Trong số 12 đội góp mặt tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022, ĐT Việt Nam là đội bóng chịu penalty nhiều nhất, với 5 lần bị trọng tài chỉ tay vào chấm 11 m. Đoàn Văn Hậu phạm lỗi với Manuel Bihr (Thái Lan) hồi tháng 11/2019, với Guilherme De Paula (Malaysia) tại UAE hồi tháng 6, Bùi Tấn Trường phạm lỗi với Khalil Ibrahim (UAE) ở trận cuối vòng loại thứ 2 và hai pha phạt đền ở trận đấu vừa qua.
Cả 5 tình huống nói trên đều đến trong bối cảnh trận đấu đang ở hồi căng thẳng, ĐT Việt Nam phải chịu nhiều sức ép từ đối phương và đều là lỗi của các hậu vệ. Chặng đường sắp tới của ĐT Việt Nam còn rất dài và thầy trò HLV Park Hang-seo sẽ phải đối mặt những hệ quả nếu không tìm cách hạn chế sai lầm.
Nhiều năm qua, V.League luôn diễn ra với sự song hành của những tranh cãi liên quan đến trọng tài. Từ những sai sót về chuyên môn của giới "còi, cờ", tới sự nương nhẹ trong những quyết định của "Vua sân cỏ" khiến V.League luôn phải đối mặt với làn sóng chỉ trích.
Chỉ tính riêng mùa giải 2021 với 12 vòng đấu V.League và 7 vòng giải Hạng nhất Quốc gia, có thể kể ra hàng loạt tình huống trọng tài "rén tay" khi rút thẻ khiến dư luận dậy sóng.
Vòng đấu thứ 6, Hoàng Vũ Samson có hành vi phi thể thao với Nguyễn Tuấn Mạnh, nhưng chỉ bị trọng tài Nguyễn Phúc Hoan cảnh cáo bằng thẻ vàng. Phan Thế Hưng của CLB Nam Định đạp vào đầu gối Nguyễn Công Thành (Sài Gòn FC). Sau trận, BTC giải đánh giá pha phạm lỗi này còn nguy hiểm hơn tình huống Hoàng Thịnh vào bóng với Hùng Dũng, nhưng Thế Hưng thậm chí không bị thẻ phạt nào.
Tới vòng 9, trợ lý trọng tài Nguyễn Lê Nguyên Thành còn bị lung lay răng sau cú húc đầu của Nguyễn Thanh Thắng sau trận đấu trên sân Thanh Hóa. Thủ môn của CLB TP.HCM chỉ bị phạt thẻ vàng. Cách điều hành trận đấu của đội ngũ trọng tài cho thấy nhiều bất cập, tới mức Ban trọng tài Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) phải tổ chức họp trực tuyến để rút kinh nghiệm.
Thông điệp được đưa ra rất rõ ràng: phải mạnh tay với những hành vi bạo lực. Ban trọng tài cũng yêu cầu thuộc cấp quyết liệt hơn trong khi làm nhiệm vụ. Sẽ không có gì đáng nói nếu đây là lần đầu tiên thông điệp mạnh tay với tiêu cực được đưa ra.
Từ mùa giải 2014, Ban trọng tài từng khẳng định sẽ xử nặng trọng tài nương tay với bạo lực nhằm hạn chế vấn nạn của bóng đá Việt Nam. Khi đó, Nguyễn Trọng Hoàng - anh cả ĐT Việt Nam hiện tại - 25 tuổi, lứa Công Phượng mới khoác áo U19 Việt Nam. Sau 7 năm, chất lượng chuyên môn của giới trọng tài vẫn chưa được cải thiện đáng kể, còn V.League vẫn chưa thôi tình trạng bạo lực.
Những tình huống kể trên mang tính điển hình và đều là những pha bóng khiến dư luận dậy sóng. Còn rất nhiều pha bóng "thổi hay không đều đúng", cách xử lý của trọng tài dễ khiến cầu thủ hình thành thói quen lệch chuẩn so với môi trường quốc tế.
Trao đổi với Zing, bình luận viên (BLV) Vũ Quang Huy cho rằng những bất cập, hạn chế của V.League đã tồn tại từ lâu nay và điều này có thể khiến ĐT Việt Nam chịu thiệt thòi. "Việc trọng tài bắt nương tay có thể tạo ra thói quen cho các cầu thủ và tuyển Việt Nam ở những pha bóng không rõ ràng. Chúng ta cần khẳng định rằng các tuyển thủ dưới thời HLV Park Hang-seo không có xu hướng đá bạo lực. Theo tôi, vẫn còn những yếu tố khác dẫn đến câu chuyện chịu nhiều penalty", BLV Quang Huy nêu quan điểm.
Nhìn lại thống kê 5 lần bị thổi phạt đền của ĐT Việt Nam, Quang Huy cho rằng vấn đề nằm ở lối chơi và hạn chế về mặt con người. ĐT Việt Nam đang thi đấu mà không có một tiền vệ phòng ngự đúng nghĩa trên sân ở 4 trận gần đây nhất. HLV Park triệu tập duy nhất một tiền vệ trụ đơn thuần là Phạm Đức Huy, nhưng cầu thủ này chỉ chơi 33 phút ở trận gặp Malaysia và 44 phút ở trận gặp UAE, đều từ ghế dự bị.
Vấn đề này đã được đặt ra từ khi Đỗ Hùng Dũng gặp chấn thương. Trước những đối thủ dưới tầm, hoặc ngang cơ, ĐT Việt Nam có thể dùng kỹ thuật và khả năng cầm bóng của các cầu thủ để khỏa lấp điểm yếu trong khâu đánh chặn. Tuy nhiên, khi đẳng cấp của đối thủ cao hơn, họ dễ dàng xuyên phá thẳng vào trung lộ.
Trước UAE, ĐT Việt Nam lên tục bị đánh vỗ mặt và đưa bóng vào vùng cấm. Pha kiến tạo bằng đường chuyền đưa bóng ra sau lưng hàng thủ đội bóng áo đỏ của Abdullah Ramadan được thực hiện tương đối dễ dàng, khi trước mặt anh không có cầu thủ đánh chặn nào. Nếu không may mắn, thầy trò HLV Park Hang-seo sẽ chịu nhiều hơn 3 bàn thua.
Tới trận gặp Ả Rập Xê Út, kịch bản tương tự lặp lại với ĐT Việt Nam. Duy Mạnh hơn một lần bọc lót và phá bóng trong thế khung thành đội nhà bị uy hiếp. Tình huống ở phút thứ 27 là ví dụ. Đội bạn thoải mái cầm bóng ở giữa sân và chuyền bóng xuyên tuyến, xé toang hàng thủ ĐT Việt Nam. Nếu Duy Mạnh không có mặt đúng lúc, bàn thắng đã đến với đội chủ nhà.
Tình huống Duy Mạnh để bóng chạm tay cũng đến từ tình huống tương tự, bóng được chuyền từ giữa sân, đi qua khoảng trống giữa các cầu thủ phòng ngự trước khi được đưa vào vùng cấm đội khách. "ĐT Việt Nam cần một cầu thủ đánh chặn tốt để phòng ngự từ xa. Từ đó giảm áp lực lên hàng thủ. Khi không phải hoạt động với cường độ cao liên tục, tỷ lệ mắc sai lầm sẽ được giảm xuống", BLV Quang Huy nêu quan điểm.
Cũng theo BLV này, vấn đề trình độ cần được nhắc đến. Giai đoạn 2018-2019, ĐT Việt Nam thi đấu ở môi trường vừa sức hơn như AFF Cup 2018 hay vòng loại thứ 2, lại có sự phục vụ của Đỗ Hùng Dũng. Các học trò của HLV Park Hang-seo vận hành chiến thuật khá trơn tru.
Tới khi đối đầu những đối thủ mạnh hơn, ĐT Việt Nam buộc phải lựa chọn chiến thuật phòng ngự. "Vừa yếu, vừa thiếu, thầy trò ông Park đành phải chơi theo cách đó, phải chơi lăn xả để ngăn chặn, cầm cự trước đối thủ. Cố gắng cầm bóng mà không có tiền vệ phòng ngự cũng để lại hệ quả. Việc mất bóng sẽ dẫn tới khung thành đội nhà sẽ bị uy hiếp".