Trong diễn biến phức tạp của đại dịch, những ngày qua trên địa bàn TP.HCM có rất nhiều đội tình nguyện tham gia giúp thành phố chống dịch. Trong số đó, có người chỉ mới vừa tốt nghiệp xong THPT.
Xin nghỉ không lương đi chống dịch
Là nhân viên của ngân hàng BIDV, Lê Thị Bích Ngân (23 tuổi) trú tại quận 5 đã có đơn đề nghị nơi làm việc cho mình dừng hợp đồng một đến hai tháng, đăng ký tình nguyện tham gia chống dịch.
Ngân cho biết, cứ cách vài ngày Ngân lại mang cơm, thức ăn xuống cho những người mắc Covid-19 xung quanh nhà mình. Cứ sau đó ít ngày, Ngân lại nghe tin có người đã ra đi. Cô rất buồn và đăng ký vào đội phun khử khuẩn, với hy vọng trực tiếp tiêu diệt con virus quái ác.
Ngân cho biết đã tham gia công việc này đã được một tuần, công việc khá vất vả khi vừa mang đồ bảo hộ vừa vác trên mình bình phun khử rất nặng gần 30kg.
"Tôi tình nguyện đi vì cái tâm thôi, không tiền bạc gì. Những nơi đội đi qua, thấy bà con cảm ơn mình, tôi rất vui và xúc động. Mong mọi người ráng giữ sức khỏe để chống dịch, mong Sài Gòn mau khỏe", Ngân chia sẻ.
Cũng là thành viên trong đội phun khử khuẩn, chị Lưu Cầm Dẹn (30 tuổi) cho biết, đã tham gia từ lúc đội mới thành lập hồi đầu tháng 7 và hoạt động cho đến bây giờ.
"Tôi có một người bạn đến đây trước một ngày, trong suy nghĩ cũng muốn tham một đội nhóm tình nguyện nào đó để hỗ trợ cho Sài Gòn chống dịch. Vậy nên tôi đã đăng ký chung nhóm tham gia cùng với bạn luôn", chị Dẹn nói.
Chia sẻ về những khó khăn khi mới tham gia đội, chị Dẹn cho biết, khi mới bắt đầu, chị hay gặp khó khăn khi khởi động máy. Nhưng rồi cũng dần quen và trở nên thành thục hơn. Rất may, trước đó chị cũng siêng tập thể dục nên thể lực giúp ích rất nhiều cho mình.
Nhiệt huyết tuổi 16
Phóng viên gặp không ít thành viên đội phun khử khuẩn còn rất trẻ, đầy nhiệt huyết, trong đó có nữ sinh Phạm Thị Huyền (16 tuổi). Huyền hiện tại còn đang học lớp 11 tại một trường THPT trên địa bàn TP.
Huyền tham gia vào đội từ ngày 10/7. Mỗi ngày cứ đúng 7h30 sáng là tập trung tại điểm hẹn cùng với đội phụ bưng máy, bình phun lên xe rồi di chuyển đến nơi được phân công.
"Bản thân tôi không phân biệt công việc của con gái con trai gì cả, một khi đã tham gia tình nguyện bảo vệ cho thành phố thì tôi thấy việc nào ý nghĩa cũng như nhau", Huyền tâm sự.
Huyền kể do tay hay bị trơn, ra dầu nên cầm nắm thiết bị với việc giữ thăng bằng hơi có một tí trở ngại. Về phía gia đình ba mẹ cũng suy nghĩ và hỏi đi vậy có an toàn không? Tại sao không ở yên ở nhà mà lại đi?
"Tôi đã cố gắng giải thích, khi làm việc đội đã chuẩn bị đầy đủ bảo hộ, găng tay, khử trùng nhiều lần trong ngày. Ba mẹ cũng yên tâm và đồng ý. Tôi rất vui khi được tham gia công việc này", Huyền chia sẻ.
Huyền cũng đã dần quen với bộ bảo hộ kín toàn thân, đôi găng tay, tấm chắn giọt bắn và khẩu trang. Nhiều khi đang làm việc, dung dịch khử khuẩn thấm vào đồ bảo hộ khiến da bạn bỏng rát.
Hơn 1 tháng tham gia tình nguyện cũng chính là ngần ấy thời gian Huyền chưa được về nhà. Tâm sự với chúng tôi, Huyền bộc bạch, có lần đang trên đường làm nhiệm vụ, đội của bạn gặp được một chiến sĩ công an cũng có em gái đang tham gia tình nguyện gần 1 tháng nay chưa về. Nghe anh ấy kể về em gái, Huyền xúc động vì đồng cảm: "Em cũng rất nhớ nhà, nhớ gia đình".
"Em phải ở tập trung với mọi người và giữ khoảng cách để gia đình an toàn, lúc ấy em cảm thấy khá tủi thân", Huyền xúc động nói.
Anh Lê Văn Cường - Đội trưởng đội phun khử khuẩn phản ứng nhanh cho biết: "Đội được thành lập và vận hành vào ngày 4/7 (thành lập Đội 1) đóng tại số 5 Đinh Tiên Hoàng phường Đa Kao (quận 1). Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Ban Giám đốc trung tâm đã mở rộng thêm một đội hình ở phía đông TP.Thủ Đức, hoạt động từ ngày 10/7.
Hiện có khoảng hơn 500 tình nguyện viên tham gia hỗ trợ phun khử khuẩn, trong đó có khoảng 300 bạn thường trực luân phiên thay nhau làm việc. Toàn đội có khoảng 35 nữ, đa phần các bạn độ tuổi từ 16 - 24 tuổi.
Giai đoạn đầu, ban tổ chức sắp xếp cho các bạn nữ tham gia ở công tác hậu cần, tuy nhiên có nhiều bạn nữ muốn giúp cho các bạn nam đỡ mệt hơn.
"Từ nửa bình lên 3/4 rồi đến nguyên bình. Nói chung là những bạn có sức khỏe tốt sẽ được tham gia còn những bạn yếu hơn sẽ lo cho công tác hậu cần như châm dung dịch, nấu ăn...", anh Cường cho biết.
Từ nhiều nơi khác nhau, công việc mưu sinh khác nhau nhưng những thành viên trong đội hình phun khử khuẩn phản ứng nhanh lại có chung một chí hướng, đó là làm những điều có ích cho cộng đồng. Không quản khó khăn, mệt nhọc, các tình nguyện trẻ vẫn đang cố gắng hàng ngày, hoàn thành nhiệm vụ để chung tay cùng Sài Gòn chống dịch.
Công việc của đội phun khử khuẩn là thường xuyên đến các khu cách li, các gia đình có F0, bệnh viện dã chiến… Ban tổ chức có vận động kêu gọi mạnh thường quân các đơn vị hỗ trợ về trang phục, áo bảo hộ, găng tay các loại… Ngoài ra, dung dịch sát khuẩn không phải là hóa chất mà là dung dịch nước muối điện phân. Sau khi đi về, dung dịch này có thể phun lên quần áo bảo hộ, pha ra để súc miệng, tắm vệ sinh toàn thân…
Anh Lê Văn Cường - Đội trưởng đội phun khử khuẩn phản ứng nhanh