Theo đó, Sở GDĐT TP.HCM yêu cầu các đơn vị chuẩn bị đầy đủ điều kiện để tổ chức dạy học trực tuyến, hỗ trợ cho các học sinh không thể tham gia học tập trên internet.
Các trường cần xây dựng nhiều kịch bản tổ chức dạy học: Trực tuyến, vừa trực tuyến vừa trực tiếp, dạy trực tiếp nhằm linh động ứng phó trước tình hình dịch bệnh.
Các tổ/nhóm chuyên môn cần rà soát, thống nhất nội dung, hình thức tổ chức dạy học sát với thực tế, không quá tải và phù hợp với các đối tượng học sinh.
Giáo viên chủ nhiệm lớp phối hợp với giáo viên bộ môn liên hệ phụ huynh, học sinh lớp phụ trách để có hướng dẫn học tập trên internet, lập thời khóa biểu học tập tại nhà hoặc phối hợp với đội ngũ các bộ điều phối (mỗi Phòng GDĐT, mỗi phường xã, mỗi trường học có 1 cán bộ điều phối) để hỗ trợ học sinh không thể tham gia học tập trên internet có thể học tập tại nhà. Giáo viên bộ môn thành lập các kênh thông tin liên lạc với học sinh và phụ huynh học sinh để chia sẻ, hỗ trợ học sinh trong quá trình học tập.
Theo hướng dẫn của Sở GDĐT, từ ngày 1/9 - 4/9 là thời gian các nhà trường chuẩn bị, lập danh sách học sinh không thể tham gia học tập trên internet, hỗ trợ học sinh đang gặp khó khăn. Đồng thời, hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu và học liệu dạy học trên internet.
Giáo viên và điều phối viên sẽ hướng dẫn phương pháp học tập phù hợp cho học sinh theo từng đối tượng; xây dựng các quy định phù hợp với dạy học và học tập trên internet.
Từ ngày 6/9 - 18/9, Sở yêu cầu không tổ chức dạy học 2 buổi/ngày mà triển khai các chủ đề dạy học trên internet, gửi tài liệu hướng dẫn cho học sinh học tập tại nhà.
Kế hoạch giáo dục trong giai đoạn này yêu cầu: Hướng dẫn chu đáo - Dạy học nhẹ nhàng - Lắng nghe, chia sẻ - Không tạo áp lực thực hiện chương trình - Hướng dẫn tự học, tự đào tạo và xây dựng văn hóa đọc cho học sinh.
Đặc biệt, nhà trường chủ động chọn lựa những chủ đề, những môn học mà học sinh sẽ gặp nhiều khó khăn để bố trí thời khóa biểu trực tuyến. Tuyệt đối không sắp xếp thời khóa biểu trực tuyến giống hoàn toàn với thời khóa biểu trực tiếp vì sẽ gây quá tải cho người dạy, người học và không phát huy được hiệu quả.
Đồng thời, tăng cường các hoạt động hướng dẫn học tập để giúp đỡ học sinh hoàn thành các chủ đề, nhiệm vụ học tập và phát huy hoạt động tổ/nhóm chuyên môn trong nghiên cứu bài học, giảm tải cho giáo viên trong quá trình chuẩn bị các kế hoạch bài dạy.
Triển khai dạy học trực tuyến
Theo Sở GDĐT TP.HCM, giáo viên thể hiện sự hiện diện bằng cách đưa ra các yêu cầu, tham gia vào các thảo luận trực tuyến, cung cấp cơ hội, khuyến khích học sinh tương tác với nhau, lưu ý tạo sự kết nối giữa các chủ đề đã được thảo luận trực tuyến với các buổi học trực tiếp.
Ngoài ra, cần chú ý kết hợp đa dạng các hoạt động giao tiếp đồng bộ và không đồng bộ như: Thảo luận, trò chuyện (chat), họp truyền hình (không gian học tập qua kênh hình, kênh tiếng, kênh chữ; chia sẻ màn hình máy tính), thư điện tử, tin nhắn, diễn đàn, mạng xã hội,…
Giáo viên phải duy trì được các quan hệ tương tác trong phiên học trực tuyến, bao gồm: Tương tác giữa người học - nội dung; người học - người học; người học - người dạy, người học - cộng đồng.
Tuy nhiên, sự hiện diện trực tiếp (live stream) khoảng 50% thời lượng của chủ đề học, nhằm tạo điều kiện phát triển năng lực tự học của học sinh. Điều quan trọng là phải tạo động lực, thúc đẩy và khuyến khích học sinh tham gia vào các hoạt động tự học.
Giáo viên có thể quan sát và nhắc nhở, động viên qua email hoặc các phương thức giao tiếp phù hợp. Một kỹ thuật để tạo hứng thú và động lực học tập cho học sinh là nên chia một nhiệm vụ thành các nhiệm vụ nhỏ hơn và đưa ra phản hồi về một số hoặc tất cả các nhiệm vụ này.
Giáo viên cũng phải giám sát sự tham gia của học sinh. Đây là một phần của nhiệm vụ quản lí lớp học, giáo viên cần có các công cụ cũng như biện pháp nhằm công nhận sự tham gia của học sinh vào khóa học ở cả phiên trực tuyến và trực tiếp. Điều này giúp xác nhận những nỗ lực và đóng góp của học sinh trong các hoạt động học tập.