Từ năm học 2021 – 2022, sinh viên học ngành sư phạm có nhiều ưu đãi. Tuy nhiên, với tình trạng thừa giáo viên như hiện nay, nhiều thí sinh lo lắng sẽ thất nghiệp dù chưa chính thức bước vào đợt xét tuyển sinh năm nay.
Điểm chuẩn ngành đào tạo giáo viên không biến động
Bộ GD-ĐT vừa công bố điểm sàn đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ ĐH là 18-19 điểm. Ghi nhận cho thấy, điểm sàn của các trường đào tạo giáo viên, đào tạo y dược vừa công bố tương đương hoặc cao hơn 1-2 điểm. Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội có mức điểm sàn từ 19-20 điểm. Điểm trúng tuyển năm 2020 của trường từ 19,25 đến 25,3. Trong đó, ngành giáo dục Tiểu học có điểm chuẩn cao nhất. Theo GS. TS. Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng nhà trường dự báo, điểm chuẩn năm nay có tăng nhẹ. Các ngành sư phạm dự kiến có mức từ 22-26 điểm, tăng khoảng gần 1 điểm tùy từng ngành.
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội điểm sàn từ 18 – 22 điểm đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên. Năm trước, điểm chuẩn một số ngành của trường khá cao như ngành Sư phạm Toán tiếng Anh 28 điểm (tổ hợp Toán, Lý, Hóa – A00); Sư phạm Ngữ văn là 26,5 điểm (tổ hợp Văn, Sử, Địa – C00), bên cạnh đó có một số ngành điểm chuẩn tương đối thấp như Sư phạm Sinh học 18,53 (tổ hợp Toán, Hóa, Sinh – B00), Sư phạm Tin học 18,5 (tổ hợp Toán, Lý, Anh – A01)…
Tư vấn cho thí sinh về điểm chuẩn năm nay, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Phó hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho hay điểm thi tốt nghiệp THPT của thí sinh năm nay tương đối cao. Nếu tính theo các tổ hợp xét tuyển truyền thống, điểm của thí sinh tăng nhẹ so với năm trước. Tuy nhiên, trường chưa thể trả lời chính xác điểm chuẩn năm nay từng ngành như thế nào vì điểm chuẩn xét tuyển của một ngành cao hay thấp còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như số lượng thí sinh đăng ký vào ngành đó nhiều hay ít, và phải đợi sau đợt điều chỉnh nguyện vọng mới có số liệu cuối cùng.
PGS. Nguyễn Đức Sơn thông tin thêm, năm nay phổ điểm môn tiếng Anh trong tổ hợp xét tuyển D01 (Toán, Văn, Anh) có tăng nên khả năng điểm chuẩn ĐH nói chung có thể tăng nhẹ. Phổ điểm khối D01 phổ biến ở mức 18-21 điểm, điểm trung bình của khối này là 19,16, cao hơn so với năm 2020. Nhưng thí sinh có thể an tâm vì việc tăng là tăng đều.
Thí sinh có thể so sánh điểm chuẩn của năm 2020 để điều chỉnh nguyện vọng hợp lý, cân nhắc dựa trên thực tế số điểm đạt được. “Một lưu ý đối với với thí sinh đăng ký xét tuyển ngành Sư phạm tiếng Anh, Ngôn ngữ Anh thì môn tiếng Anh sẽ nhân đôi theo công thức: (Toán + Văn + Anh x 2) x 3/4 + điểm ưu tiên, do vậy việc điểm thi môn tiếng Anh năm nay tăng cũng sẽ là một ưu thế”, PGS. Sơn nói.
Đề nghị bổ sung gần 95.000 biên chế giáo viên trong 4 năm tới
Năm nay tốt nghiệp THPT, Nguyễn Minh Hạnh (Hà Nam) đăng ký xét tuyển vào ngành Sư phạm Hóa học của trường ĐH Sư phạm Hà Nội và trường ĐH Thủ đô. Tuy vậy, Hạnh luôn lo lắng khi có nhiều thông tin liên quan đến có ngành thừa, có ngành thiếu giáo viên. Em muốn biết ngành nào trong khối đào tạo giáo viên có nhu cầu tuyển dụng cao trong khoảng 4-5 năm tới; đăng ký học ngành thích nhưng khi ra trường lại dư thừa và thất nghiệp thì sao.
Về những băn khoăn này, PGS. TS. Nguyễn Đức Sơn đưa ra lời khuyên là cần đăng ký ngành thực sự yêu thích và mong muốn được học, cũng như ra trường làm nghề theo đúng ngành đã lựa chọn. Theo ông Sơn, trường ĐH Sư phạm Hà Nội tuyển sinh dựa trên nhu cầu của địa phương về tuyển dụng giáo viên nên thí sinh yên tâm về cơ hội việc làm sau tốt nghiệp. Các địa phương hiện đã và đang kết nối với trường về nhu cầu đào tạo giáo viên.
Khi sinh viên đỗ vào trường ĐH Sư phạm Hà Nội, tân sinh viên sẽ được nhà trường hướng dẫn, tư vấn về các cam kết, nguyện vọng công tác trong ngành giáo dục và được hưởng các ưu đãi dành cho sinh viên các ngành sư phạm theo quy định mới của Chính phủ như: miễn học phí, nhận trợ cấp 3,63 triệu/ tháng.
Bộ GD-ĐT cũng cho hay năm học 2020-2021 đã hướng dẫn các địa phương trong việc rà soát việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng giáo viên hợp lý, hiệu quả; đồng thời có giải pháp lâu dài để quy hoạch, tuyển dụng và bố trí đủ giáo viên dạy đúng và đủ các môn học, thực hiện điều tiết từ nơi thừa sang nơi thiếu.
Căn cứ số thừa, thiếu giáo viên trên cả nước, Bộ GD-ĐT đã đề nghị Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ giao bổ sung 94.714 biên chế trong giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, riêng năm 2021, đề nghị bổ sung khoảng 30.000 biên chế (gồm 20.000 biên chế giáo viên cho các môn học mới cấp tiểu học, cấp THPT và 10.000 biên chế giáo viên mầm non cho các địa phương vùng sâu, vùng xa khó khăn, vùng dân tộc thiểu số). Song Bộ cũng thông tin hiện đang thừa 10.178 giáo viên ở các cấp học.