Để có thể học trực tuyến, mỗi học sinh cần được trang bị máy vi tính để bàn, laptop, hay máy tính bảng..., webcam (nếu là máy tính để bàn) và đường truyền internet. Chi phí để chuẩn bị các "đồ dùng học tập" này ít nhất từ 5-7 triệu đồng, điều này trên thực tế lại xa tầm với của nhiều gia đình trong bối cảnh chi tiêu đang "quẫn bách" vì đại dịch Covid-19.
Nhà có 1 chiếc máy tính bảng nhưng chị Trần Thị Nga (P.5, Q.Gò Vấp) lại không biết phân bổ thế nào để hai đứa con học online.
"Năm nay bé lớn học lớp 5, bé nhỏ vào lớp 2 mà nhà chỉ có 1 máy tính bảng. Gia đình đã gọi đến Điện Máy Xanh gần nhà để đặt mua thêm một máy mà họ nói không thể giao lúc này, khi nào hết giãn cách thì mới giao được. Trong khi ngày 6/9 các con đã vào thời khoá biểu chính khoá rồi, máy đâu mà học bây giờ?", chị Nga than.
Lo lắng không kém, anh Hồ Đắc Lợi (Khu tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) cho biết, không biết xoay đâu ra tiền để mua máy cho con học.
"Vợ chồng tôi đều thất nghiệp, nghỉ ở nhà mấy tháng nay. Mới hôm qua được nhận trợ cấp 1,5 triệu đồng và thực phẩm của UBND xã Vĩnh Lộc B để cầm cự qua mùa giãn cách. Cái ăn hằng ngày còn chưa biết tính sao thì làm gì có điều kiện mua máy tính cho con học online", anh Lợi buồn bã.
Chị Thu (Q.10), phụ huynh của 2 bé lớp 6 và lớp 2 cũng cho hay, việc học tập của con thì phải ráng thôi, nhưng giờ không chỗ nào bán máy. Gọi đến một loạt cửa hàng máy tính, hệ thống điện máy đều nhận được câu trả lời là hết giãn cách mới giao hàng được vì máy tính không phải… hàng thiết yếu.
"Thôi thì đành cho các cháu sử dụng cái điện thoại động của chồng tôi. Có điều điện thoại nhỏ, không biết con có xem rõ hình ảnh hay không", chị Thu lo lắng.
Theo tìm hiểu của Dân Việt, hiện tại hệ thống các cửa hàng chuyên về máy tính, thiết bị điện tử như Điện Máy Xanh, Thế giới Di động, FPT… đều đang đóng cửa theo chỉ thị giãn cách của UBND TP.HCM. Các cửa hàng này cho biết dù có cho đặt hàng online thì vẫn phải đợi hết giãn cách mới giao hàng được.
Theo quy định của Sở GD-ĐT TP.HCM, từ ngày 1 đến 5/9, các trường sẽ thực hiện các công việc như tổ chức lớp, hướng dẫn kỹ năng, phương pháp học tập trên Internet và củng cố kiến thức.
Từ ngày 6/9, sẽ bắt đầu giảng dạy theo chương trình năm học 2021 - 2022.
Trong khi đó, thống kê sơ bộ của Sở GD-ĐT TP.HCM, bậc tiểu học có hơn 57.000 học sinh/tổng số hơn 600.000 học sinh (từ lớp 1 đến lớp 5) không có điều kiện học tập trên Internet.
Với bậc trung học, trong tổng số gần 700.000 học sinh từ lớp 6 đến lớp 12, có hơn 17.000 học sinh không có thiết bị, không có đường truyền internet để học online; hơn 5.000 học sinh có máy tính hoặc smartphone nhưng lại không có internet.
Ngoài ra, TP.HCM vẫn còn hơn 8.000 học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 không thể học online trong thời gian này vì nhiều lý do, như đang là F0, đang điều trị ở bệnh viện, gia đình đông anh em nhưng chỉ có 1 máy tính hoặc 1 điện thoại thông minh, máy tính hư chưa sửa được do giãn cách...
Liên quan đến việc tổ chức học trực tuyến, ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD-ĐT TP cho biết, học sinh tại TP.HCM có thể phải học trực tuyến ít nhất từ 4 - 6 tuần đầu năm học, hoặc cũng có thể kéo dài đến hết học kỳ 1.
Nguyên nhân là hiện toàn thành phố có đến hàng trăm trường được trưng dụng để phục vụ cho công tác phòng chống dịch Covid-19. Hàng ngàn giáo viên, học sinh thuộc diện F0, F1. Khi hoàn thành nhiệm vụ chống dịch, trường lớp cũng cần vài tuần để sửa chữa, vệ sinh khử khuẩn trước khi bàn giao cho ngành giáo dục.
Theo ông Hiếu, ngành sẽ chuẩn bị cho kịch bản học trực tuyến đến hết học kỳ 1 và xác định dạy học trực tuyến là phương thức dạy học ổn định trong năm học 2021 - 2022.
Trước tình hình này, để đáp ứng "dụng cụ học tập" cho học sinh thành phố, đại diện các cửa hàng thiết bị số cho biết đã nhìn thấy nhu cầu này và mong muốn các cơ quan chức năng sớm cho phép mở cửa bán hàng.
"Tất nhiên, khi cho phép các cửa hàng thiết bị số bán hàng trở lại, cần cấp giấy phép lưu thông cho nhân viên giao hàng của hệ thống với những điều kiện tương tự như nhóm shipper vừa được quay trở lại hôm 30/8. Có như vậy thì nhu cầu mua sắm thiết bị học tập của học sinh mới được đáp ứng", đại diện một nhà bán lẻ thiết bị số cho hay.
Ở góc độ luật pháp, theo LS Lê Bá Thường, thành viên Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, việc học tập theo quy định pháp luật hiện hành được xem là nhu cầu cơ bản của học sinh. Trong hoàn cảnh phải học online, máy tính sẽ được xem là vật dụng kết nối học tập không thể thiếu hoặc không thể thay thế.
"Trong bối cảnh hiện nay, việc mua sắm hay sửa chữa máy tính, thiết bị học lập là nhu cầu thiết yếu nhưng cửa hàng máy tính lại không phải là dịch vụ thiết yếu. Do đó, người dân sẽ không tìm được nơi mua sắm hay sửa chữa vào thời điểm này. Chính vì vậy, thành phố nên xem xét mở "luồng xanh" cho các cửa hàng sửa chữa, bán máy tính và các thiết bị phục vụ dạy học và làm việc từ xa được phép hoạt động", luật sư Lê Bá Thường nói.