Mồng 3 tháng Giêng năm 1799, Thái Thượng Hoàng Càn Long băng hà, sau ba năm làm bù nhìn, Gia Khánh đế cuối cùng cũng bỏ được cái mác "Hoàng đế con", chính thức nắm giữ quyền lực tối cao của một vị Đế vương.
Sau khi lên nắm quyền, người đầu tiên mà Gia Khánh muốn giải quyết đó chính là người được xưng là "vị Hoàng đế thứ hai" – Hòa Thân.
Ngày 8 tháng Giêng, khi Càn Long mới mất được 5 ngày, thi thể còn chưa kịp lạnh, Gia Khánh đã không thể đợi được nữa mà nóng lòng "ra tay" với Hòa Thân.
Đầu tiên, Gia Khánh hạ lệnh tước bỏ mọi chức vụ của Hòa Thân, sau đó cử ra hai vị Thân vương đảm đương chức vụ Khâm sai Đại thần tiến hành kiểm kê và tịch thu tài sản của ông ta.
Tục ngữ có câu: "Hòa Thân rớt đài, Gia Khánh ăn no", sau hơn 200 năm đến tận bây giờ vẫn chưa hề có một con số chính xác về khối tài sản mà Hòa Thân có năm ấy.
Bấy giờ, người phụ trách soát nhà Hòa Thân là Nghi Thân vương Vĩnh Tuyền và Thành Thân vương Vĩnh Tinh, trong bản báo cáo có ghi rằng: "Tổng cộng thu được 32.000 lượng vàng ròng; hơn trăm vạn lượng bạc cùng vô số kỳ trân dị bảo quý hiếm khác".
Song kết quả này lại bị nhiều người chỉ ra là không chính xác, trong đó có Tát Bân Đồ - học sĩ Nội các kiếm Phó Đô thống là người đầu tiên đứng ra bẩm tấu với Gia Khánh: "Gia sản của Hòa Thân vô cùng nhiều, không thể chỉ có từng ấy được."
Ông còn kiến nghị Gia Khánh đế nên dùng hình tra khảo quản gia cùng sư gia trong phủ Hòa Thân, ép họ phải khai ra nơi cất giấu tài sản của tham quan này.
Nhưng kiến nghị này bị Gia Khánh đế phản bác, Tát Bân Đồ bị mắng thậm tệ, thậm chí còn cắt chức điều tra.
Đến đây bá quan văn võ đều đã hiểu được, Càn Long nay đã chết, Gia Khánh cũng đã ngồi lên vị trí cửu ngũ chí tôn, tất nhiên cũng sẽ chẳng hám lợi gì từ số vàng bạc của Hòa Thân.
Điều ông quan tâm nhất chính là giang sơn xã tắc Đại Thanh, là quyền lực tối cao trên triều đình, cho nên cũng không quá đặc biệt để ý đến việc tịch thu được bao nhiều tài sản trong phủ Hòa Thân.
Tuy nhiên, trong các tư liệu sử có ghi chép lại rằng, trong phủ Hòa Thân có một thứ khiến Gia Khánh phải ghen tị, thậm chí còn mặc kệ lời can ngăn của các vị đại thần, cố chấp phải mang bằng được thứ đó về trong Hoàng cung, nhưng đến cuối cùng do tình thế ép buộc nên mới không thể làm theo ý mình.
Thứ khiến Gia Khánh đế phải ghen tị với Hòa Thân ấy chính là tấm bia đá "Thiên hạ Đệ nhất Phúc" nổi tiếng.
Theo sách sử nhà Thanh ghi chép, năm Khang Hi thứ 20 (tức là Công nguyên năm 1673), khi Hiếu Trang Thái hậu sắp đại thọ 60 tuổi thì bất ngờ mắc bệnh nặng, tuy rằng các thái y đã ra sức chữa trị song vẫn tình hình sức khỏe vẫn không được cải thiện.
Hiếu Trang Thái hậu có ơn nuôi dưỡng lại có công phò tá với Khang Hi, mắt thấy bệnh tình tổ mẫu ngày một nghiêm trọng, Khang Hi vô cùng lo lắng.
Không còn cách nào khác, Khang Hi đã tin tưởng lời Vu sư Tát Mãn của tộc người Mãn, quyết định dùng thân phận "Chân mệnh Thiên tử" của mình để cầu trời cao ban phúc, ban phước lành giúp Tổ mẫu kéo dài thọ mệnh.
Có lẽ trời cao cũng bị cảm động trước tấm lòng thành của Khang Hi, cho nên sau nghi lễ cầu phúc, bệnh tình của Hiếu Trang Thái hậu cũng dần có chuyển biến tốt đẹp, thậm chí còn sống được thêm 15 năm.
Khác với cháu mình là Càn Long, cả đời Khang Hi rất ít khi đề bút, sau chuyện lần ấy, tuy đã từng thử rất nhiều lần song Khang Hi cũng không thể nào viết ra được chữ "Phúc" đẹp như ngày tế lễ hôm ấy, chính bởi vậy trong cung truyền ra lời đồn chữ "Phúc" ấy chính là "Thiên Tứ Hồng Phúc" (Phúc lớn trời cao ban cho).
Sau này, Hiếu Trang Thái hậu sai người tìm nghệ nhân lành nghề, đem chữ "Phúc" kia khắc lên bia đá, rồi đặt trong Hoàng cung, hi vọng con cháu sau này có thể nhiều phúc nhiều thọ, giang sơn Đại Thanh có thể kéo dài vạn năm.
Tấm bia đá ấy được xem như quốc bảo, được lưu truyền trong cung suốt mấy chục năm, nhưng đến đời Càn Long thì bỗng nhiên biến mất không thấy tung tích. Phải đến khi lục soát nhà Hòa Thân, quan viên phụ trách kiểm tra tìm kiếm mới tìm thấy một tấm bia đá khắc chữ Phúc bên trong Mật Vân động trong hậu hoa viên phủ Hòa Thân.
Thì ra là đến những năm cuối, vua Càn Long tuổi cao sức yếu, nói năng không còn lưu loát, đều phải dựa vào Hòa Thân để ban truyền Thánh chỉ.
Mỗi buổi thượng triều, ông ta sẽ đứng giữa Càn Long đế và Gia Khánh đế, đem chuyện văn võ bá quan bẩm tấu truyền lại cho Càn Long nghe, sau đó cũng chỉ có Hòa Thân có thể "nghe được" ý chỉ của Càn Long rồi truyền lời lại cho mọi người, thậm chí đó có thật là lời vua nói hay không cũng chẳng ai biết.
Ông ta còn nhiều lần thay vua sưu tầm văn vật, cổ vật, vận chuyển châu báu, trong thời gian đó, rất nhiều quốc bảo quý giá cũng bị Hòa Thân âm thầm chuyển về phủ đệ của mình, trong số đó có cả tấm bia đá khắc chữ "Phúc", mà Càn Long khi ấy đã hồ đồ lại chẳng hề hay biết chuyện này.
Sau khi biết chuyện tấm bia đá khắc chữ "Phúc" do Thánh Tổ để lại bị Hòa Thân trộm mất, Gia Khánh đế vô cùng tức giận, lập tức lệnh cho quan viên soát nhà Hòa Thân mang tấm bia đá quay trở về Hoàng cung.
Song chuyện này lại khiến quan viên vô cùng khó xử, bởi vậy nên tấm bia đá khắc chữ "Phúc" kia vẫn mãi chẳng được mang về trong cung.
Nguyên nhân là vì, năm ấy khi Hòa Thân mang tấm bia đá "Thiên Tứ Hồng Phúc" kia về phủ của mình đã đặc biệt mời một thầy phong thủy về để bố trí bố cục, nối liền long mạch, Hoàng cung và tấm bia đá trong phủ mình thành một thể, nếu như cố tình đào tấm bia đá ấy đi thì sẽ cắt đứt long mạch của Hoàng gia.
Cũng bởi vì như vậy, cho nên khi nghe Gia Khánh đế muốn di chuyển tấm bia đá đi, các quan đại thần đã vội vã đứng ra ngăn cản.
Vì để đảm bảo sự an toàn của long mạch nên cuối cùng Gia Khánh đế đã không dám di dời tấm bia đá ấy quay về Hoàng cung, nhưng vì để cắt đứt vận khí của Hòa Phủ, Gia Khánh đế đã cho người phong bế Mật Vân động, đồng thời hạ lệnh không ai được phép đem chuyện này truyền ra ngoài, cho nên trong sách sử mới ghi chép lại rằng, vào thời vua Càn Long, tấm bia đá khắc chữ "Phúc" đã biến mất một cách kỳ lạ.
Sau này, Hòa Phủ cũng trải qua mấy lần đổi chủ, đến cuối thời nhà Thanh thì thuộc về Cung Thân vương Dịch Hân, trở thành Cung Thân vương phủ nổi tiếng.
Sau khi nhà Thanh sụp đổ, con cháu Cung Thân vương vì trang trải cuộc sống đã đem Cung Vương phủ thế chấp cho Giáo hội Công giáo Bắc Kinh, sau này vì không có tiền chuộc về nên đã bán lại cho Giáo hội Công giáo, rồi được sửa chữa thành ký túc xá Đại học Phụ Nhân.
Trở thành di tích văn hóa của Trung Quốc
Sau khi nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập, Cung Vương phủ trở thành nơi ở cho các đơn vị trong chính phủ và một số dân cư. Vương phủ xa hoa xưa kia trở thành khu phức hợp, trải qua thời gia, Vương phủ cũng hứng chịu nhiều tổn thất, bị hư hại nặng nề.
Nhằm bảo vệ di tích văn hóa này, năm 1962, Thủ tướng Trung Quốc khi đó là Chu Ân Lai đã đứng ra tiến hành tu sửa lại Vương phủ.
Sau khi quá trình tu sửa hoàn tất, Thủ tướng Chu Ân Lai đã đích thân đến Vương phủ tiến hành thị sát. Khi đi ngang qua Mật Vân động, ông phát hiện ra bên trong hòn non bộ dường như là một hang động rỗng, nói không chừng có lẽ trong đó còn cất giấu bí mật nào đó, cho nên ông lập tức sai người mở cửa động Mật Vân, kết quả tìm thấy bên trong là tấm bia đá khắc chữ "Phúc" đã mất tích hơn 200 năm.
Trong niềm vui sướng tột cùng, Chu Ân Lai đã đích thân đặt tên cho tấm bia đá là "Trung Hoa Đệ nhất Phúc" hay còn được gọi với cái tên "Thiên hạ Đệ nhất Phúc".
Ngày nay, tấm bia đá khắc chữ "Phúc" đã trở thành một trong những điểm tham quan nổi tiếng tại Cung Vương phủ.
Rất nhiều du khách trong và ngoài Trung Quốc đến đây tham quan, đứng trước tấm "Thiên hạ Đệ nhất Phúc" này cầu mong cho gia đình, bạn bè luôn may mắn, mạnh khỏe, được "trời cao ban phước".