "quỹ vaccine". Nhưng quan trọng nhất và việc Thủ tướng khẳng định "như đinh đóng cột" với nhân dân rằng Chính phủ đủ tiền mua vaccine để phục vụ nhân dân và tiêm vaccine là miễn phí. Vừa rồi chúng ta cũng thấy chiến lược ngoại giao vaccine cũng đã có nhiều tín hiệu khả quan. Đây là những bằng chứng thiết thực nhất để thấy rằng, Chính phủ của chúng ta hết sức vì dân"- GS Nguyễn Anh Trí nhận định.
TS Bùi Đức Thụ cũng đồng quan điểm: Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề an sinh xã hội, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài như hiện nay. Thời gian qua, rất nhiều trường hợp yếu thế, hoàn cảnh khó khăn được nhận tiền trợ cấp, quà từ thiện.
Đối với những người bị ảnh hưởng bởi dịch, ngoài gói hỗ trợ 26.000 tỷ được Chính phủ cải tiến, đơn giản hóa các thủ tục để người dân được hưởng lợi nhiều nhất, nhanh, kịp thời và đúng đối tượng nhất thì Chính phủ còn ban hành Nghị quyết 23/2021 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn trong dịch bệnh...