Trong đại dịch, con người có thể Online ở bất kì địa điểm nào, đặc biệt tại nhà để duy trì học tập và làm việc Online, hay ở công sở và những Công ty sản xuất khi thực hiện phương án "3 tại chỗ". Có nhiều người đã trở về quê trong đợt dịch này, dẫn đến nhu cầu sử dụng Internet ở các vùng nông thôn ghi nhận sự tăng trưởng và nhu cầu mobile giảm đi.
Đặc biệt cũng đã có nhiều tình huống Online sáng tạo trong thời điểm dịch này, chẳng hạn như các sinh viên có lễ tốt nghiệp Online hay tổ chức Đám cưới trực tuyến. Hiểu một cách cơ bản thì ở hình thức "Đám cưới trực tuyến", cô dâu chú rể vẫn khoác lên mình trang phục cưới, vẫn thực hiện những nghi lễ cần có và được sự chứng kiến của gia đình, họ hàng và bạn bè nhưng... thông qua màn hình trực tuyến. Ý tưởng sáng tạo về một đám cưới online đã mang lại niềm tin và động lực cho nhiều cặp đôi chuẩn bị kết hôn.
Có thể thấy, đây là một xu hướng thích nghi với đại dịch Covid-19, có thể nó không sang trọng, náo nhiệt nhưng vẫn trang trọng, đầm ấm và hạnh phúc. Hơn thế, đây sẽ là một lễ cưới giản dị và tiết kiệm phù hợp với tình hình kinh tế khó khăn mới.
Kể từ tháng 4/2020, Mauricette Rodriguez - quản lý dịch vụ của khách sạn Four Seasons Hotel Austin (Texas, Mỹ) thực hiện khoảng hai buổi giới thiệu cho mỗi tuần để giúp các khách hàng có ý định tổ chức đám cưới tham quan khách sạn thông qua tour thực tế ảo.
Hiện khách sạn đang nhận được nhiều yêu cầu hơn bao giờ hết cho những đám cưới kiểu "bỏ trốn" (chỉ gồm có cô dâu và chú rể), sau đó kết nối với khách mời qua màn hình trực tuyến. "Tôi đã chứng kiến nhiều khách dự đám cưới qua màn hình iPad đã mua rượu sâm banh và bánh để chúc mừng các cặp đôi từ xa," ông Rodriguez nói.
Ngay cả tại Ấn Độ - đất nước nổi tiếng với những đám cưới xa hoa kéo dài nhiều ngày vẫn có những cặp đôi như Sushen Dang và Keerti Narang lựa chọn thay đổi nghi thức truyền thống. Nhờ thầy cúng chọn ngày lành, họ tổ chức đám cưới qua Internet. "Chúng tôi không ngờ rằng đám cưới trực tuyến của mình lại hoành tráng như thế," chú rể 26 tuổi nói trong đám cưới hôm 19/6. "Một trăm khách đã tham dự qua ứng dụng. Chúng tôi cũng phát trực tiếp qua Facebook và được hơn 16.000 người theo dõi buổi lễ".
Bên cạnh chi phí, tận dụng giải pháp online là một ý tưởng hay cho các cặp đôi muốn tổ chức đám cưới trong thời điểm dịch bệnh. Điều này đã làm thị trường tổ chức lễ cưới ảo trở nên sôi động hơn bao giờ hết, các công ty thi nhau đưa nhiều chức năng tương tác vào một lễ cưới ảo để thu hút các cặp đôi.
Như LoveStream, đơn vị này cung cấp một website tùy chỉnh bao gồm cuộc trò chuyện trực tiếp, sổ lưu bút ảo, danh sách phát Spotify... với chi phí từ 350 - 1.350 USD. Hay như Wedfuly, với 1.200 USD, công ty này sẽ cung cấp một điều phối viên điều phối sự kiện ảo, các trang thiết bị cần thiết cho buổi phát trực tiếp.
Cũng theo thống kê của Zola (Mỹ) - một startup cung cấp dịch vụ liên quan đến lễ cưới được định giá 650 triệu USD, một khảo sát dựa trên 12.000 cặp đôi hồi cuối năm 2020 cho thấy, có hơn 1/3 số đó cân nhắc việc tổ chức lễ cưới ảo.
Chi phí đám cưới trung bình của người Mỹ năm 2017 là hơn 33.000 USD, nhưng vẫn chiếm hơn nửa thu nhập trung bình hằng năm của một hộ gia đình ở nước này. Vì thế, đám cưới ảo với chi phí cạnh tranh hơn nhưng cung cấp các trải nghiệm mới lạ và dễ lan truyền hơn là niềm tin cho các startup ở Mỹ tìm chỗ đứng trong ngành công nghiệp lễ cưới.