Dân Việt

"Hình ảnh những người lính áo xanh tham gia chống dịch được người dân xem như con cháu trong nhà"

Phạm Hiệp 04/09/2021 07:00 GMT+7
"Người dân xem hình ảnh áo xanh của những người lính như con cháu trong nhà… Điều gì xuất phát từ tình cảm thì rất tự nhiên, chân thành, bền chặt" – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội chia sẻ với Dân Việt khi nhắc đến hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ tham gia chống Covid-19.

Quân đội từ nhân dân mà ra

TP.HCM những ngày tháng 9/2021, người dân đã quá quen thuộc với hình ảnh các chiến sĩ bộ đội tham gia chống dịch, từ việc đi chợ giúp dân, đến vận chuyển cung cấp nhu yếu phẩm tới từng ngôi nhà, từng con ngõ nhỏ...

Đánh giá cao việc huy động Quân đội tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch cùng TP.HCM, Trung tướng Phạm Xuân Thệ - nguyên Tư lệnh Quân khu 1 cho rằng, việc làm của những người lính tại TP.HCM đã thể hiện rất đúng tinh thần của Quân đội nhân dân Việt Nam, vì nhân dân phục vụ.

Bộ đội tham gia chống dịch: "Hình ảnh áo xanh như con cháu trong nhà" - Ảnh 1.

Người dân TP.Hồ Chí Minh không còn quá xa lạ với hình ảnh màu áo xanh của các chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ tham gia phòng, chống dịch trên địa bàn. (Ảnh: Mỹ Quỳnh)

Theo Trung tướng Phạm Xuân Thệ, từ trước đến nay, mỗi khi đất nước gặp khó khăn, điều chúng ta đã làm được là phát huy sức mạnh từ lòng dân, lấy dân làm gốc để tạo ra sức mạnh to lớn vượt mọi khó khăn.

Bộ đội tham gia chống dịch: "Hình ảnh áo xanh như con cháu trong nhà" - Ảnh 2.

Theo Trung tướng Phạm Xuân Thệ, bộ đội cũng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, không nề hà, sẵn sàng xông pha vào hiểm nguy, gian khổ để bảo vệ an toàn cho nhân dân. (Ảnh: Nguyễn Hòa)

Hồi tưởng lại cách đây 46 năm, trong khí thế hừng hực chiến đấu để giải phóng miền Nam, quân ta đã lần lượt đập tan từng ổ đề kháng của địch, thọc thẳng vào Dinh Độc Lập và kéo lá cờ cách mạng, Tướng Thệ cho biết: Thời điểm đó nhờ có sự đồng lòng ủng hộ giúp đỡ của nhân dân, thắng lợi vang dội của dân tộc Việt Nam đã đến.

"Ngày hôm nay, khi "giặc Covid-19" xuất hiện, bộ đội lại cùng nhân dân sát cánh trong "cuộc chiến" này. Quân đội cũng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu và luôn luôn ở bên cạnh nhân dân bất kể tình huống nào", nguyên Tư lệnh Quân khu 1 nói.

Theo Trung tướng Phạm Xuân Thệ, sức mạnh của quân đội là sức mạnh tổng hợp, các chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ đều thực hiện theo "mệnh lệnh của trái tim", sẵn sàng hỗ trợ, tham gia bảo vệ cho nhân dân trong bất cứ hoàn cảnh, tình huống nào.

"Bác Hồ đã dạy, quân với dân như cá với nước. Chỗ nào khó khăn, nguy hiểm như thiên tai, bão lụt, cứu nạn... cần sự giúp đỡ thì màu áo xanh của người lính lại xuất hiện. Trong các lĩnh vực, quân đội đều phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình", Trung tướng Phạm Xuân Thệ đánh giá.

Bộ đội tham gia chống dịch: "Hình ảnh áo xanh như con cháu trong nhà" - Ảnh 3.

Hình ảnh bộ đội dùng xe thồ mang nhu yếu phẩm tới từng ngôi nhà, từng con ngõ nhỏ ở TP.Hồ Chí Minh gây xúc động mạnh. (Ảnh: Mỹ Quỳnh)

Chia sẻ thêm với Dân Việt, Trung tướng Phạm Xuân Thệ cho biết thêm, con gái đầu của ông là bác sĩ của Học viện Quân y cũng đang ở trong lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch tại TP.HCM. Tất cả mọi người đều chung một niềm tin, một ngày không xa, Covid-19 sẽ bị đẩy lùi.

Hình ảnh áo xanh của người lính được nhân dân xem như con cháu trong nhà

Đồng tình với quan điểm của Trung tướng Phạm Xuân Thệ, ông Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội nhìn nhận, việc huy động lực lượng quân đội tham gia phòng, chống dịch cùng TP.HCM là một việc làm rất cần thiết.

Ngoài chức năng sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc, như Bác Hồ nói Quân đội ta còn là một đội quân công tác.

Theo ông Lê Việt Trường, từ trước đến nay, việc xây dựng mối quan hệ giữa quân với dân luôn luôn Quân đội ta kế thừa và phát huy.

Bộ đội tham gia chống dịch: "Hình ảnh áo xanh như con cháu trong nhà" - Ảnh 4.

Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Việt Trường, hình ảnh người chiến sĩ Bộ đội cụ Hồ rất thân thuộc, uy tín, sự kỷ luật của lực lượng này cũng giúp lan tỏa tới người dân những năng lượng tích cực. (Ảnh: Mỹ Quỳnh)

Khi xuất hiện các tình huống khó khăn, việc giải quyết bằng các hoạt động bình thường của người dân chưa đáp ứng được, lúc đó rất cần đến những lực lượng như Quân đội. Bởi Quân đội có tính chuyên môn cao, huấn luyện kỹ lưỡng, có sức khỏe, ý thức tổ chức kỷ luật và có công tác chỉ huy bảo đảm chặt chẽ, thống nhất.

"Việc đưa lực lượng quân đội vào TP.HCM giúp xử lý phòng, chống dịch là một việc làm rất kịp thời. Điều đó tiếp tục thể hiện, phát huy truyền thống đội quân công tác, luôn luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, như truyền thống "quân với dân như cá với nước"" - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội nói.

Theo ông Lê Việt Trường, khi có bộ đội vào tham gia chống dịch, ý thức người dân sẽ được nâng cao. Hình ảnh, uy tín cũng như là tính kỷ luật của quân đội sẽ lan tỏa, tạo tác động tới người dân, làm cho người dân yên tâm hơn, người dân ý thức cao hơn.

Bộ đội tham gia chống dịch: "Hình ảnh áo xanh như con cháu trong nhà" - Ảnh 5.

Ông Lê Việt Trường nhìn nhận, người dân đón nhận các chiến sĩ với những tình cảm tự nhiên chân thành, bền chặt khi họ vào cùng tham gia chống dịch với TP.Hồ Chí Minh. (Ảnh: Quochoi.vn)

"Khi đưa bộ đội vào TP.HCM tham gia chống dịch, tôi cũng theo dõi thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, thấy ý thức của người dân được nâng lên, kết quả chống dịch bắt đầu có những chuyển động" – ông Lê Việt Trường nhìn nhận.

Vẫn theo ông Trường, hình ảnh bộ đội ngoài hi sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, mỗi khi xảy ra vấn đề như thiên tai như bão lụt, người dân lại thấy hình ảnh xả thân vì nhân dân của Bộ đội Cụ Hồ, điều này đã trở thành tình cảm tự nhiên giữa quân và dân.

"Hình ảnh áo xanh của những người lính được nhân dân xem như con cháu trong nhà họ. Bà con cảm thấy rất yên tâm. Điều gì xuất phát từ tình cảm thì rất tự nhiên, chân thành và bền chặt", ông Trường nói

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cũng cho hay, ông thường xuyên theo dõi tình hình phòng, chống dịch của cả nước cũng như TP.HCM, và ông thấy rất xúc động với những hành động cụ thể của bộ đội.

"Do dịch bệnh, các thủ tục tang lễ không thể diễn ra với người qua đời do Covid-19 ở TP.HCM. Để cho người dân yên lòng, TP.HCM giao việc này cho Bộ Tư lệnh TP.HCM đảm trách.

Lực lượng quân đội đã thay người dân làm những việc đó, ghi chép, bảo quản, hương khói, khi thuận tiện thì trao lại di cốt cho thân nhân của người đã qua đời . Người dân phản ứng rất tích cực, rất yên tâm khi được gửi gắm cho lực lượng Quân đội" – ông Lê Việt Trường xúc động.